“Thiên đường” đã mất

ANTĐ - Cyprus từng được mệnh danh là một “thiên đường rửa tiền” nhờ những chính sách thông thoáng, song giờ đây “thiên đường” này đã mất sau khi Chính phủ nước này áp dụng hàng loạt biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Người dân Cyprus đổ xô đi rút tiền tiết kiệm sau khi các ngân hàng mở cửa trở lại

Với quyết định mới nhất của Ngân hàng Trung ương Cyprus, khách hàng có tiền gửi tại Ngân hàng Cyprus đang phải đối mặt với nguy cơ mất tới 60% tiền gửi trong những tài khoản có số dư trên 100.000 euro (khoảng 130.000 USD). Theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Cyprus, 37,5% khoản tiền tiết kiệm trong những tài khoản trên 100.000 euro sẽ được chuyển thành cổ phiếu ngân hàng và 22,5% sẽ tạm thời được giữ lại nhằm đảm bảo các điều kiện tái cấu trúc vốn của ngân hàng.

Ngoài ra, 40% số tiền còn lại trong các tài khoản trên 100.000 euro cũng sẽ “tạm bị đóng băng” nhằm đáp ứng khả năng thanh toán đang trong tình trạng rất khó khăn hiện nay ở Cyprus. Mặc dù người gửi tiền cuối cùng có thể chuyển đổi cổ phần của họ thành tiền trở lại, song vào thời điểm mà giá trị cổ phiếu đang xuống thấp và không biết khi nào mới tăng trở lại thì rõ ràng người gửi tiền ở Cyprus đang thiệt đơn, thiệt kép. 

Trước đó, khi hệ thống ngân hàng ở Cyprus mở cửa trở lại ngày 28-3, nước này cũng đã áp dụng các biện pháp ngặt nghèo nhằm hạn chế việc rút tiền mặt cũng như mang tiền ra nước ngoài. Theo đó, về tiền mặt, các cá nhân không được phép rút hơn 300 euro (khoảng 383 USD) mỗi ngày. 

Để thắt chặt dòng tiền chảy ra nước ngoài, những người xuất ngoại chỉ được phép mang 1.000 euro và việc chuyển tiền quốc tế thông qua thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ chỉ được tối đa 5.000 euro/tháng. Doanh nghiệp cũng chỉ được giao dịch dưới 5.000 euro/ngày. Những khoản giao dịch từ 5.000-200.000 euro sẽ phải thông qua sự xem xét của một ủy ban đặc biệt. 

Không ít người đã lên tiếng chỉ trích việc chính quyền Cyprus ngăn cản sự lưu chuyển tài chính tự do là vi phạm nguyên tắc của Liên minh châu Âu (EU) song cơ quan hành pháp của liên minh là Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng sự ổn định của thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng Cyprus còn quan trọng hơn. Bộ trưởng Tài chính Cyprus Michalis Sarris thừa nhận nước này đang phải hứng chịu một đòn mạnh giáng vào hệ thống tài chính nhưng ngân hàng cần phải cải cách để cứu nguy cho nền kinh tế. 

Những biện pháp thắt chặt tài chính và ngân hàng hiện nay ở Cyprus trái ngược hẳn với quá khứ thông thoáng biến đảo quốc này thành một trong những nơi được mệnh danh là “thiên đường rửa tiền”. Để thu hút khách hàng, các ngân hàng Cyprus đưa ra lãi suất cao trong khi mức thuế phải trả thấp nhất trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Nhờ những ưu đãi mà không quốc gia nào trong Eurozone có được nên theo Standard & Poor, dù tổng GDP của Cyprus chỉ có 25 tỷ USD nhưng quy mô hệ thống ngân hàng lại gấp 5 lần GDP. Dịch vụ tài chính, ngân hàng đã nhanh chóng đưa thu nhập GDP đầu người của Cyprus, vốn là một quốc gia nông nghiệp nghèo ở châu Âu, lên mức hơn 30.000 USD/năm.

Nay thì những biện pháp mạnh nhằm “làm sạch” hệ thống ngân hàng Cyprus được cho là sẽ “bóp chết” ngành ngân hàng từng biến đảo quốc này thành “thiên đường trốn thuế”.