Thị trường vàng: Con sóng nhỏ và nỗi lo lắng

ANTĐ - Trên thị trường thế giới, lúc 8h25 sáng ngày 21-6-2013, giá vàng giao ngay trên Kitco.com có biên độ giảm 8 USD, giao dịch ở mức 1.269,8 USD/ounce. Trước đó, lúc hơn 6h, giá vàng tại đây có biên độ giảm tới 67 USD/ounce. Hiện tại, giá vàng giao ngay xuống thấp nhất kể từ tháng 9-2010. Lý do vì sao?

Ảnh minh họa: Internet

Những diễn biến sôi động

Thị trường trong nước cũng có những diễn biến sôi động. Sáng ngày 21-6, giá vàng SJC đã rơi về sát mốc 38 triệu đồng/lượng, thấp hơn gần 1 triệu đồng/lượng so với chiều ngày 20-6, và là mức thấp nhất kể từ tháng 7-2011. Giới kinh doanh vàng tại Hà Nội cho biết, lực mua vàng của người dân đã tăng đáng kể trong tuần này kể từ khi giá vàng tuột khỏi mốc 40 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đa phần người dân đi mua vàng thời gian này là mua nhỏ lẻ để tích trữ lâu dài. Tại TP Hồ Chí Minh lực mua vàng tích trữ sôi động hơn. Các cửa hàng vàng đã có hiện tượng xếp hàng mua vàng, tuy không gây thành những cơn sốt như trước đó. Đã có nhiều cửa hàng hết vàng miếng, khách hàng phải mua vàng nhẫn trọng lượng 5 chỉ và 2 chỉ. 

Đợt giảm giá của vàng có nguyên nhân chủ yếu từ thị trường thế giới khi giá vàng suy giảm đột ngột do tác động của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) khi FED tuyên bố sẽ giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế từ nay đến cuối năm. Với thị trường trong nước, tác động của thời hạn cuối tất toán trạng thái vàng 30/6 sắp tới trong khi các ngân hàng thương mại vẫn chưa gom đủ lượng vàng cũng là một yếu tố đẩy mạnh lực mua. Chính những yếu tố này đã tác động đến thị trường trong nước đẩy chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới lên 6,5 triệu đồng một lượng, đẩy giá đô la Mỹ trên thị trường tự do lên đến 21.400đ/USD. 

Tuy nhiên kể từ 16h chiều ngày 21-6  theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế là 1.294,2 USD/oz, tăng 15,4 USD/oz so với đóng cửa phiên trước tại New York. Thị trường trong nước cũng gần như lập tức đã có phản ứng. Lúc 16h chiều ngày 21-6, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý báo giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 39 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,2 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cùng thời điểm niêm yết giá vàng SJC ở mức tương ứng lần lượt là 38,8 triệu đồng/lượng và 39,2 triệu đồng/lượng. So với mức giá thấp nhất trong ngày 21-6 thiết lập vào buổi sáng, đồng thời cũng là mức giá đáy trong gần 2 năm, giá vàng SJC hiện đã hồi phục được khoảng 900.000 - 1.100.000 đồng/lượng ở cả chiều giá mua và giá bán. Đến chiều ngày 21-6, một số doanh nghiệp vàng lớn đã mạnh dạn thu hẹp chênh lệch giữa giá mua và bán vàng còn 250.000 đồng/lượng, trong khi một số đơn vị vẫn giữ khoảng cách giá mua-bán ở ngưỡng 400.000 đồng/lượng.

Vào lúc 9h30 sáng ngày 22-6, giá vàng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC tăng 300.000 đồng/lượng so với giá cuối ngày 21-6. Giá vàng SJC Hà Nội: Mua vào 39 triệu đồng/lượng; bán ra 39,42 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC Hồ Chí Minh: Mua vào 39 triệu đồng/lượng; bán ra 39,40 triệu đồng/lượng. Giá vàng tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận chưa có sự điều chỉnh. Giá vàng SJC giao dịch ở mức: Mua vào 38,95 triệu đồng/lượng; bán ra 39,22 triệu đồng/lượng. Giá vàng Phượng hoàng PNJ-DAB: Mua vào 38,45 triệu đồng/lượng; bán ra 38,95 triệu đồng/lượng. Và con sóng nhỏ sôi động trên thị trường vàng chấm dứt. Các cửa hàng vàng lại hắt hiu trở lại. 

Và lo lắng có thật với thị trường vàng

Với những chính sách của Ngân hàng nhà nước (NHNN), thị trường vàng trong nước có những khác biệt với thị trường thế giới. Đó là tình trạng NHNN độc quyền xuất nhập khẩu vàng, là đơn vị tổ chức kinh doanh vàng cuối cùng, là người quyết định giá vàng. Do vậy thị trường vàng trong nước và cả những người không tham gia thị trường nhưng có vàng tích trữ cũng phụ thuộc hoàn toàn vào ứng xử với thị trường của NHNN. Phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng hiện nay chúng ta thấy rõ sự phụ thuộc đó.

