VFF bất lực, VPF thiếu trách nhiệm khi phóng viên V-League bị hành hung

ANTD.VN - Phóng viên tác nghiệp tại giải bóng đá V-League bị cổ động viên quá khích hành hung, phá hỏng đồ nghề trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng lại không được bảo vệ quyền lợi chính đáng từ những tổ chức có trách nhiệm với giải đấu lớn nhất Việt Nam.

Vụ việc đáng tiếc xảy ra trên sân Thiên Trường chiều 6-7, trong trận đấu giữa CLB Nam Định và CLB SLNA thuộc vòng 18 Nuti Cafe V-League 2018. Do bức xúc với trọng tài, một cổ động viên quá khích đã lao xuống sân đuổi đánh trọng tài chính Trần Đình Thịnh, tạo nên cảnh hỗn loạn và phản cảm.

BTC sân làm ngơ, Ban kỷ luật VFF bất lực

Điều đáng nói là theo lời kể của phóng viên Phạm Trọng Tùng (hiện công tác tại trang tin Sport5) cũng như các phóng viên khác có mặt trên sân chứng kiến vụ việc, lực lượng an ninh sân Thiên Trường sau khi để lọt cổ động viên quá khích lao xuống hành hung trọng tài đã không có biện pháp trấn áp mạnh mẽ mà chỉ dẫn lên khán đài.

Cách xử lý thiếu tính răn đe này dẫn đến hệ quả là ngay sau đó thêm một cổ động viên quá khích khác lao xuống sân đánh phóng viên Phạm Trọng Tùng khi thấy phóng viên này ghi lại cảnh tượng xấu xí của cổ động viên thành Nam.

Sau khi ghi hình cổ động viên quá khích lao xuống sân đuổi đánh trọng tài (ảnh trái), phóng viên Trọng Tùng bị một cổ động viên quá khích khác đánh sưng mặt, rách miệng (*)

Trong bản báo cáo sự việc gửi ban tổ chức giải, ban tổ chức sân Thiên Trường không hề đề cập tới vụ việc phóng viên Trọng Tùng bị hành hung, đồng thời còn "gắn mác" quá khích cho hơn 1 vạn khán giả có mặt trên sân (số cổ động viên quá khích thực tế chỉ một nhóm người, không phải tất cả) như một cách "kể công" rằng đã rất cố gắng để hạ nhiệt vụ việc và chỉ để lọt 1 cổ động viên quá khích (thực tế là 2) xuống sân gây rối.

Đáng nói hơn, trong quyết định kỷ luật số 299 ban hành chiều 11-7, Ban Kỷ luật VFF thông báo quyết định phạt 50 triệu đồng, "treo sân" 1 trận kế tiếp đối với sân Thiên Trường nhưng trong phần liệt kê vi phạm, không đề cập tới việc phóng viên đang làm nhiệm vụ bị hành hung.

Theo tìm hiểu, Quy định về kỷ luật của VFF (sửa đổi và bổ sung năm 2018) không đề cập tới đối tượng phóng viên, ngoại trừ Điều 17 quy định phóng viện được phép tác nghiệp trên sân khi sân đó bị buộc phải thi đấu không có khán giả. Điều này đồng nghĩa, phóng viên nếu có bị cổ động viên quá khích hành hung cũng không có điều khoản nào để bảo vệ quyền lợi, cũng như xử phạt cổ động viên gây ra hành vi đó.

Nói đúng hơn, với quy định hiện hành, Ban Kỷ luật VFF bất lực với các vụ việc phóng viên bị hành hung tại V-League.

Ngay sau khi Ban Kỷ luật VFF công bố quyết định kỷ luật ban tổ chức sân Thiên Trường, phóng viên ANTĐ đã cố gắng liên hệ với ông Nguyễn Hải Hường - Trưởng ban Kỷ luật, để tìm hiểu thêm về "sự bất lực" này, nhưng điện thoại ông Hường đã ở chế độ tắt máy.

