Thị trấn và huyện cùng sai!

ANTĐ -Trường mẫu giáo Bình Minh, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, khởi công xây dựng đầu năm 2012. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm học 2013-2014, nhưng hiện phải dừng thi công do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Trường mẫu giáo Bình Minh thi công dang dở và chậm tiến độ

Điều tra theo đơn thư của bạn đọc, chúng tôi nhận thấy, nguyên nhân chính dẫn đến “ách tắc” trong giải phóng mặt bằng thi công Trường mẫu giáo Bình Minh là do việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ dân ở Tổ dân phố 1, thị trấn Ea Knốp, đã không tuân thủ Luật Đất đai năm 2003.

Cụ thể, để có mặt bằng thi công Trường mẫu giáo Bình Minh, thị trấn Ea Knốp phải tiến hành giải tỏa một phần diện tích đất đang sử dụng của 49 hộ dân thuộc Tổ dân phố 1. Nguồn gốc đất của các hộ dân này được Xí nghiệp Liên hợp nông-công-lâm nghiệp 333 (trước đó là Sư đoàn 333, trực thuộc Quân khu 5; sau này chuyển thành Công ty Mía đường 333, thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam) cấp cho cán bộ, công nhân viên đơn vị làm nhà ở từ năm 1992; ngày 25-6-1992 được UBND huyện Ea Kar quy hoạch thành khu dân cư. Năm 2004, thực hiện việc chuyển giao đất về cho địa phương quản lý, ngày 21-10-2004, UBND tỉnh Đắc Lắc ban hành Quyết định số 1889/QĐ-UB về việc thu hồi quyền sử dụng 72.796m2 đất của Công ty Mía đường 333. Tại mục 1, khoản 2 của Quyết định số 1889/QĐ-UB, nêu rõ “Diện tích 12.455 m2 đất khu dân cư đối diện Trường THPT Trần Quốc Toản (hiện nay là 49 hộ dân Tổ dân phố 1), thuộc thửa số 505a, 505b, tờ bản đồ số 5”.

Ông Nguyễn Xuân Phương, trên diện tích đất bị thu hồi

Sau khi chuyển giao đất về cho địa phương quản lý, từ năm 2009 đến 2010, UBND huyện Ea Kar tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 49 hộ dân thuộc Tổ dân phố 1, thị trấn Ea Knốp. Tuy nhiên, với lý do “Cấp đất theo quy hoạch đô thị mới”, UBND huyện Ea Kar đã không cấp toàn bộ diện tích đất các hộ dân đang quản lý sử dụng, mà chỉ cấp 1 phần và cũng không đồng đều, một số hộ được cấp 140m2, 150m2, 160m2; nhưng cũng có hộ được cấp tới hơn 300m2. Ngoài ra, cùng một nguồn gốc đất (đất ở), nhưng lại có hộ chưa được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 22-10-2013 làm việc với chúng tôi, ông Trần Chí Thông, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ea Knốp cho biết: “Đất khu vực giải tỏa xây dựng trường mẫu giáo, các hộ dân sử dụng từ năm 1992. Tuy nhiên, do diện tích đất trên không thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên được xác định là đất lấn chiếm”. Trước đó, vào ngày 10-10-2013, UBND huyện Ea Kar có Thông báo số 140/TB-UBND, về việc giải quyết đất lấn chiếm tại Tổ dân phố 1, thị trấn Ea Knốp. Thông báo này khẳng định: “Ngoài số diện tích đất đã cấp theo đúng quy định của pháp luật, số diện tích đất còn lại của các hộ dân cư trú tại Tổ dân phố 1, thị trấn Ea Knốp là đất lấn chiếm… Các hộ phải tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, hoa màu và vật kiến trúc trên đất lấn chiếm, trả lại mặt bằng để xây dựng trường học đúng tiến độ”.

Tuy nhiên, điều tra trên thực tế, chúng tôi nhận thấy việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND huyện Ea Kar cũng như công tác giải phóng mặt bằng xây dựng Trường mẫu giáo Bình Minh của thị trấn Ea Knốp đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật về đất đai, dẫn tới một số hộ dân không đồng thuận.

