Thi tốt nghiệp THPT 2014:

Thí sinh được tự do mở rộng tư duy

ANTĐ - Đề thi mở khiến các em học sinh thoải mái đưa quan điểm, hiểu biết, cảm xúc thực sự của mình vào bài thi.

Thí sinh trao đổi sau khi làm bài thi tại Hội đồng thi trường THPT
Chu Văn An (Hà Nội) sáng 2-6

Đề thi “mở” cảm xúc thật

10h sáng 2-6, hơn 700 thí sinh trường THPT Việt Đức kết thúc môn thi đầu tiên Ngữ văn trong nụ cười rạng rỡ. Phần đọc hiểu của môn này đã đề cập trực tiếp tới vấn đề thời sự trên Biển Đông. Nguyễn Hương Giang, thí sinh tại hội đồng thi này cho biết, đề thi năm nay rất hứng thú ở chỗ vừa đề cập đến vấn đề thời sự nóng bỏng vừa không máy móc bắt học sinh phải học thuộc nhiều. “Đề thi mở khiến chúng em thoải mái đưa quan điểm, hiểu biết, cảm xúc thực sự của mình”, Nguyễn Mai Lan, bạn của Hương Giang cho biết thêm. 

Nhận định về đề thi môn Ngữ văn năm nay, cô Nguyễn Kim Anh – giáo viên Văn trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa cho biết, đề Ngữ văn năm nay vừa sức, không quá khó với thí sinh. “Đây là năm đầu tiên đổi mới cách ra đề thi của Bộ GD-ĐT, tất cả giáo viên, học sinh đều xác định sẽ có khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với đề Ngữ văn này, hầu hết học sinh đều cảm thấy tự tin và hào hứng”, cô Nguyễn Kim Anh cho biết. Tuy nhiên, điều lo ngại là vì đề thi về vấn đề thời sự, học sinh dễ sa đà mất nhiều thời gian, trong khi chỉ được 3 điểm. Câu 2 (7 điểm), có đoạn trích trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ. Đây là dạng đề nghị luận xã hội nói về khát vọng sống. Dạng đề này phát triển tư duy cho học sinh. Nếu học sinh không đọc kỹ đề dễ lạc vào cách làm bài theo kiểu phân tích tác phẩm. Cô Nguyễn Kim Anh khẳng định, điểm mới của cách ra đề như trên, sẽ điều chỉnh cách học, tư duy của học sinh và cũng điều chỉnh cách dạy đối với giáo viên, hướng đến một nền giáo dục thực sự chất lượng. 

Thí sinh làm bài thi tại Hội đồng thi trường THPT Quang Trung chiều 2-6
Ảnh: Phú Khánh

Phương án chuẩn bị tốt

Lần đầu tiên học sinh được chọn môn thi, điểm mới này tạo thuận lợi cho thí sinh, nhưng lại là áp lực không nhỏ với các hội đồng thi. Bà Cao Thanh Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng thi THPT Phan Huy Chú cho biết, thí sinh được dự thi theo năng lực sở trường của mình, tuy nhiên, so với các năm trước giáo viên vất vả hơn. Có giám thị phải coi thi cả 2 ca trong buổi chiều nhưng với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho thí sinh, giáo viên sẵn sàng làm nhiệm vụ với ý thức, trách nhiệm cao nhất.

Bên cạnh đó, việc bố trí thí sinh ra, vào giữa 2 ca thi ra sao để tránh lộn xộn, không gây ảnh hưởng đến kỷ luật trường thi đã được các trường chuẩn bị tương đối kỹ. Tại hội đồng thi THPT Phan Đình Phùng, việc sắp xếp thí sinh của 2 ca thi trong chiều 2-6 khá trật tự với thuận lợi là trường có 2 cổng. Ông Kiều Trung Tiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường bố trí riêng một cổng để thí sinh ca 1 ra, một cổng dành cho thí sinh ca 2 vào.  Tại hội đồng thi THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, một trong những nơi có số thí sinh dự thi môn Lịch sử nhiều nhất của Hà Nội, không khí giữa 2 ca thi trật tự do thí sinh được hướng dẫn kỹ. Thí sinh ca 2 đến điểm thi không quá sớm, nên không ảnh hưởng đến trật tự trường thi.