Thị trường chứng khoán lại chết vì tin đồn

ANTĐ - Như một phép thần thông, trong lúc tình hình kinh tế chưa được cải thiện, các doanh nghiệp đang vật lộn trong vũng lầy thua lỗ thì thị trường chứng khoán tăng trưởng một cách không lý giải được.

Chỉ từ cuối tháng 5-2013 đến giữa tháng 6-2013 các chỉ số VN-Index và HNX-Index tăng kỷ lục kể từ tháng 2-2010 với những số tiền khổng lồ rót vào thị trường chứng khoán. Chỉ trong ngày 31-5-2013 thanh khoản thị trường vọt lên 3100 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư lên báo khoe về lợi nhuận lên đến 50% trong vòng 1 tuần. Nhiều cơ quan báo chí dự đoán thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng nóng nhất thế giới và là cơ hội kiếm tiền cho các nhà đầu tư và qua đó tăng vốn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Và không chỉ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đến các bà nội trợ dành dụm được ít tiền, thấy lãi suất tiền gửi hạ thấp liền rút tiền gửi ngân hàng ra mon men tới sàn chứng khoán. Và kịch bản cũ, kịch bản đương nhiên sẽ phải diễn lại được thực hành. Chỉ trong vòng 1 tuần chỉ số VN- Index sụt giảm từ 530 điểm xuống dưới 500 điểm và các chuyên gia chứng khoán đang bàn đến ngưỡng kháng cự 470 điểm (?!). Chỉ số HNX Index cũng giảm không kém. Quan trọng hơn mặc dù giá cổ phiếu hạ thấp nhưng thanh khoản thị trường rất kém, còn kém hơn những ngày đầu tháng 5-2013 khi cơn sốt chứng khoán chưa nổ ra. Rất nhiều nhà đầu tư theo kiểu bầy đàn dốc vốn, thậm chí cầm cố cổ phiếu vay thêm để đầu tư đang ôm mặt khóc, bán đổ bán tháo để cắt lỗ mà không xong. 

Những thủ đoạn thị trường

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại sụt giảm, chỉ còn 5% năm với những thời hạn ngắn trong khi dự báo lạm phát cả năm sẽ lên trên 7%, vàng đang lệch với thị trường thế giới trên 10%, thị trường bất động sản đóng băng và quan trọng là không có thanh khoản, những người có vốn đầu tư, những người có khoản tiền nhàn rỗi đang bức bối không biết cách nào bảo toàn được giá trị vốn và kiếm chút lãi, thì cái bẫy chứng khoán được giăng ra. Đầu tiên là các tin đồn. Hàng loạt các dự báo về đợt đầu tư lớn vào thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài nhân dịp cơ cấu lại danh mục đầu tư của các quỹ ETF được tung ra.

Cùng với nó là các dự đoán về dòng tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán. Các thủ đoạn làm giá được đưa ra khéo léo. Trong nhiều ngày, giá đóng cửa thị trường bao giờ cũng rất cao, tạo ra một tâm lý thị trường nóng. Nhiều nhà đầu tư công khai lợi nhuận thu được nhờ thị trường chứng khoán tăng trưởng. Cơn sốt lợi nhuận lôi kéo những khoản tiền đang lưỡng lự giữa các kênh đầu tư vào chứng khoán. Và trong nhiều ngày, thanh khoản thị trường lên trên 2000 tỷ. Trong lúc đó các nhà đầu tư nước ngoài âm thầm bán cổ phiếu rút tiền ra khỏi thị trường.

Theo thống kê của các công ty chứng khoán, chỉ trong một tháng qua các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu bán ròng trên thị trường và rút khỏi thị trường gần 1 tỷ USD thu lợi nhuận hàng chục triệu USD. Nhưng hình như chưa thu hết thắng lợi, nhiều “chuyên gia” còn thổi thêm: Các nhà đầu tư nước ngoài bị các nhà đầu tư trong nước đánh úp. Nhiều nhà đầu tư còn kêu gọi trên các diễn đàn: Không để các nhà đầu tư nước ngoài đã kiếm đuợc kha khá trong các đợt xả hàng giá cao vừa rồi, gây thiệt hại cho bà con ta. Vì vậy đề nghị bà con đang cầm những cổ phiếu mà các Quỹ công bố mua vào số luợng lớn (như PVX, ITA, VCG, PVS....) đoàn kết cùng nhau giữ chặt hàng để khối ngoại phải mua hàng giá cao, lấy bớt lại những gì họ đã lấy của khối nội. Và nghe theo những lời kêu gọi đó, nhiều nhà đầu tư đã không kịp cắt lỗ, ôm đống cổ phiếu xuống giá từng ngày. Và đến thời điểm cần thiết, các “đạo diễn” công bố: Thông tin về cơ cấu lại danh mục đầu tư của các quỹ ETF là sai. Thực chất họ đã cơ cấu danh mục đầu tư xong từ tháng 5-2013. Và nhiều  nhà  đầu tư chưng hửng nhìn tiền bạc của mình theo gió bay đi. Nói như một nhà đầu tư bình luận trên VnEconomy: Dòng tiền tiếp tục được khối ngoại rút ra khá mạnh, đây mới đáng là điều quan tâm. Nội lắm tiền đỡ nhưng không đủ lực đẩy, rồi cũng dày xéo nhau mà chạy thôi. Và cơn bán tháo sẽ kéo thêm nhiều nhà đầu tư nghe xui dại vào địa ngục.

