Những lần xuất ngoại chưa thành công của các cầu thủ Việt Nam

ANTD.VN - Tiền đạo Nguyễn Công Phượng sẽ chính thức chia tay CLB Sint-Truidense tại Bỉ để trở về Việt Nam thi đấu. Điểm đến lần này của chân sút người Nghệ An là CLB TP. Hồ Chí Minh – đương kim Á quân V-League mùa giải 2019. Đây đã lần thứ 3 Công Phượng trở về nước sau khi không để lại nhiều dấu ấn chuyên môn trong thời gian thi đấu tại nước ngoài.

Sau gần 5 tháng thi đấu tại Bỉ, Công Phượng chỉ có vỏn vẹn 20 phút ra sân thi đấu chính thức trong màu áo CLB Sint-Truidense. Sau đó là quãng thời gian dài anh không được đội bóng chủ bóng chủ quản điền tên vào danh sách thi đấu hoặc chỉ xuất hiện trên băng ghế dự bị.

Thất bại lần này của Phượng tiếp tục cho thấy sự chênh lệch đáng kể về trình độ của các cầu thủ Việt Nam với những cầu thủ bản địa khi ra thi đấu tại nước ngoài. Ngoài Công Phượng, đã có không ít cầu thủ Việt Nam từng rất được kỳ vọng nhưng lại không thể hiện được bản thân khi thử sức ở những nền bóng đá tiên tiến hơn. Dưới đây là những lần xuất ngoại đáng quên nhất của các cầu thủ Việt Nam trong những năm qua.

Nguyễn Công Phượng – Sint-Truidense (2019), Incheon United (2019), Myto Hollyhock (2016)

Trước khi có giai đoạn khó khăn khi màu áo của CLB Sint-Truidensen, Công Phượng cũng đã từng 2 lần được ra nước ngoài thi đấu ở 2 nền bóng đá hàng đầu châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Công Phượng luôn bị lạc lõng trong hệ thống chiến thuật của Incheon United

Ở lần đầu tiên “du học” trong mùa giải 2016, Công Phượng đã được chuyển đến thi đấu trong màu áo CLB Myto Hollyhock tại J-League 2 ở Nhật Bản theo dạng cho mượn. Sau thời gian đầu phải “vật lộn” với chấn thương vai, đến ngày 7-5-2016, Phượng mới có lần ra sân đầu tiên cho Myto Hollyhock khi được thay vào sân trong trận đấu với CLB Giravanz Kitakyushu tại vòng đấu thứ 12 giải J-League 2.

Không lâu sau đó, Phượng đã phải “khăn gói” về nước sau khi không thể cạnh tranh được suất thi đấu chính thức trong màu áo đội bóng của Nhật Bản. Kết thúc hành trình trên đất Nhật, chân sút xứ Nghệ chỉ có 7 lần ra sân và không ghi được bàn thắng nào.

Đến đầu năm 2019, sau những màn trình diễn ấn tượng góp công đưa Đội tuyển Việt Nam vào vòng 8 đội mạnh nhất tại Asian Cup, Phượng một lần nữa xuất ngoại khi gia nhập Incheon United ở giải K-League 1 của Hàn Quốc.

Tại Incheon United, Công Phượng đã được ra sân thi đấu nhiều hơn nhưng cũng không thể để lại quá nhiều dấu ấn về mặt chuyên môn. Nguyên nhân một phần xuất phát từ sự bất đồng về mặt ngôn ngữ đã khiến anh gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hòa nhập ở Hàn Quốc.

Khi ra sân, Phượng gần như trở nên lạc lõng trong cách triển khai bóng của toàn đội. Cộng thêm những điểm yếu cố hữu về thể hình và thể lực đã khiến anh không thể tìm được sự kết nối với các đồng đội trên sân. 

Kết thúc 4 tháng thi đấu tại Hàn Quốc, Công Phượng được ra sân tổng cộng 401 phút và cũng không ghi được bất kỳ bàn thắng hay kiến tạo nào.

Lương Xuân Trường - Buriram United (2019), Gangwon FC (2017) , Incheon United (2016)

Giống như Công Phượng, Xuân Trường cũng đã gặp phải rất nhiều khó khăn để cạnh tranh vị trí thi đấu trong cả 3 lần xuất ngoại.

