Xây mới SVĐ Hàng Đẫy: Sân bóng "cũ mèm" vươn mình thành khu thể thao đắt giá

ANTD.VN - Hà Nội sẽ khởi công xây mới Sân vận động Hàng Đẫy cuối năm 2018 với tổng kinh phí đầu tư lên đến hơn 300 triệu đô-la, tương đương 6000 tỉ đồng. Đây là lần thứ 2 trong lịch sử 80 năm tồn tại, sân vận động Hàng Đẫy được xây mới.

Ngày 27/3, tập đoàn T&T đã ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn Bouygues về việc hợp tác đầu tư và phát triển dự án xây mới SVĐ Hàng Đẫy do tình trạng xuống cấp khiến việc sửa chữa, cải tạo không hiệu quả và không thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Sau gần 1 năm chuẩn bị, cuối 2018, sau khi kết thúc V-League 2018, sân Hàng Đẫy sẽ được đập bỏ để khởi công xây mới và dự kiến, sẽ hoàn thành trước tháng 10/2021.

Sau khi hoàn thành, người dân thủ đô sẽ có một khu tổ hợp bao gồm sân vận động đạt tiêu chuẩn FIFA có sức chứa hơn 20.000 người trên tổng diện tích khoảng 32.158 m2, và các công trình phức hợp khác. Như vậy, sân Hàng Đẫy sẽ không đơn thuần chỉ là “thánh địa riêng” của môn bóng đá như trước. Thay vào đó, người hâm mộ đến sân Hàng Đẫy có thể thể tham gia nhiều hoạt động khác sẽ được tổ chức tại đây.

  SVĐ Hàng Đẫy sẽ lột xác trở thành khu tổ hợp triệu đô với nhiều khu chức năng cho các mục đich khác nhau

Khu tổ hợp trị giá 6000 tỉ này sẽ có bốn tầng hầm và hai tầng nổi. Sân thi đấu bóng đá được đặt ở tầng nổi thứ hai, phía trên một loạt công trình dịch vụ, văn hoá như rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện hay hệ thống tầng hầm để xe, phục vụ cho toàn khu vực dân cư kế cận. Điểm mới là sân bóng đá là không có đường piste.

Ngoài sân vận động để thi đấu bóng đã, khu tổ hợp này còn có Nhà thi đấu đa năng có sức chứa 1.500 chỗ ngồi, khu thương mại dịch vụ, rạp chiếu phim, văn phòng điều hành và các khu trưng bày, bảo tàng lưu niệm.

Hệ thống giao thông, kiến trúc được đặc biệt  chú ý khi thiết kế sân Hàng Đẫy mới. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ sẵn sàng để tổ chức sự kiện thể thao lớn của khu vực Đông Nam Á, SEA Game 31.

 Việc xây mới toàn bộ sân vận động nằm trong giai đoạn hai của kế hoạch nâng cấp sân Hàng Đẫy. Giai đoạn một đã hoàn thành bằng việc cải tạo mặt cỏ với kinh phí hơn 10 tỉ đồng.

Mặt sân Hàng Đẫy đẹp “long lanh” sau khi cải tạo.

Dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, nhà đầu tư tự thu xếp 100% vốn thực hiện dự án. Đổi lại, nhà đầu tư, Tập đoàn T&T (Việt Nam) và đối tác, Tập đoàn Bouygues (Pháp) được khai thác và vận hành tổ hợp thể thao Sân vận động Hàng Đẫy trong 50 năm.

Bouygues là tập đoàn công nghiệp đa ngành của Pháp được thành lập vào năm 1952, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: xây dựng, truyền thông, viễn thông, giao thông. Tại Pháp, Bouygues hoàn tất việc xây sân Parc des Princes (Công viên các hoàng tử) vào năm 1972, với sức chứa ban đầu là 50.000 chỗ. Nơi đây cũng đã diễn ra các trận đấu ở các giải bóng đá quốc tế lớn như EURO 1984, FIFA 1998 và EURO 2016.

Trong khi đó, T&T cũng là một tập đoàn đa ngành tại Việt Nam và được biết đến nhiều với vai trò là nhà tài trợ lớn cho CLB bóng đá Hà Nội T&T.

Ngoài khu tổ hợp thể thao Hàng Đẫy, hai "ông lớn" này cũng đã nhất trí xây dựng tuyến đường sắt có chiều dài 31,1km chạy dọc QL 32 nối trung tâm TP. Hà Nội với thị xã Sơn Tây (Nhổn – Trôi – Phùng – Vành Đai 4 – Sơn Tây). Tổng giá trị đầu tư vào dự án ước tính khoảng 1,4 tỉ Euro.