Thí sinh Hà Nội được hỗ trợ tối đa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2021 sẽ diễn ra vào ngày 7 và 8-7. Với số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước, Hà Nội khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa để các em có thể đạt kết quả tốt nhất…
Năm 2021, Hà Nội tăng hơn 20.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT

Năm 2021, Hà Nội tăng hơn 20.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT

Tăng gần 20.000 học sinh dự thi

Năm 2021, toàn Hà Nội có khoảng 103.000 học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng gần 20.000 học sinh so với năm 2020. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội sẽ tổ chức một Hội đồng thi dành cho tất cả đối tượng thí sinh đăng ký dự thi trên địa bàn thành phố gồm: người đã học xong chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức kỳ thi; người đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở các năm trước; người đã tốt nghiệp THPT, người đã tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở để xét tuyển vào đại học, cao đẳng sư phạm và các mục đích khác.

“Từ nay cho đến ngày thi, các trường phải thông báo kịp thời, đầy đủ mọi thông tin cho học sinh lớp 12 của đơn vị mình và thí sinh tự do, tạo thuận lợi nhất để mọi người học có nguyện vọng, đủ điều kiện đều được dự thi, hỗ trợ tối đa cho các em trong quá trình đăng ký dự thi” - ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết.

Theo phân tích của Bộ GD-ĐT về một số trường hợp, tình huống vi phạm quy chế thi dẫn tới bị đình chỉ thi của một số thí sinh, năm 2019 là 79 em, năm 2020 là 38 em. Trong cuộc họp về chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý, kể cả những trường hợp nghi ngờ, biểu hiện không bình thường trong phòng thi thì cũng phải có phương án dự phòng, xử lý sao cho các thí sinh được tạo điều kiện tối đa để thi. Cần có các bước xác minh, tuyệt đối không để trường hợp nào bị oan, mất quyền lợi không được thi. Với chỉ đạo này của Phó Thủ tướng, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ giảm tối đa số thí sinh vi phạm quy chế thi bằng cách trang bị kỹ kiến thức, kỹ năng cho giám thị làm công tác thi.

Được biết, Hà Nội năm 2021 có số lượng thí sinh bị xử lý vi phạm quy chế thi gần như cao nhất cả nước. Điều này đã được đặc biệt rút kinh nghiệm và tìm ra phương pháp khắc phục. Theo đó, Hà Nội sẽ lên danh sách các đầu việc cần làm ở từng khâu, từng bước để cán bộ, giám thị tự đánh dấu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hạn chế cao nhất những lỗi vi phạm quy chế thi không cố ý.

Những điểm cần lưu ý để tránh sai sót

Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng dạy và học, chuẩn bị cho học sinh lớp 12 làm quen các bước của kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới thì một trong những khâu quan trọng là hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi với nhiều thông số quan trọng, dễ nhầm lẫn. Để chuẩn bị cho việc đăng ký dự thi, từ ngày 27-4-2021, các nhà trường cũng đang tích cực hỗ trợ học sinh tập dượt đăng ký nguyện vọng tại địa chỉ: http://thisinh.thithptquocgia. edu.vn. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tập huấn cho 100% cán bộ thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi để bảo đảm mọi học sinh đều được hướng dẫn đúng, được hỗ trợ tối đa về mọi mặt.

Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội) đặc biệt lưu ý học sinh về những điểm cần ghi chính xác trong phiếu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng sư phạm. Điểm lưu ý đầu tiên là thí sinh phải khai trong phiếu đăng ký dự thi số Căn cước công dân. Nếu bị mất thẻ, thí sinh vẫn phải khai số thẻ đã bị mất và xin bổ sung bản photocopy 2 mặt của Căn cước công dân sau khi được cấp mới.

Nếu chưa có Căn cước công dân hoặc đang trong thời gian chờ cấp, thí sinh bỏ trống thông tin này trong phiếu và báo với cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Thí sinh có 2 Căn cước công dân trở lên thì chỉ được sử dụng 1. Tiếp đến, mỗi thí sinh phải khai 2 phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT (có ảnh gắn kèm) với nội dung như nhau; khi nộp thì nộp phiếu số 1, giữ lại phiếu số 2. Mỗi phiếu có 4 mục quan trọng, gồm: Thông tin cá nhân; thông tin đăng ký dự thi; thông tin để xét công nhận tốt nghiệp THPT và thông tin để xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng sư phạm.

“Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là một trong những phương thức để tuyển sinh. Nếu thí sinh có nguyện vọng sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng sư phạm cần điền đầy đủ, chính xác thông tin như đối tượng ưu tiên tuyển sinh, điểm khuyến khích được cộng thêm; ghi đúng mã trường/cơ sở/phân hiệu, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường đăng ký xét tuyển”- ông Phạm Quốc Toản lưu ý.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ 27-4, thí sinh cả nước bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm. Lịch đăng ký này kết thúc vào ngày 11-5, tuy nhiên thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm đến hết ngày 15-5 theo hình thức trực tuyến.

Rút kinh nghiệm từ những kỳ thi năm trước

Các bài học trong việc tổ chức kỳ thi những năm trước đều đã được xem xét, rút kinh nghiệm đưa vào trong quy chế, hướng dẫn tổ chức kỳ thi năm nay, đặc biệt là phương án ứng phó trong tình huống có dịch bệnh như trong năm 2020. Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố đề tham khảo, được giáo viên, chuyên gia đánh giá là vừa đảm bảo tốt nghiệp, vừa đảm bảo độ phân hóa phù hợp, làm phong phú ngân hàng đề thi. Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT; hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; kế hoạch tổ chức kỳ thi; xây dựng ma trận đề thi, đề thi tham khảo và bổ sung hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2021.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ

Phổ biến quy chế rộng rãi tới học sinh để tránh vi phạm

Nhà trường bám sát vào chương trình kế hoạch năm học đã đặt ra từ đầu năm, tổ chức cho học sinh lớp 12 làm bài kiểm tra khảo sát; phân loại học sinh theo nhóm; phân công giáo viên có kinh nghiệm kèm cặp, bồi dưỡng học sinh có khó khăn trong học tập. Đến thời điểm này, học sinh lớp 12 của trường đã được điều chỉnh thời khóa biểu theo hướng ưu tiên tập trung vào 6 môn thi tốt nghiệp THPT, tăng số tiết với các môn học này, đồng thời đảm bảo hoàn thành chương trình phổ thông đúng quy định. Bên cạnh việc tạo điều kiện về mọi mặt để các em học tập tốt nhất, nhà trường đã thông tin bằng nhiều hình thức về những điểm mới của kỳ thi, nhất là các quy định liên quan đến chế tài xử lý vi phạm để học sinh hiểu rõ những điều được phép và không được phép làm, từ đó có ý thức tự giác tuân thủ quy chế.

Thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội)

(TTXVN)

(TTXVN)