Đến ngày 30-6 là hạn cuối cùng để tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại. Theo các thông báo của NHNN số lượng vàng còn thiếu hụt của các ngân hàng thương mại chỉ còn dưới 10 tấn. Trong thời gian qua NHNN đã tổ chức bán ra dưới dạng đấu thầu trên 33 tấn vàng với giá cao hơn giá thế giới từ 3,5 đến 5 triệu đồng một lượng vàng, thu thêm cho ngân sách gần 200 triệu USD. Và theo dự kiến NHNN sẽ tổ chức nhập vàng về bán giá cao, đủ cho các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái vàng. Do vậy có thể nói thời hạn 30-6 có ảnh hưởng nhưng không lớn đến giá vàng hiện nay. 

Nhu cầu mua vàng dự trữ và trang sức cũng không lớn do giá vàng trên thị trường trong nước đang quá cao, cao đến phi lý so với giá vàng thế giới. Con sóng nhỏ trên thị trường thế giới trong ngày 21-6 thực ra chỉ những người có nhu cầu thiết yếu và những người tranh thủ đầu cơ tham gia, còn những người có nhu cầu tích trữ vàng thật sự vẫn đang chờ đợi diễn biến sau ngày 30/6, mặc dù vẫn không hy vọng giá vàng giảm mạnh. 

Nỗi lo lắng lớn nhất chính là yếu tố giá ngoại tệ, chủ yếu là USD tăng lên theo diễn biến tăng lực mua của thị trường vàng. Có hay không tình trạng gom ngoại tệ buôn lậu vàng? Theo NHNN tình trạng buôn lậu vàng khó xảy ra vì các biện pháp quản lý thương hiệu SJC, vàng buôn lậu không thể dập vàng miếng nếu không có nguồn gốc hợp pháp. Tuy nhiên theo diễn biến thị trường vàng, giá vàng phi SJC cũng chênh lệch với giá vàng thế giới hàng triệu đồng một lượng. Trong khi đó theo chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, chênh lệch giá vàng 400.000đ/lượng là đã có buôn lậu vàng. 

 Nỗi lo lắng thứ 2 là nỗi lo lắng về độ ổn định của các giải pháp quản lý thị trường vàng. Nếu các giải pháp này ổn định lâu dài, thị trường sẽ ổn định. Các quy luật thị trường luôn có cách cân bằng các yếu tố tác động để hoạt động. Tuy nhiên đến sau ngày 30/6 khi những nhu cầu vàng lớn đến từ các ngân hàng thương mại mất đi, NHNN không thể tổ chức đấu thầu mỗi tuần 3 lần và chắc chắn sẽ không quản lý được giá vàng bằng biện pháp này, lúc đó giá vàng sẽ trôi theo các quy luật thị trường. Ai khẳng định lúc đó thị trường sẽ ổn định và theo sự xáo trộn, liệu những giải pháp mới với thị trường vàng sẽ được đưa ra. Và thị trường vàng sẽ bất ổn với vòng quay mới với những nhu cầu vàng vật chất cho tích trữ, trang sức… xuất hiện. 

Dĩ nhiên, một nền kinh tế không bị vàng hóa, nghĩa là vàng không còn là đơn vị thanh toán phổ biến, không còn là phương tiện tích trữ phổ biến làm ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư xã hội, không còn ảnh hưởng đến tỷ giá là một mục tiêu tuyệt vời để phấn đấu, để thực hiện các giải pháp. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia Và ngay tại diễn đàn cao nhất là diễn đàn Quốc hội, các giải pháp của NHNN khó có thể đạt được mục tiêu cao đẹp đó. Vấn đề là không thể chỉ bằng các giải pháp hạn chế thị trường vàng có thể thay đổi quan niệm của người dân đối với vàng như là phương tiện dự trữ chủ yếu, nhất là các nước trong khu vực, cũng như châu Á chưa làm việc đó. Mà từ phương tiện dự trữ đến phương tiện thanh toán chỉ là một khoảng cách mong manh. Nhưng nhiều nước không cần phải thay đổi thói quen cũng như quan niệm của người dân về vàng mà nền kinh tế của họ vẫn không bị vàng hóa. Đó là do họ có đã có một thị trường vàng theo đúng các quy luật thị trường liên thông với thị trường vàng thế giới, triển khai tất cả những công cụ thị trường hiện đại chuyển vàng vật chất chỉ còn phục vụ nhu cầu trang sức. Một thị trường hạn chế bằng các biện pháp hành chính sẽ dễ nảy sinh một thị trường đen.