Dấu hỏi trách nhiệm của VFF, VPF

Trao đổi vào tối 11-7 sau khi VFF thông báo quyết định kỷ luật sân Thiên Trường mà không đề gì tới vụ việc của mình, phóng viên Phạm Trọng Tùng bày tỏ bức xúc: "Tôi tác nghiệp theo quy định của Luật Báo chí, được ban tổ chức giải (Công ty VPF) cấp phép và cấp áo bib, thẻ làm nhiệm vụ, chấp hành mọi quy định tác nghiệp. Thế nhưng bị hành hung trong lúc làm nhiệm vụ lại không có bất cứ sự bảo vệ nào. Thật sự tôi rất hoang mang. Nhiều anh em phóng viên cũng có tâm tư này mỗi khi tới sân làm nhiệm vụ tuyên truyền giải cho ban tổ chức và đối tác tài trợ của họ".

Cũng theo phóng viên Trọng Tùng, anh bị cổ động viên quá khích làm hỏng dụng cụ tác nghiệp là bộ máy ảnh trị giá hơn 400 triệu đồng, phải sửa chữa với chi phí khoảng 40 triệu đồng.

Clip phóng viên Trọng Tùng bị thương, hỏng đồ nghề sau khi CĐV Nam Định hành hung (*)

"Cổ động viên hành hung tôi có tới nhà xin lỗi, tỏ ý ăn năn, cũng ngỏ ý muốn thể hiện trách nhiệm với bộ máy ảnh bị hỏng nhưng cũng chưa rõ có chi trả chi phí sửa chữa đó hay không. Tôi tìm hiểu thì được biết cổ động viên gia cảnh cũng khó khăn, vì bốc đồng mà gây chuyện nên cũng sẵn sàng cùng anh ta lo chi phí chữa máy ảnh. Vấn đề tôi quan tâm là liệu những lần tác nghiệp tới đây tại V-League, tôi cùng đồng nghiệp có được bảo vệ hay không", phóng viên Trọng Tùng chia sẻ và cho biết suốt 5 ngày sau khi bị hành hung trên sân Thiên Trường, không có bất cứ đại diện nào của VFF, VPF thăm hỏi hay tìm hiểu sự việc.

"Ban tổ chức sân Thiên Trường làm báo cáo không trung thực gửi ban tổ chức giải, nhưng cũng không có ai ở ban tổ chức giải hay VFF liên hệ với nạn nhân là tôi để xác minh tính chính xác của bản báo cáo đó cũng như diễn biến vụ việc", phóng viên bị hành hung cho biết thêm.

Từ vụ việc phóng viên bị cổ động viên hành hung đã cho thấy sự bất cập trong quy định kỷ luật của VFF, cũng như trách nhiệm của VPF đối với phóng viên - những người đang góp phần quảng bá, làm giàu hình ảnh và vì sự tiến bộ của giải đấu.

Phóng viên tác nghiệp tại V-League không quản nắng mưa

Phóng viên không bằng... nhân viên khênh cáng

Lãnh đạo VFF, VPF nhiều lần khẳng định vai trò và sự đóng góp của báo chí, trong đó có các phóng viên vào sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Rất nhiều vụ việc nhờ có hình ảnh, thông tin từ phóng viên giúp ban tổ chức, Ban kỷ luật VFF nắm rõ hơn. Những phóng viên không ngại đường sá xa xôi tới sân trực tiếp tác nghiệp, vì thế càng cần phải trân trọng.

Phóng viên tác nghiệp trận đấu, chuyển tải hình ảnh cầu thủ, đội bóng, nhà tài trợ cũng như diễn biến sự kiện tới cho độc giả là góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của giải, của ban tổ chức và đối tác tới đông đảo công chúng.

Họ cần được xem là người làm nhiệm vụ trên sân như thành viên ban tổ chức, giám sát viên, nhân viên y tế, nhân viên khênh cáng, nhặt bóng... Thế nhưng thực tế trong các quy định của VFF cũng như ban tổ chức giải, phóng viên lại nằm ngoài đối tượng làm nhiệm vụ. Đi kèm đó là không được bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Trước bất cập này, cánh phóng viên nhiều khi nói vui với nhau rằng "cùng làm nhiệm vụ trên sân mà quyền lợi không bằng anh khênh cáng, nhặt bóng".

(*): Việc đăng tải hình ảnh đã được sự chấp thuận của phóng viên Phạm Trọng Tùng