Thị trưởng New York - Công việc “khó nhằn” thứ hai ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thị trưởng New York được người Mỹ cho là một công việc “khó nhằn” đứng thứ hai ở đất nước này, chỉ sau ông chủ Nhà Trắng. Trong cuộc bầu cử bắt đầu vào tháng 6 tới, ứng viên Thị trưởng tiếp theo của New York phải đối mặt với những thách thức sâu sắc: một thành phố bị tàn phá bởi đại dịch, bất bình đẳng trong thu nhập và sóng ngầm về phân biệt chủng tộc.
Tháng 6-2021, thành phố New York tổ chức bầu cử sơ bộ để tìm ra Thị trưởng mới

Tháng 6-2021, thành phố New York tổ chức bầu cử sơ bộ để tìm ra Thị trưởng mới

Cụm từ “công việc khó nhằn thứ hai ở Mỹ” ra đời khi Thị trưởng New York Fiorello LaGuardia bắt đầu nhậm chức vào tháng 1-1934. Ông là Thị trưởng thứ 99 của New York và là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của thành phố. Dấu ấn của ông hiện diện khắp nơi, từ các con đường, công viên, trường học cho tới cả sân bay dù khi đó kinh tế của thành phố đang sụp đổ, tội phạm tràn lan, còn lòng dân thì đầy bất ổn. Tuy nhiên, vị Thị trưởng tiếp theo của New York sẽ phải đối mặt với các rắc rối ở quy mô lớn hơn.

Ngổn ngang thách thức

Covid-19 đang tàn phá nặng nề New York - một thành phố vốn đã bị bao vây bởi bất bình đẳng sâu sắc trong thu nhập cũng như sự phân biệt chủng tộc trong chính sách và quản trị. Vấn đề cấp bách nhất là phải đưa thành phố thoát khỏi đại dịch. Nhiều cư dân vẫn bị ám ảnh bởi những cảnh tượng trong tháng 4-2020, khi tiếng còi xe cứu thương gần như liên tục phát ra bởi mỗi ngày có thêm hàng trăm người nhiễm virus mới. Tổng cộng, hơn 32.000 người đã tử vong và ở thành phố đông dân nhất nước Mỹ, nhu cầu triển khai tiêm chủng cũng như phục hồi kinh tế, tinh thần là cần thiết.

Với cử tri New York, 1 năm mất mát vừa qua, nhiều trẻ em đã không được đến trường, ảnh hưởng đến 1.700 trường học và hơn 1,1 triệu học sinh, sinh viên. Trong khi nhiều người dân New York, đặc biệt với tầng lớp lao động, trung lưu, người nghèo… phải đối mặt trong việc cân bằng giữa công việc và chăm sóc trẻ em. Vì thế, mọi người sẽ quan tâm đến ứng viên nào đề ra biện pháp an toàn và hiệu quả khi trẻ em đi học trở lại. “Trong các cộng đồng trên toàn thành phố, đại dịch Covid-19 đã gây nên tình trạng mất việc làm nghiêm trọng. Đối với những người lao động hàng ngày, tác động còn tồi tệ hơn so với những người lao động chuyên nghiệp. Vì vậy, còn rất nhiều việc phải làm để hàn gắn và hồi sinh những cộng đồng đó” - Giáo sư John Mollenkopf tại Đại học New York cho biết.

Trong thử thách có… cơ hội

Thấp thoáng sau bất kỳ sự phục hồi kinh tế nào cũng là sự bất bình đẳng chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát mà nhiều người New York hoặc da màu đã phải đối mặt. Vào mùa hè năm 2020, các cuộc biểu tình nổ ra, tập trung vào các vấn đề chủng tộc. Cảnh sát New York cũng là lực lượng đông nhất cả nước với 36.000 sĩ quan và 19.000 nhân viên dân sự. Khi nguồn thu công-tư đều giảm, người ta lo ngại rằng tình hình có thể nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tài chính mà thành phố phải đối mặt vào năm 1975.

Khi đó New York gần như phá sản, giới lãnh đạo đã cố gắng khắc phục bằng cách đưa ra các biện pháp cắt giảm ngân sách. Giáo sư Kimberly K Phillips-Fein tại Đại học New York và là tác giả của cuốn sách “Thành phố đáng sợ: Cuộc khủng hoảng tài khóa của New York và sự trỗi dậy của chính sách thắt lưng buộc bụng” cho biết, tình hình hiện tại không sánh được với sự hỗn loạn tài khóa của những năm 1970, nhưng hãy cẩn trọng trước những nguy cơ của việc cắt giảm dịch vụ trên diện rộng do tình trạng thiếu hụt tài chính.

Bất chấp những thách thức, hàng chục ứng cử viên Thị trưởng đang tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 6. “Chúng tôi cần một Thị trưởng hiểu rõ cuộc khủng hoảng Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu cơ bản của thành phố. Nhưng New York sẽ trở lại nhanh và tốt hơn những gì mà người hoài nghi hay nghĩ, dựa trên những tiền đề tốt về kinh tế, xã hội và chính trị. Đó sẽ là một thử thách, nhưng cũng là một cơ hội tuyệt vời cho thị trưởng tiếp theo” - Giáo sư John Mollenkopf nhận định.