Thi sĩ lãng tử xứ Đoài

ANTĐ - Đã gần 5 năm từ ngày Trần Hòa Bình ra đi, để lại những câu thơ hằn sâu vào trí nhớ những ai đã từng đọc một lần…

Từ cái bút danh...

Tôi biết Trần Hòa Bình từ một chuyện tình cờ. Cách đây đã hơn hai mươi năm. Hồi đó tạp chí của Hội Văn nghệ Hà Nội đăng truyện cực ngắn “Đi tua” của tôi, kèm theo minh họa. Truyện in gọn một trang tạp chí khổ nhỏ. Trang bên, in một bài thơ của Trần Hòa Bình. Lần đó, đọc thơ anh rồi cứ thấy tâm đắc mãi. Lần đầu tiên tôi gặp Trần Hòa Bình là đến toà soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam. Người tiếp bạn đọc, nhận bài, chính là Trần Hoà Bình. Truyện ngắn tôi gửi đăng hôm đó có dung lượng khá dài, Trần Hoà Bình nói: “Anh thông cảm, tôi là người biên tập, nói nôm na là  người “Gọt chân theo giày”. Sao không gửi một truyện như “Đi tua” cho tôi?”. Hiểu ý, tôi gửi một truyện ngắn đăng vừa một trang khổ nhỏ của tạp chí, kể cả minh hoạ. Lần gặp sau, Trần Hoà Bình bảo: “Tôi đã đọc truyện dài kỳ đăng trên Báo Nông nghiệp của anh. Truyện chương hồi “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” ấy mà. “Hóm” lắm! Bây giờ anh viết cho tôi giông giống như thế. Nhưng là chuyện gia đình. Có được không?”. Thấy “thuận tay”, tôi đồng ý ngay. Nhưng lúc ấy mới chỉ là đồng ý về ý tưởng. 

Khi đã hình thành cốt truyện, tôi bèn viết thử mấy chương hồi, tạm đặt là “Thôn quê liệt truyện”. Nhận bài, Trần Hoà Bình đọc ngay (hồi đó chưa có điều kiện gửi “meo” như bây giờ) và nhận xét ngay: “Cứ mỗi hồi một chuyện như thế này, dễ dùng. Cái kiểu vắt sang “Hồi sau sẽ rõ” cũng câu khách đấy. Nhưng đã là chuyện hài, thì bút danh cũng nên hài. Ở “Nhà quê ra tỉnh...”, anh dùng bút danh La Quán Gió, thì ở truyện này, cũng dùng bút danh tương tự. Tôi thử đề xuất nhé! Anh biết họa sĩ biếm “Choé” chứ gì? Tên thật của ông ta là Chí. Mà Chí thì phải... Choé thôi. Ấy là cánh văn nghệ Sài thành gợi ý thế. Tôi chỉ nhắc lại thôi mà”. Tôi rất tâm đắc với gợi ý của Trần Hoà Bình. Và cũng chợt nghĩ ra. Mình họ Đỗ, vậy thì lấy luôn bút danh là Đỗ Văn... Trượt. Cái bút danh của tôi ra đời như vậy đấy. Cho đến bây giờ, khi viết các tiểu phẩm hài, châm biếm, tôi vẫn ký tên Đỗ Văn Trượt.

... Đến bức thư pháp

Một lần tôi điện thoại cho Trần Hoà Bình thì được biết, anh đang “trốn” về quê để làm luận văn luận án chi đó. Vậy là một ông tiến sĩ sắp “ra lò”. Tôi nghĩ vậy. Lại bẵng đi một thời gian dài nữa, khi gọi điện, mới biết Trần Hòa Bình vẫn đang làm cho Tạp chí Gia đình Việt Nam, nhưng toà soạn đã chuyển về phía Mai Dịch - Cầu Giấy. Tôi mò đến... Lần này, Trần Hòa Bình có một phòng riêng đàng hoàng, trang trí khá ấn tượng. Rõ ra “con nhà vẽ”. Anh phụ trách một chuyên mục riêng của tạp chí, ký tên là “Tiến sĩ giấy”. Nghe nói vừa viết bài, vừa soạn thư, vừa minh hoạ. Trong số các tranh ảnh treo trong phòng, tôi đặc biệt chú ý tới một bức thư pháp. Chỉ biết võ vẽ vài chữ, nên không hiểu. Trần Hoà Bình gật gù: “Thấy hai câu của Lý Bạch: “Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt / Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân”. Để tôi dịch nghĩa cho: “Người xưa không nhìn thấy mặt trăng bây giờ / Nhưng mặt trăng bây giờ đã từng chiếu rọi người xưa”. Đó! Có thấy “kinh” không? Đúng là Lý Tiên sinh.  Tôi vội vàng chép lại. Về nhà cũng hí hoáy tự viết, kiếm khung treo lên. Và mỗi lần nhìn bức “thư pháp” tự biên, tôi lại nhớ đến Trần Hòa Bình.

Tài hoa - Lãng tử

Người yêu quý vẫn hay gọi Trần Hòa Bình, thi sĩ lãng tử của xứ Đoài. Cái xứ Đoài ấy đã sản sinh ra nhiều thi sĩ tài hoa như Quang Dũng, Nguyễn Lương Ngọc... Có một điều lạ,  các thi sĩ xứ Đoài hầu hết đều vừa thơ vừa họa. Thậm chí còn không phân biệt được món nào là “tay phải”, món nào là “tay trái”. Trần Hòa Bình cũng nằm trong số đó. Những bài thơ của Trần Hòa Bình vừa trí tuệ, vừa đa tình. Nhưng dù gì đi nữa thì trước hết là thơ. Thơ đích thực. Chẳng hạn như những câu thơ trong bài “Thêm một” của anh: “Thêm một chiếc lá rụng / Thế là thành mùa thu... Thêm một chút lầm lì / Thế nào em cũng khóc... Nhận thêm một thiếp cưới / Thấy mình lẻ loi hơn / Thêm một đêm trăng tròn / Lại thấy mình đang khuyết”.  Tuổi Bính Thân (1956). Tài hoa nhưng bạc mệnh. Chuyến công tác về vùng biển Hải Hậu - Nam Định, anh ra đi và mãi mãi không trở lại. Đó là vào rạng sáng 17-8-2008.  Anh để lại biết bao nhớ thương, tiếc nuối cho mọi người. Nhất là những người đã yêu thơ anh say đắm.