Thêm một chuyện buồn về văn hóa ứng xử

ANTĐ - Câu chuyện Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội xưng “mày - tao” với phóng viên một tờ báo đã không chỉ khiến dư luận bức xúc mà còn lo ngại về văn hóa ứng xử và hơn nữa là sự thiếu trách nhiệm của vị cán bộ này. 

Minh họa: Internet

Bởi thực tế là Dự án xe buýt nhanh (BRT) 1.200 tỷ đồng 10 năm nay vẫn chưa đưa được vào khai thác - vấn đề được phóng viên đề cập là vấn đề rất nhiều người dân quan tâm. Trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã từng chất vấn, cho rằng dự án là công sức của dân đóng góp, mồ hôi nước mắt của dân, không thể trả lời đơn giản làm xong rồi không chạy được vì ùn tắc mà phải làm rõ nguyên nhân, xử lý đến cùng, giải quyết tận gốc. Có như vậy mới không ai dám đưa ra những dự án thiếu khả thi, tiêu tốn đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trước đó, vị cán bộ này giữ chức Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội, nay chuyển công tác sang làm Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội - đơn vị sẽ tiếp quản toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội. Thế nhưng khi phóng viên hỏi đến vấn đề này thì vị cán bộ lại vòng vo, giới thiệu một vị khác trả lời.

Khi phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi thì liên tục từ chối với những phát ngôn không đúng mực như “không phải việc của chúng mày”, “chúng mày không có chuyên môn”, “chúng mày không phải là cơ quan thẩm định”… Rõ ràng, không phải người dân nào, không phải ai cũng có chuyên môn để thẩm định một dự án lớn như Dự án xe buýt nhanh này.

Thế mới phải hỏi, phải chất vấn để làm rõ, mà báo chí chính là cơ quan chuyển tải ý kiến của nhân dân đến các cơ quan có trách nhiệm. Việc từ chối trả lời đã là một sự thiếu trách nhiệm, trốn tránh trách nhiệm, nhưng thái độ thiếu văn hóa như vậy còn tỏ rõ sự coi thường nhân dân. 

Đáng nói đây không phải lần đầu tiên một cán bộ Nhà nước có thái độ ứng xử thiếu văn hóa với báo chí nói riêng và nhân dân nói chung. Trước đó, đã từng có nhiều cán bộ, thậm chí là lãnh đạo các cơ quan Nhà nước bị phản ánh có cách xưng hô như vậy với dân hay báo chí. 

Đành rằng trong thực tế, cán bộ công chức cũng cũng có nhiều áp lực, từ khối lượng công việc lớn, rồi áp lực từ cấp trên, hay thậm chí cả áp lực từ những hành vi thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng của người khác… nên có thể trong một hoàn cảnh nào đó họ mất kiểm soát từ lời nói đến hành vi. Nhưng trong bất cứ tình huống nào, việc ứng xử như vậy là không thể chấp nhận.

Thời gian gần đây, Hà Nội đã hết sức nỗ lực trong việc cải thiện thái độ tiếp dân của các cơ quan hành chính Nhà nước, mà bên cạnh việc phục vụ dân tận tình thì đầu tiên là phải có thái độ đúng mực, thân thiện, cởi mở với nhân dân. Những nỗ lực đó đã đem lại thay đổi rõ rệt.

Hay như ở thành phố Đà Nẵng, một video nhắc nhở cán bộ phải nở nụ cười với dân cũng đã được chuyển tải đến tất cả các cán bộ công chức, viên chức, cho thấy văn hóa ứng xử của cán bộ với dân đang là một vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần phải được cải thiện. Huống hồ những cán bộ giữ đến vị trí lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, càng cần làm gương cho cấp dưới. Ứng xử có văn hóa, trước tiên là giữ thể diện cho mình, sau mới nói đến trách nhiệm với dân và giữ gìn lòng tin của dân với cơ quan công quyền.