Thị trường nội địa- "phao cứu sinh" cho ngành du lịch Việt Nam 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều nay 12-1, tại huyện đảo Cát Bà, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Lữ hành toàn quốc nhằm đưa ra giải pháp khôi phục và phát triển du lịch trong năm 2021.

Diễn đàn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình cùng hàng trăm doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc.

Du lịch quốc tế vẫn là bài toán khó

Sự xuất hiện của Đại dịch Covid-19 với sự tàn phá chưa từng có đã đẩy lùi ngành Du lịch trở lại hàng chục năm. Thiệt hại của Covid-19 sau 1 năm chưa thể tính hết được. Du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách outbound, doanh thu giảm gần 60% so với 2019.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, Covid-19 không chỉ tàn phá nền kinh tế mà Covid-19 còn thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch. Là ngành nhạy cảm với xã hội, Du lịch phải triển khai nhanh các công tác chuyển đổi số, ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại vào kinh doanh. Nhưng ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động du lịch cụ thể như thế nào là việc cần được trao đổi. Và diễn đàn lữ hành toàn quốc lần này, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam mong muốn được nghe ý kiến từ các nhà Lãnh đạo ngành, các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành về các nội dung nêu trên để ngành Du lịch khắc phục nhanh hậu quả của dịch Covid-19, triển khai khôi phục và phát triển Du lịch trong bối cảnh vừa thực hiện phòng chống dịch, vừa đảm bảo an toàn cho xã hội.

Chèo thuyền trên các vịnh biển được nhiều du khách trẻ tuổi lựa chọn
Chèo thuyền trên các vịnh biển được nhiều du khách trẻ tuổi lựa chọn

Theo ông Phùng Quang Thắng- Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, tính đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường, chưa thể xác định được thời điểm nới lỏng hoàn toàn việc di chuyển trong khu vực và trên thế giới, do vậy, du lịch quốc tế vẫn là bài toán mở cho ngành Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành.

Ông Phùng Quang Thắng đưa ra nhận định, du lịch bền vững sẽ là xu hướng phát triển. Bởi lẽ, du khách đã chọn những điểm đến ít đông người hơn, tăng tính bền vững và cao hơn nữa là yêu cầu về du lịch có trách nhiệm xuất phát từ khách hàng. Tập trung, quan tâm nhiều hơn đến du lịch cộng đồng ở các địa phương, giúp người dân nâng cao khả năng làm chủ, tham gia vào hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường. Khách du lịch cũng tìm đến chất lượng hơn là số luợng, Du lịch đường bộ sẽ tăng nhanh, tư vấn du lịch trở nên cần thiết hơn và du lịch gần nhà được ưa chuộng.

Có một thực tế là các doanh nghiệp có kinh doanh mảng du lịch nội địa dễ dàng ứng phó với thách thức hơn so với các đơn vị, bộ phận chuyển đổi từ du lịch quốc tế inbound và outbound sang du lịch nội địa trên cả phương diện quản lý, điều hành, nguồn nhân lực và hiệu quả kinh doanh. Phương châm “Linh hoạt, thích ứng và hiệu quả” đã và đang được áp dụng triệt để nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp, giữ nguồn nhân lực và tìm giải pháp.

Liên kết để phát triển, quảng bá điểm đến an toàn

Ông Nguyễn Công Hoan Tổng giám đốc Flamingo Redtours đưa ra nguyên lý cơ bản để phát triển du lịch trong thời gian tới là: Liên kết. Các địa phương không thể "đơn thương độc mã" phát triển, không đủ tiềm lực tạo ra hiệu ứng mạnh cho các chiến dịch quảng bá ở quy mô rộng, cũng như doanh nghiệp lữ hành không thể xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nếu thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan…

Du lịch gia đình, du lịch nhóm nhỏ trở thành xu hướng sau Covid-19

Du lịch gia đình, du lịch nhóm nhỏ trở thành xu hướng sau Covid-19

Lấy ví dụ từ các chương trình kích cầu đã thực hiện thời gian qua, ông Nguyễn Công Hoan khẳng định, các chương trình kích cầy du lịch nên kéo dài hơn có thể là 1 năm hoặc 2 năm với các giai đoạn: Mở đầu, kích thích khi thấp điểm, duy trì khi thị trường ổn định, làm mới và bổ sung ưu đãi khi bão hòa hay quay về giai đoạn thấp điểm nhằm duy trì tính ổn định cho thị trường và điểm đến. Không chỉ diễn ra tại một địa phương mà cần mở rộng quy mô gồm sự liên kết của nhiều tỉnh, thành phố, tất cả các vùng trên cả nước, tùy từng thời điểm, tùy từng dòng sản phẩm đều có thể kích cầu. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá

Ông Nguyễn Công Hoan khẳng định, cần xác định du lịch trong nước là chiếc "phao cứu sinh" của ngành du lịch nói chung và lữ hành nói riêng trong năm 2021. Khi “miếng bánh” chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng.

Trải nghiệm du thuyền trên Vịnh Lan Hạ đuợc nhiều du khách Việt lựa chọn trong thời gian qua

Trải nghiệm du thuyền trên Vịnh Lan Hạ đuợc nhiều du khách Việt lựa chọn trong thời gian qua

Bà Nguyễn Thị Lê Hương- Phó Tổng giám đốc Công ty Viettravel cũng cho rằng, 2 yếu tố chính tác động đến việc phục hồi du lịch là chính sách kích cầu và công tác truyền thông. Đối với chính sách kích cầu, cần đẩy mạnh hơn nữa liên kết liên minh giữa các doanh nghiệp du lịch để đưa ra được các gói kích cầu thực sự hấp dẫn. Hiện nay các chương trình kích cầu của các doanh nghiệp còn manh muốn và nhỏ lẻ, chưa thực sự tạo được hiệu ứng lan truyền, và chính sách giá chưa thực sự hấp dẫn. Điểm mấu chốt của kích cầu chính là giải quyết vấn đề về lượt khách, nên phải thực sự có một chương trình tạo được hiệu ứng lan tỏa cao.

Tiếp nữa là truyền thông an toàn. Đây là yếu tố hàng đầu trong việc thúc đẩy phục hồi du lịch hiện nay. Truyền thông cần truyền đi được thông điệp tích cực “du lịch an toàn, an toàn để đi du lịch”, với các yếu tố di chuyển an toàn, dịch vụ an toàn và điểm đến an toàn, với việc buộc tất cả các điểm đến, điểm cung cấp dịch vụ du lịch tuân thủ các quy tắc an toàn theo bộ quy chuẩn của Tổng cục Du lịch và Bộ Y tế ban hành. Các địa phương cũng cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành để có giá thành tốt nhất làm sản phẩm ví dụ như giảm phí các điểm tham quan từ 30% – 50%, trợ giá cho người du khách để ngành du lịch sớm phục hồi.