Hãy cẩn trọng với thị trường

Không thể phủ nhận kinh doanh chứng khoán là một lĩnh vực kinh doanh thu hút được đông đảo nhà đầu tư với khả năng sinh lợi lớn. Tuy nhiên cũng phải nhận thấy đây là chiến trường mà phần thắng luôn thuộc về các “tay to”, những con cá lớn, những người làm chủ cuộc chơi, những người có khả năng tạo sóng và có khả năng “cắt cầu chì” để các con sóng lịm luôn để phần thiệt luôn thuộc về các tay chơi nghiệp dư hoặc các nhà đầu tư nhỏ. Sai lầm phổ biến nhất là lối tư duy không mang tính chất tài chính chuyên nghiệp. Nhiều nhà đầu tư nghĩ mua cổ phiếu giống như mua một món hàng vậy. Nhưng thực tế, việc tham gia thị trường chứng khoán là đầu tư tài chính và nó khác rất nhiều.

Có hai phương cách đầu tư: dài hạn và ngắn hạn. Đầu tư dài hạn nhà đầu tư cần quan tâm tới giá trị doanh nghiệp, quản trị, hoạt động của doanh nghiệp đó trong dài hạn. Giá cổ phiếu vào thời điểm mua chỉ có giá trị tham khảo, những khả năng phát triển và giá trị thị trường của doanh nghiệp mới là những yếu tố cần quan tậm. Điều này lý giải hiện tượng nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua thỏa thuận số lượng lớn cổ phiếu cả các ngân hàng với giá cổ phiếu cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua. Một số doanh nghiệp báo lỗ nặng năm 2012 vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đó là thái độ đầu tư nghiêm túc. Để đầu tư dài hạn rõ ràng cần tới các chuyên gia tư vấn đầu tư nghiêm túc, có hiểu biết và có thông tin chính xác đối với cổ phiếu và doanh nghiệp mình quan tâm.

Trong bối cảnh 5 tháng đầu năm 2013 theo thống kê của Tổng cục Thuế công bố ngày 18/6/2013 có tới 70% doanh nghiệp báo lỗ trong sản xuất kinh doanh với số lỗ ước tính lên đên 40.000 tỷ đồng thì đầu tư dài hạn không thể là khả năng của các nhà đầu tư nhỏ và thiếu chuyên môn về tài chính doanh nghiệp. Đối với đầu tư ngắn hạn, đúng hơn là đầu cơ, nhà đầu tư vẫn cần  nhiều kỹ năng, trong đó phải có chiến lược quản trị tài chính, các nguyên tắc cắt lỗ cơ bản, có chiến lược vào hàng, thoát hàng. Không nên tự vẽ ra các kịch bản theo hy vọng của mình rồi chạy theo nó. Và quan trọng nữa là không nghe tin đồn, kể cả lời đồn từ các chuyên gia mà chỉ tin những sự kiện đã xảy ra và được kiểm chứng. Một dự đoán về một đợt cơ cấu lại danh mục đầu tư của các quỹ nước ngoài không có căn cứ, đi cùng với tình trạng bán ròng của khối ngoại đến gần một tháng vậy mà nhiều người vẫn tin vẫn hy vọng và đổ những đồng tiền xương máu của mình vào thị trường để nhìn thấy nó bay đi. Kể cũng lạ.

Và trách nhiệm của các cơ quan chức năng

Thị trường chứng khoán từ lâu đã nổi tiếng với các thủ đoạn làm giá, thủ đoạn tạo tin đồn ảo cũng như nhiều vi phạm gây thiệt hại cho các nhà đầu tư nhỏ. Mặc dù có nhiều chế tài, tuy nhiên việc phạt với những số tiền nhỏ, việc không kịp thời công bố sự thật về các tin đồn vô căn cứ đã  tạo ra những cơn sóng ảo gây bức xúc. Việc các quỹ đầu tư nước ngoài đã cơ cấu xong danh mục đầu tư là việc không bí mật gì, vậy mà các cơ quan thống kê, các cơ quan chức năng không sớm thông báo để nhiều nhà đầu tư thiệt hại là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Dĩ nhiên không phải là trách nhiệm pháp lý mà là trách nhiệm đối với công việc của mình, trách nhiệm đối với thị trường. Mặt khác cũng sớm hoàn thiện các phương tiện kỹ thuật của thị trường chứng khoán để sớm loại trừ các thủ đoạn xấu nhằm khống chế thị trường. Ví dụ việc căn cứ vào khớp lệnh 12 phút cuối buổi chiều để xác định giá đóng cửa, làm căn cứ cho giá phiên sau đã tạo ra nhiều giao dịch đáng nghi vấn mỗi cuối phiên giao dịch để tạo ra giá ảo cho các phiên sau.

Thị trường như chợ, cần có đông người mua bán. Nếu cứ thiếu minh bạch, người đi chợ ít đi, sắp tới thị trường sẽ vắng hoe và một công cụ tài chính nữa sẽ bị vô hiệu.

Tin cùng chuyên mục