Thi tốt nghiệp THPT 2014: Một thí sinh thi vẫn phải có hơn 10 người phục vụ

ANTĐ - Điểm khác biệt với các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm  trước là việc thí sinh được tự chọn môn thi, dẫn tới tình huống có điểm thi chỉ có một thí sinh dự thi nhưng vẫn phải duy trì hoạt động của cả một Hội đồng coi thi.

Tỷ lệ chọn Lịch sử, Ngoại ngữ phản ánh nhiều bất cập

Bộ GD-ĐT vừa công bố đã hoàn tất công tác chuẩn bị chu đáo trong các khâu, đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 với tổng số học sinh đăng ký dự trên toàn quốc là  910.831. Trong đó hệ THPT có 823.796; hệ GDTX: 87.035. Bộ GD-ĐT cũng công khai số lượng và tỷ lệ các môn học sinh tự chọn với Vật lí: 437.656 (48,05%); Hóa học: 524.782 (57,62%); Sinh học: 279.785 (30,72%); Lịch sử: 104.959 (11,52%); Địa lí: 329.877 (36,22%); Ngoại ngữ: 144.368 (15,85%). Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ lựa chọn các môn phù hợp điều kiện dạy học các địa phương, vùng miền và với số liệu này cho thấy sự khác biệt giữa đô thị lớn, thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đồng thời, gắn liền với định hướng nghề nghiệp tương lai của học sinh mà trực tiếp là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Tại Hà Nội, toàn thành phố có 265 đơn vị giáo dục có học sinh dự thi tốt nghiệp THPT với tổng số thí sinh trên 76.000. Số lượng học sinh đăng ký các môn tự chọn cụ thể: Hóa học 43.000; Vật lý trên 39.000; Sinh học 17.000; Địa lý 25.000; Ngoại ngữ 21.000; môn Sử có tỷ lệ đăng ký thấp nhất với hơn 6.700 thí sinh.

Quy trình tổ chức thi TN THPT năm nay sẽ phức tạp hơn

Về tình trạng môn Lịch sử và Ngoại ngữ có tỷ lệ thí sinh lựa chọn thấp khiến Bộ GD-ĐT thừa nhận phần nào phản ánh sự bất cập trong điều kiện tổ chức dạy học và chất lượng thực tế các môn học này trong các trường THPT hiện nay. Bên cạnh đó, việc đổi mới đề thi các môn Ngoại ngữ (có thêm phần thi viết) nhằm đánh giá toàn diện hơn năng lực ngoại ngữ của học sinh cũng có tác động đến việc lựa chọn môn thi này. Phản ánh từ Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cho thấy tỉnh này có 5 trường không có thí sinh đăng ký dự thi môn ngoại ngữ và lịch sử. Trong đó, cá biệt có trường hoàn toàn không có thí sinh dự thi cả hai môn ngoại ngữ và lịch sử là Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, huyện Quảng Ninh.

Chỉ một thí sinh trong một hội đồng thi

Cũng chính vì được lựa chọn môn thi nên năm nay, thông tin từ một số địa phương cho thấy cá biệt có hội đồng thi môn Lịch sử và Ngoại ngữ chỉ có 1 thí sinh dự thi. Ngay tại Hà Nội, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trong số 149 hội dồng coi thi có một hội đồng chỉ có một thí sinh đăng ký dự thi. Được biết, đây là Hội đồng thi môn Lịch sử tại trường THPT Quang Trung, Đống Đa. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hiệp Thống khẳng định, Ban chỉ đạo thi Thành phố vẫn yêu cầu hội đồng thi này phải duy trì đủ số người theo đúng quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, để tổ chức cho thí sinh này, hội đồng thi phải đảm bảo hoạt động bình thường với các bộ phận phục vụ, công an, thanh tra, bảo vệ, giám thị, y tế...

Các tỉnh Quảng Bình, Hòa Bình cũng phản ánh về tình trạng này. Theo đó, điểm thi ở trường THCS và THPT Bắc Sơn, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình chỉ có một thí sinh dự thi môn ngoại ngữ nhưng tỉnh cũng phải thành lập riêng một hội đồng coi thi cho thí sinh này. Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh này có 8.860 thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ có 529 thí sinh thi ngoại ngữ. Kết quả là có hội đồng coi thi chỉ có vài thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có tới 3 hội đồng coi thi là THPT Mường Bi, huyện Tân Lạc, THPT Nguyễn Trãi, huyện Lương Sơn và THPT Thạch Yên, huyện Cao Phong chỉ có một thí sinh thi môn ngoại ngữ.

            Nói về khó khăn của kỳ thi năm nay, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ: “Với 8 môn, thi trong 5 buổi, có những buổi 2 môn, khái niệm buổi thi, môn thi khác nhau khiến cho quy trình tổ chức thi phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên, ngành giáo dục xác định phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi mặc dù thầy cô sẽ rất vất vả”.