"Thiên đường du lịch" không hẳn là xứ mơ

ANTĐ - “Du lịch là một dự án đầu tư mà lợi nhuận thu về là những bài học dùng cho cả đời” - lời giới thiệu của tác giả Trần Việt Phương có lẽ không thể thích hợp hơn cho cuốn sách “Chạm ngõ thiên đường”. Để thấy rằng du lịch không đơn thuần chỉ là một thú vui, mà mỗi bước chân trên hành trình sẽ dạy chúng ta thêm một điều quý giá. 

Tác giả Trần Việt Phương với người dân Timor Leste 

Cuộc hành trình của một phóng viên

Không giống như những người đi du lịch tự do, Trần Việt Phương là một phóng viên đã từng 5 năm làm việc tại Bangkok. Không ít lần anh đến những “điểm nóng” để trực tiếp đưa tin. Tháng 4-2015, anh có mặt tại Kathmandu, Thủ đô của Nepal chỉ 3 ngày sau trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển quốc gia Nam Á này. Tháng 2007, sau khi chuyến bay 269 One-Two-Go của Thái Lan gặp nạn làm 88 người thiệt mạng, anh đã đáp chuyến bay của chính hãng này đến hiện trường để đưa tin.

Anh cũng từng có mặt ở Ai Cập trong vòng 24 tiếng khi đất nước này lâm vào cuộc bất ổn chính trị căng thẳng. Nhưng không vì vậy mà tác giả biến cuốn sách này thành một cuốn tự thuật khô khan. Do những đặc thù nghề nghiệp, chàng trai quê gốc Nha Trang có điều kiện thuận lợi để đi đến nhiều nơi, nhưng chính từ đây, anh nuôi ước muốn được đi, được thỏa chí khám phá.

Trần Việt Phương trong bộ đồ truyền thống của Bhutan

Là một blogger có tiếng trong giới “phượt” với cái tên Travip, gần như chưa bao giờ thấy Trần Việt Phương thỏa mãn với những hành trình của mình. Xem trang Facebook cá nhân của anh, khi thì thấy anh đang đi trên đường phố Penang (Malaysia), khi thì thấy anh hồ hởi thông báo đã đến quốc gia non trẻ nhất Đông Nam Á Timor Leste… 

Đến với mỗi xứ sở, Trần Việt Phương đều gợi mở cho người đọc những điều mới để khám phá. Chẳng hạn như những ai hành hương đến Ấn Độ đều tha thiết được tới Bồ Đề Đạo Tràng, một trong những nơi linh thiêng nhất của Phật giáo để được ngồi thiền và có được một chiếc lá bồ đề lấy may.

Rồi đến Bhutan, du khách sẽ bất ngờ khi thấy những người đàn ông trong những bộ “gho” - những chiếc áo choàng trông có vẻ nặng nề nhưng được người Bhutan rất trân trọng. Hay Seychelles - quốc đảo xinh đẹp thuộc lục địa đen nằm giữa Ấn Độ Dương mà dân du lịch ít khi biết tên trên bản đồ thế giới, lại là nơi xứ sở đa sắc tộc với đủ loại người từ Á, Âu cho đến Phi. 

Góc khuất của những “thiên đường du lịch”

 “Chạm ngõ thiên đường” hóa ra lại không hứa hẹn những hành trình như mơ đối với những người du lịch. Ẩn sau những bức hình hào nhoáng mà ta thường thấy trên các website du lịch, những nụ cười tươi rói trên phim quảng cáo… là những góc khuất mà ít ai biết đến. Ngay tại Ấn Độ, bất cứ nơi đâu du khách cũng có thể chịu cảnh bị làm tiền, từ lễ tân, phục vụ, đầu bếp cho những người khuân vác.

Trên đường phố, những người ăn xin nhếch nhác, những người bán rong nghèo khổ… nhiều không đếm xuể. Miếng ăn, sự sống hàng ngày của họ đôi khi trông chờ vào những đồng đô la lẻ rón tay làm phúc từ những du khách. Hay ngay tại Maldives - thiên đường trên hạ giới với những bãi tắm trắng xóa, nước biển xanh ngắt làm đắm say lòng người… hóa ra lại chỉ là “xứ mơ” với khách du lịch. Để có được những ngày nghỉ xa hoa, đắt đỏ của du khách, những người phục vụ làm việc trong các resort đã phải làm việc cật lực từ sáng đến đêm.

Nhiều người trong số họ ít có cơ hội quay về nhà. Người dân Maldives cũng có một nỗi lo mà không phải người dân quốc gia nào cũng có thể hiểu được, đó là một ngày nào đó, nước biển dâng có thể sẽ nhấn chìm hoàn toàn những hòn đảo xinh đẹp của họ, bởi Maldives là quốc gia thấp nhất trên thế giới. Và đằng sau những nụ cười xinh đẹp của những cô tiếp viên hàng không là những bữa ăn vội, những đêm không được chợp mắt, những giọt nước mắt lặng lẽ và cả những nỗi ám ảnh mỗi khi bước lên máy bay sau khi những vụ tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra.

Là người đi nhiều và trải nghiệm nhiều, Trần Việt Phương cũng dành cái nhìn cảm thông đối với những người hàng ngày phải đối mặt với rủi ro ấy. Anh tâm sự: “Những vụ tai nạn đem lại cho tôi bài học rằng: Khi chúng ta bước lên một chiếc máy bay, chúng ta chỉ khác nhau về chỗ ngồi, hạng ghế và tiêu chuẩn được phục vụ. Còn lại, chúng ta bình đẳng với nhau về mạng sống”. 

Cuốn “Chạm ngõ thiên đường” không phải là cuốn sách quá xuất sắc nếu so với những cuốn du ký đã từng gây được tiếng vang, cũng không phải cuốn sách sẽ hối thúc người ta “xách ba lô lên và đi” ngay tức thì khi nó đã “trót” nói ra những mặt phiền phức của việc đi du lịch.

Nhưng chắc chắn nó là cuốn sách mà một người yêu du lịch nên có trong hành trình của mình, bởi nó giúp bạn vững tâm hơn khi đặt chân đến một xứ sở xa lạ, giúp bạn cởi mở hơn khi lần đầu tiếp xúc với người lạ… hay chỉ đơn giản là tìm thấy thêm một ý nghĩa nữa của việc lên đường. Bởi “du lịch không phải chỉ để ngắm cảnh hay thư giãn. Đó là những bài học cuộc sống mà mỗi người ta gặp trên đường đi là một người thầy”.