"Thiên đường" của tội phạm buôn lậu

ANTĐ - Hàng đóng hộp được chất trên các xuồng cao tốc, phủ lên bằng những tấm vải nhựa trước khi phóng vút đi vào lúc xế chiều để bắt đầu một cuộc hành trình ngắn nhưng đầy nguy hiểm xuyên qua eo biển Hormuz chiến lược từ Oman tới Iran. Đối với những tay buôn lậu ở cảng nhỏ Khasab của Oman bên kia bờ eo biển Hormuz, đây là một “mỏ vàng”.

Tàu thuyền qua lại tấp nập ngoài cảng Khasab

Đủ loại hàng lậu

Arwind không thích gọi mình là tay buôn lậu, hay xưng tên tuổi đầy đủ. Thay vào đó, anh cho biết, anh điều hành một doanh nghiệp xuất nhập khẩu các mặt hàng từ giày da của Trung Quốc, váy cưới, thiết bị thu nhận vệ tinh đến tủ lạnh, phụ tùng ô tô và cả nước uống Coca-Cola. Tóm lại, người đàn ông đến từ Ấn Độ, 39 tuổi này kinh doanh “bất cứ thứ gì người dân Iran cần hiện nay”.

Cách đây 7 năm, Arwind rời bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ, tới cảng Khasab trên bán đảo Musandam ở phía Bắc Oman. Việc buôn bán với Iran đã có từ lâu nhưng các lệnh trừng phạt của phương Tây chống Iran liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, khiến cho hoạt động buôn lậu tại Khasab phát triển mạnh.

Theo giới buôn lậu, hàng hóa được nhập khẩu hợp pháp vào UAE, sau đó được các lái xe tải chở qua biên giới Oman với mức phí nhập cảnh là 50 dirham (13,5USD). Tại Khasab, hàng hóa được đưa vào kho, sau đó chất trên những bến tàu cách đồn cảnh sát chưa đầy 100m, rồi được đưa xuống những chiếc xuồng cao tốc chở tới Iran một cách bất hợp pháp. “Dù bị cấm vận hay không, người dân Iran có quyền tận hưởng cuộc sống chứ”, Arwind nói và cho biết, anh rất vui khi được giúp đỡ.

Hành trình nguy hiểm

Phương tiện chở hàng lậu thường là những chiếc xuồng nhỏ, cơ động, được ngụy trang và trang bị động cơ có công suất lớn. Những tay buôn lậu qua lại quãng đường dài 85km giữa Khasab và đảo Qeshm của Iran, thường trở về vào sáng sớm với những chiếc xuồng trống trơn để chuẩn bị cho buổi chở hàng sau. “Mỗi chuyến, chúng tôi nhận được 300.000 rial. Chúng tôi đi 2-3 lần mỗi ngày. Chính phủ Iran không biết gì về hoạt động của chúng tôi”, anh Ahmed đến từ Afghanistan cho biết.

Tại cảng Khasab, luôn có hàng chục chiếc xuồng neo đậu. Những người đàn ông rám nắng, dẻo dai đến từ Iran, Afghanistan, Oman… luôn chân luôn tay bốc hàng lên xuồng. Đoàn xuồng rời cảng thành từng nhóm 5-6 chiếc. Trên mỗi chiếc xuồng là 2 người đàn ông, nhằm vượt qua eo biển càng nhanh càng tốt. Nếu sóng yên biển lặng, mất không đầy 90 phút là tới đảo Qeshm, nhưng cũng có thể mất tới 4 tiếng mới tới được bờ biển Iran do gió to sóng lớn.

Những kẻ buôn lậu tiết lộ, các đội tuần tra của Iran nhận từ mỗi chiếc thuyền khoảng 40 euro để nhắm mắt làm ngơ cho việc chuyên chở hàng lậu, từ những đôi giày của Trung Quốc, ti vi màn hình phẳng 42 inch của LG, lò vi sóng Panasonic, phụ tùng xe máy Yamaha tới đồ uống nhẹ, thuốc lá... Những ai không “lót đường” hoặc không may gặp phải một lính gác Iran tận tâm với công việc, thường đối mặt nguy hiểm, buộc phải vứt hàng (có thể trị giá lên đến hàng nghìn USD) xuống biển để tránh bị phạt hoặc tống giam.


Khó ngăn chặn

Giới chức Iran cho biết, đường biên giới biển và đất liền dài khiến nước này khó trấn áp nạn buôn lậu nhưng họ lo lắng nhiều hơn về số thuốc phiện đang đổ về thông qua Afghanistan và nạn thất thoát nhiên liệu được nhà nước trợ giá cao do buôn lậu ra bên ngoài. “Không thể chặn tất cả các con đường vào Iran dù đã cố gắng hết sức”, Paul Rogers, giảng viên về các vấn đề an ninh tại Đại học Bradford ở Anh nhận xét. Tuy nhiên, việc buôn lậu chủ yếu xoay quanh các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là những mặt hàng bị cấm vận.

Cách đây vài năm, lượng hàng hóa trị giá lên tới nửa triệu USD được vận chuyển ở Khasab mỗi ngày. Hiện nay, con số đó có lẽ lớn hơn nhiều. Nhưng những người buôn bán như Arwind lo ngại cộng đồng quốc tế có thể chú ý nhiều hơn tới Khasab như từng xảy ra thời gian gần đây với Dubai, từng là điểm trung chuyển cho các hàng hóa tới Iran. Theo Arwind, không người dân nào ở đây muốn nhà chức trách trấn áp mạnh nạn buôn lậu vì ai cũng được hưởng lợi từ hoạt động siêu lợi nhuận này.

Trong khi đó, một người lái xuồng người Iran tên là Aziz cho biết, cách đây vài tháng, anh có thể chở càng nhiều chuyến càng tốt do các thương nhân ở Iran đang cần hàng. Nhưng nay, do đồng rial của Iran không ổn định bởi lệnh cấm vận nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran của Mỹ, nên nhu cầu hàng hóa cũng giảm theo. Cùng với đó, nguy cơ hàng lậu bị chặn lại lớn hơn do nhà chức trách Iran tăng cường tuần tra tại eo biển chiến lược này.

Theo tờ Le Monde của Pháp, các biện pháp cấm vận của phương Tây vào chính quyền Tehran bắt đầu tác động trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân Iran. Đồng rial của Iran mất giá liên tục, lạm phát leo thang tới mức 37% khiến đời sống của người dân nước này thêm điêu đứng. Giá nhu yếu phẩm tăng chóng mặt. Người ta phải trả đến 30 USD để mua được một cân thịt, 5 USD để mua một cân gạo. Phần lớn người dân không có khả năng điều trị thuốc men, số người thất nghiệp ngày càng đông khi các doanh nghiệp Iran không còn khả năng thanh toán đã phải lần lượt đóng cửa các cơ sở hoạt động.

“Với đà này, chỉ trong 6 tháng nữa, nạn đói sẽ hoành hành tại quốc gia Hồi giáo này”, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu quan hệ kinh tế Iran-Trung Quốc tại Tehran dự báo.