Xuân Trường khởi đầu chuyến hành trình thi đấu tại nước ngoài của mình trong màu áo CLB Incheon United của Hàn Quốc vào năm 2016. Trong thời gian khoác áo CLB của Hàn Quốc, Xuân Trường có phần bị “ngợp” trước lối đá giàu thể lực và sức mạnh của các tiền vệ tại K-League 1. Anh gần như cơ hội cạnh tranh cho suất đá chính tại Incheon United và phải rời khỏi CLB chỉ sau 4 lần ra sân.

Sau khi rời Incheon United, bến đỗ tiếp theo của tiền vệ người Tuyên Quang là Gangwon FC – một CLB khác cũng chơi bóng tại Hàn Quốc. Tuy được CLB cam kết cho ra sân 40% số trận/cả mùa nhưng những gì Trường có được tại Gangwon chỉ là 3 lần ra sân cùng 151 phút thi đấu trên mọi đấu trường. Kết thúc mùa giải, anh quyết định trở về quê nhà để khoác áo CLB Hoàng Anh Gia Lai sau 2 năm thi đấu không thành công trên đất Hàn.

Bàn thắng duy nhất mà Xuân Trường ghi được trong màu áo Buriram United đã được bầu chọn là bàn thắng đẹp nhất Thai League mùa giải 2019

Cho đến đầu mùa giải 2019, Xuân Trường tiếp tục có lần thử sức tiếp theo trong màu áo CLB Buriram United tại Thái Lan. Nhưng thêm một lần nữa Trường lại gây thất vọng. Tất cả những dấu ấn mà chàng tiền vệ này để lại trên đất Thái chỉ là một pha sút phạt thành bàn và được bầu chọn là bàn thắng đẹp nhất năm tại Thai League.

Ngoài ra, Xuân Trường phải thường xuyên phải “làm bạn” với băng ghế dự bị do không đáp ứng đủ những yêu cầu về mặt chuyên môn.

Dù luôn được các HLV đánh giá rất cao về nhãn quan chiến thuật cũng như khả năng “cầm nhịp” trận đấu nhưng điểm yếu về thể lực và sức mạnh được cho là nguyên chính dẫn đến thất bại của Trường trong cả 3 lần thi đấu ở nước ngoài.

Nguyễn Tuấn Anh – Yokohama FC (2016)

Tình hình của Tuấn Anh khi xuất ngoại cũng chẳng khá khẩm hơn 2 người đồng đội là Xuân Trường và Công Phượng. Trong suốt quãng thời gian khoác áo CLB Yokohama FC tại Nhật, Tuấn Anh chỉ ra sân 2 lần và ghi được 1 bàn thắng.

Những chấn thương "hành hạ" đã khiến Tuấn Anh không thể cạnh tranh suất đá chính tại Yokohama FC

Tuy sở hữu một tư duy chơi bóng tốt cùng cảm quan không gian ấn tượng nhưng các chấn thương liên tiếp từ “đôi chân pha lê” của Tuấn Anh đã cản trở sự phát triển của tiền vệ người Thái Bình khi thi đấu tại Nhật Bản. Kết quả là phải mất gần 7 tháng thì Tuấn Anh mới có lần ra sân đầu tiên tại cho Yokohama FC trong trận đấu với CLB Đại học Yamagata.

Dấu ấn duy nhất mà Tuấn Anh có được trong màu áo đội bóng Nhật Bản là bàn thắng bằng đầu trong hiệp phụ giúp đội nhà giành chiến thắng 3-2 trước CLB Nagano Parceiro ở vòng 3 Cup Hoàng đế Nhật Bản. Dẫu vậy Tuấn Anh lại không thể tiếp tục cạnh tranh được suất đá chính trong hàng tiền vệ quá “chật chội” của Yokohama ở giai đoạn tiếp theo của mùa giải.

Cuối cùng anh phải trở về CLB cũ Hoàng Anh Gia Lai sau khi đáo hạn hợp đồng, khép lại một hành trình buồn của cá nhân Tuấn Anh trên đất Nhật Bản.