Thị dân dùng chữ

ANTD.VN - Có lẽ người biết đọc đầu tiên của nhân loại là người đã nghĩ ra chữ. Ở phương Tây, danh tính người đó hơi lờ mờ. Còn ở phương Đông, theo các học giả Dịch phái thời Chiến Quốc, người nghĩ ra chữ tượng hình tối cổ là Thương Hiệt. 

Nhân loại luôn giữ truyền thống trọng chữ và xây dựng hẳn một văn hóa đọc để thiêng liêng dùng chữ

Vào cái ngày Thương Hiệt vạch ra những ký tự đầu tiên, cả trời và đất đều chấn động. Kể từ lúc ấy trở đi, những cái khôn và ngoan của loài người không bị trôi theo “lời nói gió bay” nữa, mà được nghẹn ngào đọng lại vào đá vào đồng vào giấy trắng. 

Mặc dầu lời nói là bước tiến vĩ đại của văn minh loài người (Kinh Thánh viết, khởi thủy là Lời), nhưng vẫn có vài học giả tử tế nghi ngờ đạo đức xuất xứ của nó. Triết gia thị dân người Hà Lan là Spinoza (1632-1677) đã buồn rầu bảo: “Sở dĩ có lời nói là do nhu cầu muốn dối trá của con người”. Cuộc sống đô thị vốn hoạt khẩu, nên cái lưỡi vốn có địa vị tầm thường, đã siêu thăng trở thành phi thường.

Tố chất thiên bẩm này, giờ đây có thể dễ dàng thấy ở những “em xi” đang thao thao tung hoành trên showbiz Việt. Thế nhưng chữ đã xuất hiện, nó mang sứ mệnh cứu chuộc cho sự trong sạch của lời, nó khao khát muốn làm trung thực lại lời. Chữ đương nhiên trở thành tinh hoa của tiếng nói. Có lẽ vì thế mà nhân loại luôn giữ truyền thống trọng chữ và xây dựng hẳn một văn hóa đọc để thiêng liêng dùng chữ. 

Ở giữa linh địa hồ Gươm của Thủ đô Hà Nội ngàn đời văn hóa, một sừng sững Tháp Bút để nhung nhớ và tôn vinh chữ

Khi chữ được tôn trọng thì những người đọc nhiều chữ thường cũng được tôn trọng. Điều tưởng như là hiển nhiên này không phải lúc nào cũng đúng. Có những thời người ta chỉ thích “nghe” chữ hoặc “nhìn” chữ. Đã có lúc, người chỉ biết đọc chữ (kẻ sĩ) bị coi là vớ vẩn. Bạo chúa Tần Thủy Hoàng từng chôn không biết bao nhiêu học trò và đốt vô số sách. Vì vậy, khá đông người đích thực sáng tạo chữ ngại đi “làm” chữ.

Tất nhiên, chữ cũng chỉ là một phần trong nhiều phần nhân văn của mênh mông cuộc sống. Có điều khi thiếu chữ, cuộc sống trở nên gờn gợn phù phiếm, thậm chí có chút vô cảm bạc bẽo. Có phải vậy chăng mà bất cứ nền truyền thông lành mạnh nào cũng đều phải biết cách khai thác mọi tiềm năng nhân bản của chữ. 

So với “đọc” chữ, những thao tác như nghe nhìn đang thời thượng ở các đô thị lớn có vẻ tiện lợi hơn, nhưng chắc chắn nông nổi hơn. Khi đọc, thị dân thường được nghĩ, một quyền năng đặc biệt ưu tú chỉ có ở những sinh vật cao cấp. Khi được nghĩ, thị dân luôn có ý thức phản tỉnh để mình thanh tẩy thoát khỏi đám bụi dung tục đời thường. Hầu hết những nhân vật lỗi lạc trong lịch sử nhân loại đều là những độc giả vĩ đại.

Nói chung, đọc chữ dễ dàng làm đàn ông trở nên cao thượng can đảm, đàn bà trở nên ôn nhu thủy chung. Và hơn hết, họ sâu sắc biết yêu thương đất nước dân tộc, nơi có những người thân thiết như bố mẹ của họ, bằng hữu của họ, đặc biệt là người tình của họ. Vì vậy, biết đọc chữ là một hạnh phúc giản dị đáng quý, nó hao hao gần với khái niệm tu thân.

Ở các thành phố lớn của ta bây giờ, văn hóa đọc bị kêu ca là đang đi xuống. Chưa bao giờ truyền thông qua các phương tiện nghe nhìn, cụ thể là đủ loại mạng xã hội lại trở nên ngông cuồng hợm hĩnh một cách thời thượng đến thế. Ngay cả sinh viên, lớp tín đồ trung thành và cuồng nhiệt của văn hóa đọc cũng đang hấp tấp trượt dần từ địa vị một tử tế độc giả sang thành những hóng hớt thính giả. Chữ phai nhạt thì sự tinh tế và trong trắng cũng phai nhạt.

Đọc sách qua màn hình thì kể ra cũng tiện. Có điều, nó làm mất một thói quen thường có ở một thời chưa xa lắm. Đó là rất nhiều người đọc sách, bỗng đột ngột ghi cảm xúc của mình bên lề cuốn đang dang dở đọc. Hoặc là xuất thần đồng cảm với tác giả, hoặc là âm thầm gay gắt tranh luận ngược. Cũng có người cẩn thận thì dùng bút nhấn tô đậm một đoạn đáng chú ý, cũng có khi dùng bút mực gạch dưới chân dòng in.

Lãnh tụ kiệt xuất V.I.Lenin đã gom những ý kiến “lặt vặt” ghi bên lề khi ông đọc sách của triết gia Hegel thành tác phẩm “Bút ký triết học”, được các lý luận gia hậu bối trân trọng coi là kinh điển gối đầu giường. Nhưng bí ẩn và hấp dẫn nhất vẫn là những bâng quơ vô thức của những chữ viết tháu chạy ở quanh một vài trang sách.

Đang đọc một sách giáo khoa về toán, thì cha đẻ của lý thuyết số hiện đại là Pierre de Fermat (1601-1665) đã cẩu thả một cách vĩ đại khi ghi “bởi lề quá chật, tôi không chép ra đây cách giải bài toán này”. Sự đoảng ẩu vô tư của Fermat đã thử thách hàng nghìn bộ óc ưu tú trong suốt đằng đẵng vài ba thế kỷ. Nó trở thành định lý bất hủ mang tên ông. Những kiểu dùng chữ quý hiếm này, đã làm cho các trang sách thăng hoa thành lung linh khác thường.

Giờ đây, văn hóa nghe nhìn đang khai thác “chữ” một cách dung tục và tàn bạo. Vấn nạn này được nhiều diễn đàn thị dân đang bức xúc luận bàn. Nhưng dù nghe hoặc nhìn có lợi hại tới đâu cũng không thể khuất lấp được việc chân thành biết đọc sách, một cách duy nhất để chữ được dùng tử tế. 

Thật rưng rưng dễ hiểu khi mà cách đây gần hai trăm năm, những kẻ sĩ Việt mà đại diện là danh nhân Nguyễn Văn Siêu, đã cho dựng ở giữa linh địa hồ Gươm của Thủ đô Hà Nội ngàn đời văn hóa, một sừng sững Tháp Bút để nhung nhớ và tôn vinh chữ.

Tin đọc nhiều