Thêm niềm tin cho những “chiến sĩ” áo trắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) được kết nối 100% đến tuyến huyện sẽ góp phần cứu sống thêm nhiều bệnh nhân, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên khi năng lực của đội ngũ y tế tuyến cơ sở được nâng cao. Điều này tiếp thêm niềm tin cho đội ngũ y bác sĩ, nhất là ở tuyến dưới, chiến đấu với dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Nền tảng Telehealth kết nối các bệnh viện với những chuyên gia - bác sĩ hàng đầu của đất nước nhằm chữa trị cho những bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch

Nền tảng Telehealth kết nối các bệnh viện với những chuyên gia - bác sĩ hàng đầu của đất nước nhằm chữa trị cho những bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch

Thần tốc “phủ sóng” tới 100% huyện cả nước

Việc kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia đã chính thức diễn ra vào chiều 8-8 vừa qua với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Với việc kết nối này, 100% cơ sở y tế tuyến huyện trên khắp cả nước đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó. Đặc biệt, việc điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu của đất nước mà không nhất thiết phải chuyển lên tuyến trên.

Được đưa vào vận hành từ tháng 4-2020, Nền tảng Telehealth sau đó đã kết nối hơn 30 bệnh viện Trung ương với hơn 1.600 cơ sở y tế tuyến dưới. Đến nay, đã có 1.600 hồ sơ, 500 buổi hội chẩn và hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức và được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, tới gần đây, ngày 6-8, Nền tảng khám chữa bệnh từ xa này mới được kết nối tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, các ca bệnh khó, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại 20 tỉnh, thành phố với số ca bệnh nặng không ngừng gia tăng. Vì thế, việc Nền tảng Telehealth kết nối tới 100% tuyến huyện sẽ giúp cho việc chữa trị các ca bệnh nặng, trong đó có điều trị bệnh nhân Covid-19, sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu đất nước mà không cần chuyển lên tuyến trên.

Ngay tại lễ kết nối ngày 8-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chứng kiến các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện kết nối hệ thống Telehealth với Bệnh viện Cần Giờ (TP.HCM), Bệnh viện đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương) để hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc Covid-19 đang chuyển biến nặng. Theo các y, bác sĩ tại các điểm cầu, đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ. Cùng với đó, giúp các y, bác sĩ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân nặng...

Tận dụng giờ vàng cứu người

Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 còn 2 nhiệm vụ quan trọng khác là tiêm chủng online (qua Sổ Sức khỏe điện tử) và xét nghiệm. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chuẩn bị rất tích cực cho 2 nhiệm vụ này và đang triển khai khẩn trương toàn quốc. Tới đây, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc bắt buộc phải sử dụng Sổ Sức khỏe điện tử để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử. Sử dụng Sổ Sức khỏe điện tử, về sau này sẽ triển khai sang một bước nữa, là đăng ký khám bệnh, chữa bệnh online, trực tuyến.

Cùng với hệ thống Teleheath kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tới 100% huyện của cả nước, việc Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia đi vào hoạt động đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Trung tâm này đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch, bao gồm: Khai báo y tế, kiểm soát vào ra các địa điểm công cộng, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát cách ly, đo lường mức độ giãn cách xã hội và các nghiệp vụ khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh trong phòng chống dịch.

Việc Nền tảng Telehealth tới 100% tuyến huyện và Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cùng đi vào hoạt động đã giúp nâng cao đáng kể chất lượng khám chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và số ca bệnh nặng liên tục gia tăng gây quá tải, áp lực cho các tuyến y tế. Với khoảng 14.000 cơ sở y tế hiện có sẽ được triển khai hệ thống Telehealth để có thể khám bệnh từ xa cho bệnh nhân có những bệnh đơn giản, từ đó có thể giảm tải và tránh lây lan dịch bệnh. Chưa kể đến, những người dân đều sở hữu smartphone có camera nên có thể sử dụng để tư vấn, khám bệnh từ xa. Có thể nói đây là điều mà ngành y tế mơ ước và là sự thay đổi mang tính chất cách mạng trong hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc đưa Nền tảng Telehealth vào hoạt động hết sức có ý nghĩa với công tác điều trị, giúp tuyến dưới có thêm kiến thức, đội ngũ y bác sĩ cùng người bệnh tự tin hơn trong điều trị và quan trọng nhất là kịp thời tận dụng "giờ vàng" cứu chữa người bệnh, giảm tải cho tuyến trên, từ đó, giảm tối đa các ca tử vong. Về lâu dài, đây là hệ thống hạ tầng quan trọng phục vụ khám chữa bệnh từ xa, từ sớm, từ cơ sở với mọi loại bệnh tật khác, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân.

Thủ tướng kỳ vọng các bác sĩ tuyến dưới có thêm tự tin để làm chủ, tận dụng giờ vàng cứu người. Để hiệu quả cứu người bệnh càng cao, tỷ lệ tử vong thấp thì phải ngăn chặn bệnh nhân trở nặng. Trong khi đó, hệ thống này giúp thực hiện chiến lược đánh chặn từ xa không cho bệnh nhân trở nặng. Vì thế, đây sẽ là hệ thống hiệu quả cho điều trị bệnh nhân Covid-19. Với Hệ thống kết nối trực tuyến khám chữa bệnh từ xa, các bác sĩ thêm vững tâm, có niềm tin lớn và hy vọng sắp tới sẽ có nhiều trao đổi hơn nữa để có thể chữa trị thêm nhiều người bệnh.

Thủ tướng nêu rõ, dịch bệnh lây lan không phân biệt ranh giới, địa phương, quốc gia, dân tộc. Do đó, sử dụng chung nền tảng công nghệ thống nhất trên toàn quốc là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để chống dịch. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo các nền tảng công nghệ phục vụ thiết thực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cứu sống được nhiều người bệnh hơn nữa, giảm số ca tử vong, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.