Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic 2012: Giấc mơ chưa trọn vẹn

ANTĐ - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Trần Đức Phấn từng thổ lộ: “Nếu được đổi 96 HCV SEA Games lấy 1 HCV Olympic, tôi sẵn sàng!”. Có điều, với thực lực VĐV và đặc biệt là cách hoạch định chiến lược thiếu chiều sâu của ngành thể thao, giấc mơ vươn tầm Olympic vẫn chưa thể trọn vẹn.

Giấc mơ giành HCV Olympic của thể thao Việt Nam vẫn còn rất xa vời

Tại Hội nghị triển khai công tác TDTT 2012 tổ chức vừa qua, lãnh đạo ngành thể thao đã đề ra mục tiêu giành 10 suất tham dự Olympic 2012. Căn cứ vào thực lực hiện tại, với 5 vé chính thức từ Hà Thanh, Phước Hưng (TDDC); Diệu Linh, Huỳnh Châu (Taekwondo) và Ngọc Tú (Judo). Bên cạnh đó là 3 tấm vé gần như cầm chắc của Tiến Minh (cầu lông), Quý Phước (bơi), Quốc Toàn (cử tạ). Nhìn vào nhiều gương mặt sáng giá, đang nỗ lực tìm kiếm vé Olympic như Thanh Hằng, Việt Anh (điền kinh), Minh Thành (bắn súng), Nguyễn Thị Lụa (vật)… thì ngành thể thao chỉ cần có thêm 2 vé nữa là hoàn thành chỉ tiêu. Song điều đáng nói đã hơn chục năm qua, ngành thể thao vẫn quanh quẩn với việc có càng nhiều VĐV dự Olympic càng tốt, và mọi kế hoạch đầu tư cũng chỉ để phục vụ mục tiêu này.

Chiến lược trên có vẻ như đã lỗi thời, trong bối cảnh các quốc gia khác đều tập trung đầu tư mạnh mẽ cho các mũi nhọn có khả năng giành huy chương. Và để làm được điều đó, trước mỗi kỳ Thế vận hội, các VĐV đều được lên kế hoạch tỷ mỷ, khoa học như chọn HLV giỏi phù hợp với từng giai đoạn tập luyện, thuê chuyên gia tư vấn các giải đấu nên hay không nên tham dự… từ 4-5 năm trước. Còn tại Việt Nam, đa số các VĐV sau khi giành suất tham dự chính thức mới được đầu tư, tập huấn quốc tế và... với vài tháng thời gian chuẩn bị hạn hẹp khó có thể làm nên chuyện tại giải đấu lớn nhất thế giới. Năm nào ngành thể thao cũng phấn đấu giành 8-10 suất tham dự Olympic, nhưng ngay cả khi thành hiện thực, các VĐV cũng dễ dàng bị loại ngay từ vòng đầu, chứ chưa nói đến chuyện giành huy chương. Còn thời điểm này, ngoài tấm vé thuyết phục của Hà Thanh (HCĐ thế giới) thì cả 4 VĐV còn lại đều theo diện… giành vé vớt. Mới nhất là Phước Hưng, từ chỗ bị loại mà may mắn có vé do các đối thủ xứng đáng hơn bị BTC loại theo quy định mỗi quốc gia chỉ được 1 suất.

Nhìn vào thực lực hiện tại, chỉ có Tiến Minh (hạng 7 thế giới) và HCĐ thế giới Hà Thanh là có khả năng tranh chấp huy chương. Tuy nhiên, tay vợt cầu lông đang sa sút phong độ, điển hình là thường để thua hàng loạt các tay vợt dưới cơ và bị loại ngay từ vòng đầu. Trong khi mục tiêu tối thiểu tái lập thành tích số 3 thế giới của Hà Thanh lại đang bị đặt câu hỏi. Lý do là các đối thủ tại Olympic có đẳng cấp cao hơn nhiều so với giải VĐTG 2011 mà Thanh tham dự. Đó là chưa kể thời gian chuẩn bị ngắn ngủi khó có thể giúp VĐV người Hải Phòng tiệm cận được với các ngôi sao hàng đầu thế giới - những người vốn có tố chất, lại được đầu tư khoa học và có thời gian chuẩn bị gấp nhiều lần.

Dù đạt được chỉ tiêu 10 suất tham dự Olympic, song sẽ không quá bất ngờ nếu cả 10 đại diện đều không thể giành huy chương. Và giấc mơ Olympic của thể thao Việt Nam có lẽ chưa trọn vẹn, bởi thất bại vốn đã nhìn thấy trước khi nhập cuộc.