Thể thức mới khiến V-League giảm cạnh tranh, tăng nguy cơ "nhường điểm"?

ANTD.VN - Thể thức mới được Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thông qua có thể khiến V-League 2020 giảm tính cạnh tranh, song như Tổng thư ký Lê Hoài Anh thừa nhận: "Không thể có phương án nào hoàn hảo lúc này".

Trước thực tế quỹ thời gian cho mùa giải bị co lại vì quãng nghỉ dịch Covid-19, Ban chấp hành VFF đã quyết định thay đổi thể thức thi đấu V-League 2020 để giải kết thúc đúng tiến độ, đảm bảo kế hoạch chuẩn bị của đội tuyển quốc gia vào cuối năm. 

Theo đó, V-League sẽ thi đấu 13 vòng lượt đi (hiện đã diễn ra được 2 vòng), sau đó chia nhóm: 8 đội nhóm trên bảng xếp hạng đá vòng tròn một lượt xác định nhất, nhì, ba; 6 đội nhóm dưới đá vòng tròn một lượt xác định một đội phải xuống hạng.

Thể thức mới làm giảm sức cạnh tranh của V-League 2020

Cả làng cùng vui ?!

Việc thay đổi thể thức V-League nhận được sự tán đồng của 14/15 uỷ viên ban chấp hành có mặt dự họp, trong đó có nhiều uỷ viên là đại diện các CLB. Điều đó có thấy sự hài lòng của đa số đội bóng với phương án VFF, VPF đề xuất.

Dễ hiểu, bởi đây được xem là phương án khả thi và hài hoà các bên. 

Với việc áp dụng thể thức tương tự và cắt giảm 0,5 suất thăng hạng, giải hạng Nhất 2020 dự báo cũng sẽ giamr cạnh tranh và kém hấp dẫn hơn thể thức cũ.

Đầu tiên, mùa giải vẫn sẽ kết thúc vào 31-10, các đội bóng không phải lo gia hạn hợp đồng với cầu thủ, đồng thời số trận đấu ít hơn so với thể thức cũ sẽ giúp các đội giảm bớt chi phí ăn, ở, đi lại... Việc tiết kiệm này là rất hữu ích sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Kế đó, các CLB có tham vọng vô địch thay vì căng mình đua điểm số suốt cả hai lượt đi và lượt về, thì nay có thể chỉ phải phấn đấu một suất trong nhóm 8 (giai đoạn 1), trước khi có tính toán tiếp theo ở giai đoạn 2. Còn ở nhóm dưới, nguy cơ xuống hạng cũng giảm thiểu từ 1,5 suất xuống còn 1 suất. Vì thế, nhiệm vụ trụ hạng của nhóm 6 đội nhóm dưới (giai đoạn 1) nhẹ gánh hơn rất nhiều.

Số trận giảm, không phải đá với mật độ dày sẽ giúp cầu thủ tránh nguy cơ chấn thương và CLB cũng bớt lo hơn.

Giảm cạnh tranh, tăng nguy cơ "nhường điểm"

Bên cạnh những mặt tích cưc, thể thức mới của V-League cũng có một số hạn chế, trong đó thấy rõ nhất là giảm tính cạnh tranh của giải đấu. 

Tại lượt đi, những CLB sau khi tích luỹ đủ điểm để kết thúc trong nhóm 8 có thể "buông" các vòng cuối để giữ sức cho giai đoạn 2, thậm chí chủ động "nhường điểm" cho các đội nhóm dưới đang chạy đua một suất lên nhóm trên. 

Lượt đi tiềm ẩn nguy cơ "nhường điểm" đến từ các đội không muốn đua vô địch, hoặc đã chắc một suất trong nhóm 8

Với các đội nhóm dưới không có tham vọng đua vô địch, họ thậm chí có thể "buông" hoặc nhường điểm cả lượt đi, vì giai đoạn 2 sẽ đá lại từ đầu và khi đó mới xác định đội phải xuống hạng.

Trước câu hỏi: Khi thông qua thể thức mới, VFF có tính tới nguy cơ làm giảm tính cạnh tranh, hấp dẫn của giải đấu hay không?, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh thừa nhận nguy cơ này là có thật. Song theo ông Lê Hoài Anh, "hoàn cảnh đặc biệt thì cần một phương án đặc biệt" và trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay thì không thể có phương án nào hoàn hảo.

Để phần nào hạn chế nguy cơ này, VFF cho biết các CLB có thứ hạng cao trong nhóm 8 khi vào giai đoạn 2 sẽ được ưu tiên đá nhiều trận sân nhà hơn. Điều này tạo động lực để các CLB cạnh tranh thứ hạng trong suốt 13 vòng đấu của lượt đi. Ngoài ra, việc có 1 suất xuống hạng - thay vì 0,5 suất hay 0 suất như một số đề xuất trước đó - sẽ tạo cạnh tranh giữa 6 đội nhóm dưới.

Tất nhiên, mỗi thể thức đều có ưu nhược điểm riêng. Ngay với thể thức cũ đá lượt đi/ lượt về thì nguy cơ nhường điểm vẫn hiện hữu ở giai đoạn cuối mùa, khi nhiều đội bóng đã đủ điểm trụ hạng và không còn cửa vô địch. Việc có hành động tiêu cực hay không vẫn phụ thuộc lớn vào chủ quan các đội bóng.

Bảng xếp hạng V-League 2020 sau 2 vòng đấu