Thi THPT quốc gia: Ngày 20-7 sẽ có kết quả

ANTĐ - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, chậm nhất là ngày 20-7, tất cả các cụm thi phải chấm thi xong để công bố kết quả cho thí sinh. Do thời gian chấm thi rút ngắn so với năm trước, nên ngay sau khi kỳ thi kết thúc, hôm qua, 5-7, các cụm thi đã bắt đầu chấm thi. 

Hơn 860.000 thí sinh sẽ được thông báo kết quả thi quốc gia từ ngày 20-7

Đảm bảo quyền lợi thí sinh

Đề thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là có nhiều câu hỏi mở, yêu cầu thí sinh vận dụng thực tế sáng tạo. Điều khiến thí sinh và phụ huynh quan tâm là với các câu trả lời mở, nằm ngoài đáp án thì được chấm theo hình thức nào, có được cộng điểm hay không?

Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, một trong những cách thức để đánh giá năng lực học sinh là đưa ra câu hỏi vận dụng, không yêu cầu phải nhớ sự kiện. Câu hỏi dạng này yêu cầu thí sinh phải sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học, dùng cả kỹ năng, thậm chí cả tình cảm của mình để trả lời.

Ông Mai Văn Trinh khẳng định: “Đề mở chắc chắn đáp án sẽ mở. Khi xây dựng đáp án mở, bộ không yêu cầu giám khảo phải đếm ý cho điểm mà hướng dẫn chấm, đáp án gợi ý những nội dung mang tính chất chìa khóa, đáp ứng mục tiêu câu hỏi. Bộ đã có tập huấn, chuẩn bị rất kỹ cho lực lượng giáo viên chấm thi. Tôi tin rằng, việc chấm thi nói chung, chấm câu hỏi mở nói riêng sẽ thuận lợi, đảm bảo quyền lợi thí sinh”.

Riêng về việc có cộng điểm cho những câu trả lời xuất sắc, sáng tạo hay không, ông Mai Văn Trinh cho biết, trong quy chế thi không có quy định nào về việc cộng điểm thưởng như vậy. 

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng chấm thi đồng đều ở tất cả các cụm thi, các giám khảo đều phải tuân thủ yêu cầu chấm thi theo 2 vòng độc lập dưới sự giám sát chặt chẽ. Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi kết thúc kỳ thi, công tác thanh tra vẫn sẽ được thực hiện trong quá trình chấm thi. Việc chấm thi phải được bảo mật, đúng quy trình... “Hoạt động thanh tra sẽ góp phần giúp các lực lượng chấm thi nghiêm túc, giúp kỳ thi được đảm bảo công bằng, chất lượng” – ông Nguyễn Huy Bằng cho biết.

Phòng chống nghẽn mạng khi xem điểm

Với thời hạn kết thúc chấm thi trước 20-7, các cụm thi đã có kế hoạch chấm thi đảm bảo đúng tiến độ. ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, toàn bộ bài thi trắc nghiệm của thí sinh thuộc cụm trường này chủ trì sẽ do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT phụ trách.

Trường này chỉ cử 50 giảng viên chấm các bài thi môn Toán. Các môn còn lại sẽ do giáo viên THPT của Hà Nội chấm. ĐH Sư phạm Hà Nội là một trong những đơn vị chủ lực trong công tác chấm thi của nhiều cụm thi. Trường này đảm nhiệm cả chấm tự luận và trắc nghiệm. Trường chấm đồng thời bài thi của thí sinh dự thi của cụm thi trường chủ trì với bài thi từ các cụm thi khác chuyển về.

Ông Mai Văn Trinh cho biết, sau khi các cụm thi chấm bài xong sẽ phải cập nhật vào hệ thống quản lý thi THPT quốc gia để Bộ GD-ĐT kiểm tra. Sau đó, bộ sẽ chuyển về các Sở GD-ĐT ở các địa phương để các trường ĐH, CĐ công bố cho thí sinh. Một điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là thay đổi quy định điểm các môn thi. Theo đó, bài thi được chấm theo thang điểm 10, làm tròn đến 2 chữ số thập phân; không quy tròn điểm đến 0,25.

Theo ông Trinh, trước khi công bố kết quả thi, các hội đồng chấm thi so sánh giữa kết quả thi lưu tại Hội đồng với kết quả thi được cập nhật vào Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia.

“Hiện nay, phần mềm xét tuyển đã xây dựng xong, đã chạy thử nghiệm và có thể vận hành. Trong thời gian xét tuyển, các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên cần huy động toàn bộ máy tính để hỗ trợ tối đa thí sinh trong việc xét tuyển. Chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà mạng để tránh nghẽn mạng như năm ngoái” - ông Mai Văn Trinh nói.

Trong kỳ thi này năm trước, hàng triệu lượt người tra cứu điểm một lúc đã khiến hệ thống tra cứu bị nghẽn mạng. Do đó, năm nay, để đề phòng trường hợp này, Bộ GD-ĐT đã đổi mới bằng cách cung cấp thông tin cho 120 cụm thi cả nước, tránh tập trung lượng truy cập lớn vào một vài máy chủ.