Đề xuất "lạ" cho V-League 2020: Vì ĐTQG hay muốn "trút" gánh nặng tài chính mùa Covid-19?

ANTD.VN - Đề xuất V-League 2020 cắt giảm một lượt đấu và không đội nào phải xuống hạng trở thành đề tài bàn tán, tranh cãi sau cuộc họp trực tuyến mới đây giữa VPF và đại diện 14 CLB V-League 2020.

Trong rất nhiều góp ý đưa ra tại cuộc họp, phía CLB Đà Nẵng gây chú ý với đề xuất V-League 2020 chỉ đá một lượt và không có suất xuống hạng.

Giám đốc điều hành CLB Đà Nẵng Bùi Xuân Hoà cho rằng phương án này nếu áp dụng sẽ giúp cầu thủ giảm thiểu nguy cơ chấn thương (không phải thi đấu mật độ dày và cạnh tranh tránh xuống hạng), đồng thời có thời gian chuẩn bị cùng đội tuyển quốc gia ở hai giải đấu quan trọng cuối năm là vòng loại World Cup và AFF Cup.

Ngoài Đà Nẵng, ba CLB khác là SLNA, Nam Định và tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng có đề xuất tương tự.

Ngoại binh được cho là một phần "gánh nặng" của các CLB V-League trong bối cảnh giải hoãn vô thời hạn vì dịch bệnh

Thế nhưng ngay khi đề xuất được đưa ra đã vấp phải những băn khoăn, thậm chí chỉ trích rằng nếu V-League không có đội xuống hạng thì đâu còn tính cạnh tranh? Nếu "thi xong xuôi tất cả lại về" thì tổ chức làm gì gây lãng phí tiền bạc? Và khi các CLB V-League đề xuất không có đội xuống hạng, liệu có nghĩ cho quyền lợi thăng hạng mùa 2021 của các đội hạng Nhất?

Việc lý giải "có lợi cho đội tuyển quốc gia chỉ là một mặt của vấn đề. Nguyên nhân sâu xa của đề xuất "V-League chỉ đá một lượt, không có đội xuống hạng" được chính người trong cuộc thừa nhận, đó là để giảm áp lực tài chính.

Khi không phải lo xuống hạng, các CLB có thể sớm thanh lý hợp đồng với ngoại binh và cầu thủ nhập tịch. Nếu tính trung bình mỗi CLB có 3 ngoại binh, mỗi tháng phải trả lương 5.000-6.000 USD/người thì cắt giảm ngoại binh giúp các đội bóng tiết kiệm từ 15.0000-20.000 USD mỗi tháng. Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh các nguồn thu bị co hẹp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các đội bóng V-League đều đang chịu áp lực tài chính rất lớn khi nguồn thu từ tiền bán vé không có, lại vẫn phải trả lương cho cầu thủ đang nghỉ tập vì dịch. Thế nhưng bản thân họ cũng không muốn giải bị huỷ hoặc hoãn vô thời hạn.

Giám đốc điều hành SLNA Hồ Văn Chiêm thừa nhận, nếu giải không tổ chức thì càng khó khăn hơn khi ảnh hưởng đến nguồn thu, nguồn tài trợ. Bởi chỉ khi giải tiếp tục và hoàn thành, CLB mới có thể "trả" quyền lợi cho nhà tài trợ như hợp đồng ký kết, khi đó tiền mới được giải ngân.

Làm sao giải phóng áp lực tài chính là vấn đề được các đội bóng quan tâm lúc này...

Thêm CLB ở V-League cắt giảm lương

Quỹ tiền lương đang là bài toán gây đau đầu cho các CLB mùa dịch. Sau CLB TP.HCM, mới đây Nam Định là đội bóng tiếp theo ở V-League chính thức giảm lương các thành viên để duy trì hoạt động. Cụ thể, thầy trò HLV Nguyễn Văn Sỹ sẽ nhận 75% lương trong tháng 4 để chia sẻ khó khăn với đội bóng.