Thị trường Singapore thích bánh tráng, cà phê, nước mắm, gia vị… của Việt Nam

ANTD.VN - Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức cooking shows và livestream với sự tham gia của Youtuber nổi tiếng người Singapore- Jianhao TAN, doanh nghiệp Singapore bày tỏ sự thích thú, quan tâm tới một số sản phẩm của Việt Nam như: bánh tráng, cà phê, nước mắm, gia vị…

Doanh nghiệp Việt Nam nên khai thác cơ hội từ thị trường Singapore

Để thúc tiến xuất khẩu sang thị trường Singapore trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại qua hình thức trực tuyến như: tổ chức các “gian hàng ảo”, giao thương qua phần mềm Zoom, hay cooking shows và livestream với sự tham gia của Youtuber nổi tiếng người Singapore- Jianhao TAN…

Qua đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam như: bánh tráng, cà phê, nước mắm, gia vị… được thị trường này rất quan tâm.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội rất lớn để thâm nhập thị trường Singapore và thông qua thị trường có đòi hỏi cao này để đi ra thế giới.

Tuy vậy, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường tương đối khó tính này, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Chẳng hạn, đối với thực phẩm chế biến, đồ uống… các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến bao bì, chỉ dẫn bằng tiếng Anh, và các chứng chỉ như HACCP, Halal… cũng như thời hạn sản phẩm.

“Để đưa vào hệ thống bán lẻ, thời hạn của các sản phẩm chế biến phải đủ dài, tốt nhất trên 12 tháng để đảm bảo đủ vòng quay kinh doanh. Các sản phẩm có thời hạn ngắn, chưa kịp tiếp cận khách hàng, thương mại hóa đã phải giảm giá thanh lý (mọi sản phẩm còn hạn dưới 6 tháng) sẽ khiến các nhà nhập khẩu ngần ngại”- đại diện thương vụ cho hay.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần cạnh tranh được về giá, đảm bảo nguồn cung; tránh tình trạng “lợi dụng” dịch bệnh để đẩy giá bán lên cao, đặc biệt phải quan tâm đến việc xây dựng trang web và năng lực trao đổi thông tin qua các ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Theo Bộ Công Thương, Singapore là thị trường có độ mở lớn với kim ngạch thương mại lớn (750 tỷ USD- gấp đôi giá trị tổng sản phẩm quốc nội). Với cơ cấu nền kinh tế chủ yếu hướng vào dịch vụ (chiếm tỷ trọng 75% nền kinh tế), Singapore không có nền nông nghiệp; công nghiệp chủ yếu hướng vào ngành điện tử, cơ khí chính xác và các mắt xích trong chuỗi sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng cao như: giải pháp công nghệ, thiết kế sáng tạo.

Vì vậy, tiêu dùng ở Singapore chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Trước bối cảnh dịch Covid-19, Singapore ngày càng thận trọng trong chính sách thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Hiện nay, Singapore đang khống chế tỷ lệ xuất khẩu vào một thị trường đơn lẻ không quá 15% tổng giá trị xuất khẩu của nước này.

Dự kiến, tỷ lệ này sẽ được xem xét giảm đối với cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu, để tránh các đứt gẫy cung cầu trong tương lai ở các thị trường truyền thống của Singapore như: Malaysia, Trung Quốc, Hoa Kỳ…