Thiên tai đột biến và dị thường hơn

ANTĐ -   Các hiện tượng khí tượng thủy văn (KTTV) cực đoan có dấu hiệu gia tăng về tần suất và cường độ trên phạm vi cả nước. Dông, lốc, mưa đá, lũ quét xuất hiện thường xuyên hơn, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Trong khi đó, khả năng dự báo, cảnh báo của Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được.
Thiên tai đột biến và dị thường hơn ảnh 1
Cần dự báo chính xác hơn để đề phòng những diễn biến bất thường của thời tiết
(Trong ảnh: Một nhà dân bị phá sập sau cơn mưa đá tại huyện Si Ma Cai, Lào Cai ngày 27-3)

Gia tăng về cường độ và tần suất

Từ đầu năm 2013 đến nay, dù Việt Nam chưa chính thức đón nhận cơn bão, áp thấp nhiệt đới nào đổ bộ vào đất liền, nhưng hậu quả của mưa đá, dông lốc gây ra khá nặng nề. Mưa đá dị thường diễn ra từ tháng 3 và kéo dài cho đến nay, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho các tỉnh, đặc biệt tại một số địa phương như Lào Cai, Đà Lạt, Hà Giang… Rồi lũ quét, sạt lở đất dù mới đầu mùa nhưng đã cướp đi sinh mạng của không ít người. Ông Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và môi trường (Bộ TN-MT) nhận định, trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất. Trong đó, bão và áp thấp nhiệt đới gia tăng về cường độ và tính trái quy luật; lũ lụt, lũ quét gia tăng về tần suất và phạm vi ảnh hưởng; Hạn hán gia tăng về thời gian kéo dài và tần suất.

Cùng với thiệt hại do mưa đá, dông lốc, lũ quét thì hạn hán, thiếu nước cũng đang diễn biến căng thẳng tại các vùng cửa sông, ven biển khu vực Tây Nguyên và Nam bộ suốt nhiều tháng qua. Hạn hán ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Tình trạng thiếu hụt dòng chảy đang diễn ra trên diện rộng, không chỉ trên các sông mà ngay cả các hồ thủy lợi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Mực nước trên một số sông khu vực Tây Nguyên thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng kỳ. “Đây chính là hậu quả của BĐKH khiến cho các hiện tượng thời tiết dị thường, cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều”, ông Lê Công Thành đánh giá.

Dẫn chứng từ số liệu quan trắc về các hiện tượng thiên tai diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2000 trở lại đây trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm KTTV Lào Cai cho hay, chuỗi quan trắc cho thấy thời tiết diễn biến ngày càng đột biến và dị thường hơn. Thiên tai xảy ra đôi khi trái ngược với quy luật chung của tự nhiên, gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo, cảnh báo. Trong khi đó, yêu cầu của xã hội, cộng đồng về công tác dự báo KTTV ngày càng cao. 

Khó định lượng mưa, lũ quét 

Đánh giá thực tế, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương nhận định, công tác dự báo thủy tai còn tồn tại nhiều hạn chế, như việc thu thập số liệu bị chậm trễ 1-3h đã làm cho tổng thời gian cần thiết để chuẩn bị dự báo kéo dài; hơn nữa, vẫn không thể dự báo định lượng mưa cho một khu vực nhỏ, địa điểm cụ thể. “Riêng dự báo, cảnh báo lũ quét, có thể nói ở nước ta hiện nay chưa làm được vì đây là vấn đề rất khó”, ông Bùi Minh Tăng nhìn nhận.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Tuy nhiên, khâu dự báo, cảnh báo và ứng phó của các cơ quan chức năng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nội dung, phương thức ứng phó với BĐKH của Việt Nam còn nhiều bất cập. Việc áp dụng, đổi mới công nghệ dự báo, đặc biệt là ở những khu vực, địa bàn dễ tổn thương trước tác động của BĐKH chưa được chú trọng… 

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ các nước, khai thác nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) dù đã được quan tâm nhưng việc đầu tư cho phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai còn dàn trải, chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, giám sát khí hậu còn thiếu; khả năng dự báo, cảnh báo còn hạn chế, thời gian dự báo còn ngắn hạn, độ chính xác chưa cao. Thậm chí, dù đã đầu tư một số trạm đo mưa, cảnh báo lũ tự động nhưng vẫn chưa mang lại kết quả. Công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai mới tập trung vào ứng phó và khắc phục hậu quả mà ít chú trọng đến chủ động phòng tránh…

Theo ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khí tượng khí hậu (Viện Khoa học KTTV và môi trường), hiện nay khó khăn của những nước đang phát triển là chưa có đủ điều kiện để tiếp nhận ngay một nền khoa học công nghệ hiện đại như các nước tiên tiến. Bởi vậy, việc đổi mới công nghệ dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phải thực hiện một cách đồng bộ từ cơ sở vật chất đến các dự báo viên.