Thí sinh "ảo" xuất phát từ chính các trường

ANTD.VN - Trong đợt I xét tuyển đại học, nhiều trường cho rằng không tuyển đủ chỉ tiêu vì tỷ lệ thí sinh “ảo” quá cao. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT phân tích, số “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu tuyển sinh mà các trường ĐH tự đặt ra.

- PV: Lần đầu tiên trong nhiều năm nay, các trường đại học tốp đầu cũng phải tuyển sinh bổ sung vì không biết thí sinh đi đâu. Bộ lý giải thế nào về vấn đề này, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT: Trong những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học tương đối ổn định trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngày càng tăng làm nguồn tuyển giảm đi.

Mặt khác, việc phân luồng sau THPT cũng đạt được những kết quả nhất định; những thông tin về thị trường lao động, về thất nghiệp và việc làm đã đầy đủ hơn, là những kênh tham khảo hữu ích cho người học, tác động đến quyết định nhập học đại học của một số thí sinh.

-  Việc xác định điểm sàn của Bộ có đảm bảo đủ nguồn tuyển cho các trường không? 

- Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã phân tích kỹ và quyết định ở mức 15 điểm để đảm bảo chất lượng đào tạo. Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển ĐH là 404.282, trong khi tổng chỉ tiêu ĐH là 317.639, hệ số dư là 1,27.

Năm nay, toàn bộ cơ sở dữ liệu điểm thi THPT quốc gia của 120 cụm thi  đều được công bố công khai nên tất cả các số liệu trên đều có thể kiểm tra được, không thể nghi ngờ về nguồn tuyển sinh.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không tuyển bổ sung để đảm bảo chất lượng đào tạo

- Nhiều trường cho rằng nguyên nhân không tuyển đủ là do thí sinh “ảo”. Vậy Bộ có cách nào tháo gỡ cho các trường?

- Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ khó khăn với các trường trong việc tính toán tỷ lệ thí sinh “ảo” để xác định điểm trúng tuyển và danh sách trúng tuyển. Đúng là rất khó để giải quyết đồng thời mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu (trong điều kiện thí sinh mới là người quyết định học trường nào) và không được tuyển vượt quy định để thực hiện đúng quy chế, đảm bảo chất lượng đào tạo. Việc khó nhưng không phải là không có trường nào làm được.

Trường ĐH Luật TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), ĐH Y tế Công cộng… đã nhận đủ thí sinh đăng ký nhập học. Tuy nhiên, chỉ tiêu do các trường tự xác định thực chất là năng lực đào tạo tối đa mà các trường được phép tuyển, để đảm bảo chất lượng ở mức chấp nhận được theo quy định. Thực tế chất lượng đào tạo của nhiều trường còn thấp so với yêu cầu của xã hội nên người học chưa mặn mà. 

- Vậy các trường nên cân nhắc giữa việc tuyển đủ chỉ tiêu và đảm bảo chất lượng đào tạo?

- Có tình trạng các trường xác định chỉ tiêu chưa dựa vào thực tế nhu cầu của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo… mà chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước nên so với thực tế, số “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu mà các trường đặt ra.

Trong bối cảnh đó, trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyên bố không xét tuyển bổ sung (mặc dù mới được gần đủ chỉ tiêu) để đảm bảo chất lượng đào tạo và không góp phần gây khó khăn cho các trường tuyển sau.

Tất nhiên, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để có những giải pháp phù hợp. Hiện nay, Bộ đã lấy ý kiến của các trường ĐH, các sở GD-ĐT về phương án tuyển sinh sắp tới và đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, tham mưu trong việc xây dựng phương án tuyển sinh tối ưu nhất để công bố vào đầu năm học tới.