Thêm nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi xuất hiện trong mùa dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi khiến các bị hại không ngờ đến... Kể cả khi được yêu cầu gọi video call (ứng dụng gọi điện thoại hình ảnh) để nhìn mặt thì các đối tượng lừa đảo dùng những clip ghép mặt hay livestream (phát trực tiếp) cho mọi người tưởng thật và tin tưởng chuyển tiền.

1.001 chiêu lừa qua mạng

Đã qua rồi thời các đối tượng chiếm quyền sử dụng Facebook cá nhân để nhắn tin nạp thẻ điện thoại, hay vay tiền rồi chuyển qua các tài khoản cá nhân khác nhau.

Giờ đây, các đối tượng lừa đảo thậm chí còn lập hẳn tài khoản Zalo, tài khoản ngân hàng mạo danh để lừa đảo.

Mới đây, Công an phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vừa thông qua các nhóm Zalo cộng đồng đăng công khai thông tin cảnh báo lừa đảo qua mạng.

Theo thông tin cảnh báo, lợi dụng tình hình dịch bệnh khó khăn, cũng như thực hiện giãn cách xã hội, kẻ gian đã thực hiện nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi thông qua các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Các chiêu thức lừa đảo này không quá mới mẻ, nhưng đánh vào lòng tin, sự khó khăn do dịch bệnh và thường xuyên biến hóa, nên người dùng vẫn mắc bẫy của kẻ gian.

Một người sử dụng Zalo đăng thông tin cảnh báo có người mạo danh mình vay tiền với thủ đoạn tinh vi

Một người sử dụng Zalo đăng thông tin cảnh báo có người mạo danh mình vay tiền với thủ đoạn tinh vi

Thủ đoạn phổ biến nhất, kẻ gian lập tài khoản Zalo với tên và hình ảnh của người dùng (tạm gọi là A), đồng thời mở tài khoản trùng tên với A tại ngân hàng.

Sau đó, kẻ gian kết bạn và nhắn tin cho bạn bè/ người thân trong danh sách bạn bè của A, trình bày khó khăn, hỏi vay tiền sau đó cung cấp số tài khoản giả mạo trùng tên với A để nhận tiền.

Do tin tưởng vào thông tin, hình ảnh zalo và tài khoản giả mạo A, bạn bè/ người thân của A đã tin tưởng và chuyển khoản.

Khi bị phát hiện, kẻ gian lập tức chặn, xóa hoặc đổi tên tài khoản.

Điển hình như vụ ở Kinh Môn, Hải Dương xảy ra ngay trong những ngày đầu năm học mới, khi chị N.TQ, giáo viên lớp 1 một trường tiểu học trên địa bàn đã bị một kẻ lập Zalo mạo danh chị tham gia vào nhóm lớp do chị là giáo viên chủ nhiệm, kết bạn với từng người và đề nghị phụ huynh chuyển tiền. 6 phụ huynh đã mắc bẫy lừa đảo của kẻ gian với tổng số tiền gần 30 triệu đồng...

Hay như chị P.T, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội cho hay, chị đã phải cảnh báo bạn bè người thân người của mình cẩn thận khi có người dùng tài khoản Zalo mang tên cũng như ảnh đại diện y hệt bạn của mình và số tài khoản ngân hàng trùng tên để vay mượn tiền.

Nhờ cảnh báo kịp thời nên rất may không có ai chuyển khoản vào số tài khoản.

Không may mắn như chị P.T, do không biết nên chị N.M ở huyện Gia Lâm, Hà Nội không kịp cảnh báo và chỉ trong hai ngày, kẻ gian đã sử dụng Zalo có ảnh đại diện của chị đi vay mượn rất nhiều bạn bè.

Thậm chí có một người bạn của chị N.M còn chuyển khoản số tiền gần 12 triệu đồng. "Kẻ lừa đảo rất tinh vi khi vừa kết bạn với bạn bè mình đã gọi điện qua Zalo rồi cúp máy.

Sau đó nhắn tin cho bạn mình với lý do sóng yếu không gọi được và tiến hành vay tiền" - chị M cho hay.

Lợi dụng việc khi kết bạn trên Zalo không thấy được số điện thoại của nhau, kẻ gian đã xuyên "kẽ hở" để lừa đảo

Lợi dụng việc khi kết bạn trên Zalo không thấy được số điện thoại của nhau, kẻ gian đã xuyên "kẽ hở" để lừa đảo

Chủ động phòng ngừa

Sở dĩ kẻ xấu dễ dàng lừa đảo như vậy vì khi kết bạn trên Zalo, người dùng sẽ không thấy được số điện thoại của nhau.

Chính vì thế đây có thể là "kẽ hở" để kẻ xấu lợi dụng tiến hành lừa đảo. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin, thời gian qua các hình thức lừa đảo qua mạng, tội phạm lợi dụng công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng.

Các đối tượng sử dụng những thủ đoạn hòng lợi dụng, đánh vào tâm lý của người dùng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Tuy hình thức, chiêu trò của các đối tượng lừa đảo vay tiền của các đối tượng xấu được cảnh báo rất nhiều, nhưng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, rất nhiều người nhẹ dạ cả tin đã dễ dàng "sập bẫy".

Trước khi được phía Zalo đưa ra cảnh báo, người dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách không tải những ứng dụng không rõ nguồn gốc, không click vào những link lạ.

Ngoài ra, khi nhận những tin nhắn như nhờ chuyển khoản hộ hay nạp tiền điện thoại... cần liên hệ trực tiếp người dùng đó để xác nhận xem có ai mạo danh hay không.

Chỉ huy CAP Mễ Trì cho rằng, người sử dụng Zalo nên cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền/ thanh toán qua các ứng dụng, mạng xã hội; cần xác thực thông tin bạn bè/ người thân bằng cách gọi điện thoại hoặc trực tiếp gặp mặt trước khi thực hiện chuyển tiền/ thanh toán.

“Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ tòa án, Bộ Y tế cũng như đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội. Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo trong giao dịch ngân hàng, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an” - chỉ huy CAP Mễ Trì khuyến cáo.