Thị trường bắt đầu sôi động

ANTĐ - Đó là nhận định của Bộ Công Thương về tình hình thị trường, hàng hóa trong nỗ lực giải quyết bớt khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Mặc dù chuyển biến chậm nhưng đã có những tín hiệu tích cực từ sản xuất và tiêu dùng.

Các chương trình khuyến mãi đã kích thích tiêu dùng (Ảnh minh họa)

Kết quả khả quan

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, từ tháng 11 đến nay, thị trường hàng hoá sôi động hơn so với tháng trước. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 11 tăng nhẹ, ước đạt 201,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng 10 và tăng 11,0% so với tháng 11-2011. Tính chung 11 tháng năm 2012 ước đạt 2.118 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 11 tháng tăng 6,39%. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đây là kết quả đáng khích lệ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc một lượng hàng hóa tương ứng từ doanh nghiệp được luân chuyển ra thị trường và sản xuất hoạt động trở lại. Hiện tại, nhiều địa phương trong cả nước bắt đầu thực hiện kế hoạch ứng vốn hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Kèm theo đó là các chương trình khuyến mãi lớn được các doanh nghiệp và các siêu thị triển khai để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm Tết.

Theo các chuyên gia kinh tế, một số mặt hàng có diễn biến giá cả trái ngược với quy luật thường tăng cao vào dịp cuối năm. Hiện một số mặt hàng thiết yếu dao động giảm nhẹ so với tháng trước nhờ các yếu tố tác động như: giá hàng hoá thế giới đang có xu hướng giảm làm hạn chế đà tăng của các mặt hàng nhập khẩu; nguồn cung hàng hóa dồi dào, lượng tồn kho hàng hóa tăng... Giá gạo trên thị trường Hà Nội giảm khoảng 1.000 đồng/kg, thực phẩm tươi sống, rau xanh giữ ổn định do nguồn cung dồi dào trở lại. 

Bộ Công Thương cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ này đã tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, tổ chức tốt thị trường trong nước, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương  theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu; tổng hợp báo cáo về kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết của các địa phương; tổ chức hội nghị tổng kết mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp... nhằm tạo môi trường thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, môi trường kinh doanh lành mạnh. 

Nhiều biện pháp khuyến khích xuất khẩu

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, các vụ chức năng của Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bộ này đã phê duyệt 114 đề án với tổng kinh phí 93,08 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 11 đã có trên 3.500 doanh nghiệp với giá trị hợp đồng đã ký kết và doanh số bán hàng gần 1 tỷ USD và 1.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách thương mại đẩy mạnh xuất khẩu cũng được tạo lập. Ví dụ như ký kết Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia; tập trung chuẩn bị và đàm phán FTA Việt Nam - Hàn Quốc; rà soát ký bổ sung bản thỏa thuận ưu đãi thuế quan với Lào; rà soát bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại với Campuchia; phối hợp với các cơ quan liên quan, Thương vụ Việt Nam tại Italia thiết lập các kênh phân phối mới để mở rộng thị trường tại Italia; tổ chức triển khai thực hiện các đề án khôi phục thị trường Đông Âu, khôi phục thị trường SNG (11 thành viên cũ của Liên Xô trước đây); tổ chức xây dựng Đề án phát triển thị trường châu Âu thời kỳ 2012 - 2020, định hướng đến năm 2013; Đề án xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng sản xuất và phân phối ở ngoài nước... Tính đến hết tháng 11, một số ngành xuất khẩu tiếp tục khả quan so với kế hoạch đề ra như: dệt may, da giày, nông sản... Một số ngành sản xuất dự báo vẫn đạt kế hoạch năm trong bối cảnh khó khăn.