Thêm một quốc gia đóng cửa biên giới vì dịch Ebola

ANTĐ -Ngày 18-8, một phát ngôn viên của chính phủ Cameroon cho biết nước này đã đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ, trên biển và trên không với Nigeria nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus Ebola.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Bộ trưởng Thông tin liên lạc Cameroon Issa Tchiroma Bakary khẳng định: "Toàn bộ biên giới (đất liền, biển và trên không) giữa Cameroon và Nigeria đã bị đóng. Quan điểm của chúng tôi là phòng bệnh hơn chữa bệnh".

Hiện chưa có ca nhiễm Ebola nào được ghi nhận tại Cameroon, nước chia sẻ đường biên giới dài 2.000km với Nigeria, quốc gia đã có 4 người thiệt mạng vì virus Ebola trong số khoảng 10 ca nhiễm bệnh.

Trước diễn biến dịch ngày càng khó kiểm soát, ngày 18-8, WHO đã khuyến cáo chính quyền các nước có dịch Ebola bùng phát cần tăng cường công tác kiểm soát dịch tại các cửa khẩu quốc tế, ngăn chặn tình trạng lây lan sang các khu vực khác.

Người chết vì dịch Ebola ở Liberia

WHO cho rằng các nước bùng phát dịch cần đặt máy kiểm tra thân nhiệt nhằm phát hiện các hành khách có dấu hiệu nhiễm virus Ebola tại các sân bay quốc tế, cảng biển và các cửa khẩu trên bộ.

Theo WHO, những người bị nhiễm virus Ebola không được phép xuất cảnh, trừ trường hợp vì mục đích chữa trị.

Trong khi đó, chính phủ Liberia đang nỗ lực tìm kiếm 17 bệnh nhân nhiễm Ebola bỏ trốn khỏi một trung tâm cách ly ở ngoại ô thủ đô Monrovia hôm 17-8.

Theo Bộ trưởng Thông tin nước này Lewis Brown, việc tìm kiếm là do lo ngại các bệnh nhân bỏ trốn có thể lây bệnh cho cộng đồng và hiện công tác tìm kiếm vẫn chưa có kết quả. 

Tổng thống Liberia áp dụng biện pháp cách ly dịch bệnh Ebola

Trong khi chờ thuốc điều trị Ebola, các nước Tây Phi cũng mở thêm trung tâm điều trị mới, nhưng việc kiểm soát dịch bệnh vẫn nằm ngoài tầm tay.

Nhiều người dân Tây Phi bị bao vây trong dịch bệnh lẫn cái đói, khi chính quyền một số nước phong tỏa cách ly những ngôi làng ở trung tâm ổ bệnh. Ebola buộc họ phải chọn giữa ở lại với căn bệnh trong khi thực phẩm, thuốc men cạn dần, hay là bỏ làng ra đi bất chấp nguy cơ làm lây lan dịch. Sự sợ hãi khiến một đám người có vũ trang tấn công một trung tâm cách ly ở Liberia khiến những bệnh nhân thoát ra ngoài.

Kể từ khi bùng phát mạnh hồi tháng Ba vừa qua, dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của 1.145 người và 2.127 người bị nhiễm bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cảnh báo con số có thể cao hơn do nhiều cộng đồng nằm trong các khu rừng chưa được tiếp cận.

Một bác sĩ cấp cao làm việc ở Tây Phi cho rằng con số thực có thể cao hơn đến 50% những gì được báo cáo.

Ở làng Boya phía bắc Liberia, anh Joseph Gbembo sống sót sau khi nhiễm Ebola, nhưng phải chăm lo 10 đứa trẻ và năm góa phụ sau khi chín người trong gia đình anh thiệt mạng vì dịch.

Hàng xóm sợ hãi không dám nói chuyện với Gbembo, đổ lỗi cho anh mang bệnh vào làng và lo sợ cả nạn đói đang chực chờ.

Người dân Tây Phi đang hoảng sợ trước dịch bệnh Ebola

Một nhân viên tổ chức từ thiện Plan International nói: “Nếu không có đủ thuốc men, thực phẩm và nước, các cộng đồng sẽ bỏ đi và làm tăng nguy cơ lây lan virút”.

Nữ Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đã áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh để ngăn dịch lây lan như cách ly các khu dân cư và lập hàng rào y tế để ngăn Ebola đi vào các thành phố. Hàng rào lập xung quanh những khu vực có đến 70% người dân nhiễm bệnh và binh sĩ được điều động phong tỏa các ngôi làng để ngăn người dân bỏ nhà cửa.

Việc cách ly áp dụng trong tình hình phần lớn người nhiễm bệnh tại Liberia vẫn ở ngoại trú, một phần vì các bệnh viện không còn chỗ và phần khác vì sợ bệnh viện như những nơi chờ chết. Tổng cộng hơn một triệu người ở trung tâm dịch Ebola tại ba nước Guinea, Liberia và Sierra Leone đang bị cô lập và sống nhờ vào lương thực cứu trợ.

Tuy nhiên, chuyên gia chính sách y tế Robert Dingwall thuộc Đại học Nottingham Trent cảnh báo việc cách ly gây nguy hiểm những người khỏe mạnh và khuyến cáo các nước cần tập trung vào giáo dục phòng ngừa bệnh, lập các lò hỏa táng và có thiết bị bảo vệ hiệu quả.