Thêm nhiều ĐBQH muốn giữ nguyên tên nước

ANTĐ - Dù trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chỉ giữ lại một phương án tên nước là CHXHCN Việt Nam, song trong phiên thảo luận tổ hôm nay (27-5), nhiều ĐBQH vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến về vấn đề này.

ĐB Đỗ Bá Tỵ (đoàn Điện Biên) cho rằng, cần phải giữ nguyên tên nước như hiện nay, và điểm lại bối cảnh lịch sử: Tên nước CHXHCN Việt Nam ra đời khi chúng ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7-1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992.

Hơn nữa, ĐB Đỗ Bá Tỵ cho rằng việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời gây phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp. 

Ủng hộ phương án giữ tên nước CHXHCN Việt Nam, theo ĐB Đào Văn Bình (đoàn Hà Nội), điều này thể hiện định hướng của chúng ta theo hướng XHCN. Ông nói: “Nếu quay lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chúng ta sẽ bị hiểu lầm rằng, không kiên trì theo con đường XHCN. Rồi con dấu, quốc huy, đồng tiền cũng phải thay đổi gây tốn kém. Đặc biệt đổi tiền sẽ dễ gây nảy sinh nhiều vấn đề nhạy cảm”.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) cho biết, đa số người dân sống ở thành phố mang tên Bác đều có nguyện vọng giữ nguyên tên nước như hiện tại, vì dù cũng có ý kiến phân tích yếu tố XHCN chưa rõ nét, song chúng ta đang xây dựng đất nước dựa trên một đường lối nhất quán, kiên định. Sử dụng tên: Nước CHXHCN Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với thực tế.

Đề xuất giữ nguyên tên nước cũng là ý kiến đóng góp của một loạt các vị ĐBQH khác như ĐB Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái) Đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị)... Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được các ĐBQH tiếp tục thảo luận tại hội trường trong hai ngày 3 và 4-6 tới.