Ông Tạ Văn Thùy, bên phần đất bị thu hồi (mặc dù không nằm trong khuôn viên xây dựng trường)

Thứ nhất, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ dân Tổ dân phố 1, mà đất có nguồn gốc do Xí nghiệp Liên hợp nông-công-lâm nghiệp 333 cấp cho làm nhà ở từ năm 1992 của UBND huyện Ea Kar đã không thực hiện theo quy định tại các Điều 50, Điều 84 và Điều 87 của Luật đất đai năm 2003. Cụ thể, trường hợp của gia đình CCB Nguyễn Mạnh Quế, ngày 12-2-1992 được Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp nông-công-lâm nghiệp 333 cấp cho 500m2 đất để làm nhà ở. Đến ngày 27-10-1994, UBND huyện Ea Kar ban hành Quyết định số 401/QĐ-UB, về việc cấp 500m2 đất làm nhà ở cho hộ ông Quế. Thế nhưng, ngày 5-1-2012, UBND huyện Ea Kar cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Quế chỉ công nhận 355m2 đất ở; phần còn lại 145m2 đất liền thửa bị “bỏ ngoài sổ đỏ”.

Tương tự các hộ CCB Nguyễn Xuân Phương, thực tế đang sử dụng 246m2, nhưng ngày 31-7-2009, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 150m2 đất ở, còn lại 96m2 bị xác định là lấn chiếm; hộ Tạ Văn Thùy, ngày 13-3-2010 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 160m2 đất ở, còn lại 106m2 xác định là đất lấn chiếm; hộ Phan Xuân Đức, thực tế sử dụng 227,5m2, nhưng ngày 1-4-2010, chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 140m2 đất ở, phần còn lại 87,5m2 cũng bị quy là đất lấn chiếm. Như vậy, với nguồn gốc đất như trên, theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, thì các hộ Nguyễn Mạnh Quế, Nguyễn Xuân Phương, Phan Xuân Đức, Tạ Văn Thùy cũng như số hộ được Xí nghiệp Liên hợp nông-công-lâm nghiệp 333 cấp đất làm nhà ở từ năm 1992, thì có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với toàn bộ diện tích đất đã được cấp mà không phải nộp tiền sử dụng đất. Việc UBND huyện Ea Kar, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ dân không đủ diện tích so với diện tích được cấp trước đó đã gây thiệt hại về quyền lợi chính đáng của công dân.

Thứ hai, xung quanh việc giải phóng mặt bằng xây dựng Trường mẫu giáo Bình Minh của UBND thị trấn Ea Knốp. Như đã phân tích ở trên, do đất của các hộ dân sử dụng ổn định và hợp pháp từ năm 1992 đến nay, nên khi thu hồi giải phóng mặt bằng phải tuân thủ theo các quy định tại Điều 39, Điều 42 và Điều 44 của Luật Đất đai năm 2003. Trong trường hợp này, để có mặt bằng xây dựng Trường mẫu giáo Bình Minh, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án tổng thể về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng do UBND huyện Ea Kar thực hiện. Và các hộ dân được đền bù về đất, cây cối, hoa màu, công trình xây dựng và vật kiến trúc trên đất.

Không chỉ bất cập trong khâu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất không đúng quy định của pháp luật về đất đai, mà trong quá trình tiến hành thu hồi đất, UBND thị trấn Ea Knốp còn ban hành văn bản trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp công dân. Cụ thể, do các hộ Tạ Văn Thùy, Phan Xuân Đức và Nguyễn Xuân Phương không tự tháo gỡ các công trình trên đất, không bàn giao mặt bằng, nên ngày 17-10-2012, UBND thị trấn Ea Knốp ban hành Thông báo số 56/TB-UBND, với nội dung: “Kể từ ngày 17-10-2012, UBND thị trấn sẽ tạm dừng tất cả mọi giao dịch và quyền lợi của công dân đối với nhà nước của 3 hộ trên”. Ngoài ra, điều tra trên thực tế, chúng tôi còn nhận thấy đất của một số hộ thuộc Tổ dân phố 1, trong đó có hộ Tạ Văn Thùy không nằm trong khuôn viên xây dựng trường Trường mẫu giáo Bình Minh, nhưng vẫn đưa vào giải tỏa, cũng là khuất tất cần làm sáng tỏ(?).

Việc đầu tư xây dựng trường học phục vụ phát triển sự nghiệp giáo dục là hết sức cần thiết và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Nhưng, công tác thu hồi đất giải phóng mặt bằng cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật; các bước tiến hành phải công khai, dân chủ, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, xã hội với quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Làm được như vậy, lòng dân mới thuận.