Thị trường chứng khoán gặp khó ở ngưỡng 1.400 điểm, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mốc 1.400 điểm là mong mỏi của rất nhiều nhà đầu tư, tuy nhiên liên tục trong những phiên gần đây, VN-Index đều thất bại trước ngưỡng này.

Thiếu sự đồng thuận của các cổ phiếu lớn

Trong phiên giao dịch 19/10, sau phiên sáng tương đối tích cực thì đến phiên chiều, tâm lý thị trường lại trở lại thận trọng. Hàng loạt cổ phiếu lớn như GAS, HPG, VIC, SAB, MSN, MWG, PNJ… hay các cổ phiếu ngân hàng MBB, STB, NVB, VIB, KLG, LPB, HDB, BVB… đều điều chỉnh.

Ngay cả nhóm cổ phiếu thép, dầu khí cũng chịu áp lực sau chuỗi phiên tăng khá tốt trước đó nhờ kỳ vọng hưởng lợi từ giá hàng hóa.

Dòng tiền hướng vào các nhóm cổ phiếu chứng khoán, bảo hiểm và phân bón… tuy nhiên không đủ sức kéo thị trường đi lên.

Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,2 điểm (0,01%) xuống 1.395,33 điểm; trong khi HNX-Index tăng 0,55% lên 387 điểm và UPCoM-Index tăng 0,1% lên 99,46 điểm. Thanh khoản 3 sàn đạt 24.000 tỷ đồng.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 450 tỷ đồng, lực bán tập trung vào các Bluechips như HPG, VHM, SSI…

Có thể thấy, trạng thái giằng co như vậy đã kéo dài suốt nhiều phiên giao dịch gần đây. Trong tuần trước, VN-Index liên tiếp thất bại trước mốc cản 1.400 điểm. Trong nhiều phiên đã có lúc thị trường vượt 1.400 điểm nhưng chốt phiên lại tỏ ra đuối sức trước áp lực chốt lời và áp lực giảm từ nhóm bluechips.

VN-Index liên tục thất bại trước ngưỡng 1.400 điểm

VN-Index liên tục thất bại trước ngưỡng 1.400 điểm

Quan sát diễn biến thị trường những phiên này có thể thấy, nếu không có sự “đồng thuận” của nhóm cổ phiếu lớn thì VN-Index sẽ khó bứt phá do các cổ phiếu này có khả năng ảnh hưởng quá mạnh, thậm chí có thể “điều hướng” chỉ số bất kỳ lúc nào.

Trong phiên ngày 19/10, có 13/30 mã trong rổ VN30 tăng giá, còn lại 17 mã giảm. VN-30-Index giảm 0,22% so với mức giảm 0,01% của VN-Index. Những cổ phiếu “siêu lớn” như VIC, VCB, VHM chưa nhìn thấy động lực tăng thật sự rõ ràng, trong khi mỗi nhịp tăng lại gặp áp lực xả hàng. Có thể nhiều nhà đầu tư đã dần mất kiên nhẫn với những cổ phiếu này khi các nhóm ngành dầu khí, thép, cảng biển hay nhóm penny đang tăng rất tốt.

Chờ đợi kết quả kinh doanh quý III

Dù thị trường không bứt phá nhưng một điểm tích cực là thanh khoản vẫn ở mức khá cao với tổng giá trị giao dịch có phiên đạt 26.500 tỷ đồng trên 3 sàn. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang khá tốt, các nhà đầu tư vẫn đang cuốn vào giao dịch.

Theo thống kê của chứng khoán BSC, hiện dòng tiền vẫn duy trì tại các cổ phiếu lớn ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng, hóa chất hỗ trợ VN-Index chỉ số áp sát ngưỡng tâm lý 1.400 điểm. Việc các chỉ số biến động giằng co trong biên độ hẹp cho thấy thị trường vẫn cần thời gian tích lũy trước khi có vận động xu hướng rõ ràng hơn.

Theo nhiều chuyên gia, hiện thị trường đang chờ đợi những thông tin rõ ràng hơn từ mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2021. Đây sẽ là yếu tố chính thúc đẩy hoặc kéo lùi thị trường chứng khoán khi những ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 4 được phản ánh rõ ràng trên báo cáo tài chính các doanh nghiệp.

Thống kê của Chứng khoán BSC cho thấy, tính đến 15/10, 26 công ty niêm yết trên 2 sàn (tỷ lệ 3,4%) công bố kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận sau thuế sụt 39,6% so với cùng kỳ. Các cổ phiếu đã công bố phần lớn là cổ phiếu vừa và nhỏ, do đó tác động đến thị trường chưa nhiều.

Hoạt động công bố kết quả kinh doanh sẽ tập trung trong 2 tuần tới. Bức tranh lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ có nhiều thay đổi, dó đó, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các cổ phiếu trên thị trường.

Còn theo Chứng khoán MBS, trong tuần giao dịch này, VN-Index sẽ tích lũy biên độ hẹp trong vùng dao động 1.380 - 1.420 điểm trong trạng thái chờ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.