Hẳn bầu Đức không muốn Công Phượng, Xuân Trường làm bạn với... ghế dự bị nơi xứ người

ANTD.VN - Ba năm trước, Công Phượng cùng Xuân Trường đã từng có chuyến "xuất ngoại" đầu tiên song chưa thành công về mặt chuyên môn. Lần này, hy vọng mọi thứ tích cực hơn.

Mùa 2016, sau khi thành công cùng lứa U19, Công Phượng, Xuân Trường được bầu Đức đưa ra nước ngoài thi đấu, lần lượt khoác áo CLB Mito Hollyhock (giải hạng 2 Nhật Bản) và Incheon United (giải hạng nhất Hàn Quốc). Thời điểm đó, sự kiện này được cho là lịch sử với bóng đá Việt Nam - nền bóng đá vốn chỉ quen với việc "nhập khẩu" cầu thủ.

Bầu Đức khi đó có quyền tự hào và bản thân ông bầu phố Núi cũng có nhiều phát ngôn thể hiện điều đó, đồng thời bày tỏ tham vọng đưa lò HAGL trở thành nơi tiên phong ở Việt Nam đào tạo trẻ và xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài.

Hy vọng Công Phượng và Xuân Trường có cơ hội ra sân nhiều hơn ở lần xuất ngoại này

Thế nhưng suốt cả mùa giải, Công Phượng và Xuân Trường gần như chỉ ngồi trên ghế dự bị, số trận chính thức ra sân đếm trên đầu ngón tay. Hết mùa 2016, bầu Đức buộc phải đưa Công Phượng trở về, còn Xuân Trường sau một năm thử sức và gắng gượng tại đội bóng mới là Gangwon cũng phải "ngược" về HAGL đá V-League.

Trong một phát biểu sau đó khi trở lại Việt Nam gặp gỡ bầu Đức, Chủ tịch CLB Mito Hollyhock - ông Numata nói rằng "vẫn thiết tha muốn Công Phượng trở lại cùng CLB" và đưa cầu thủ này thành "ngôi sao J-League". Thế nhưng nhìn vào sự thua thiệt về kinh nghiệm lẫn chuyên môn của Phượng ở J-League 2, có thể hiểu đó chỉ là lời xã giao của ông chủ Mito Hollyhock với đối tác HAGL.

Đó là chuyện của 3 năm trước, khi Công Phượng và Xuân Trường mới lần đầu xuất ngoại ở tuổi 20, 21. Còn nay, có thể thấy cả hai đã trưởng thành và tiến bộ hơn rất nhiều sau chuỗi giải quốc tế trong màu các đội tuyển quốc gia. Thế nhưng việc họ có thể thích nghi và tồn tại ở Thai-League (với trường hợp Xuân Trường) hay K-League (với Công Phượng) hay không vẫn cần thời gian và người trong cuộc tự trả lời.

Có điều, đó chắc chắn không phải là thử thách dễ chinh phục. Người hâm mộ chưa quên trường hợp tiền đạo nhập tịch Hoàng Vũ Samson của CLB Hà Nội từng được Buriram United mua về hồi đầu mùa trước, song chỉ sau 1 tuần, ra sân 34 phút đã bị thải loại vì không đáp ứng được chuyên môn. Samson khi đó là Vua phá lưới V-League 2017, và khi bị thải loại trở về V-League 2018 vẫn vượt trội hơn phần còn lại với 15 bàn thắng chỉ trong giai đoạn lượt về. Nhắc lại để thấy thử thách sắp tới mà Công Phượng và Xuân Trường phải đối mặt tại đội bóng mới là không hề dễ dàng.

Sau lần xuất ngoại đầu tiên, có lẽ, rất nhiều người, đặc biệt là bầu Đức đã có cái nhìn thực tế hơn. Thay vào kỳ vọng những điều xa vời là mong mỏi Công Phượng, Xuân Trường được ra sân thường xuyên tại nước bạn, có thêm nhiều mối quan hệ chứ không phải chỉ làm bạn với băng ghế dự bị.

Chuyến xuất ngoại thứ hai của hai tài năng HAGL thành hay bại còn cần thời gian trả lời, song nhìn một cách tích cực, việc cầu thủ Việt được ra nước ngoài thi đấu (dù chỉ là dạng hợp đồng cho mượn) ngoài việc giúp bản thân họ có thêm những trải nghiệm, học hỏi để tiến bộ hơn, còn tạo cảm hứng phấn đấu cho các lứa cầu thủ kế cận và xa hơn là thúc đẩy sự phát triển của nền bóng đá.