Cử tri góp ý về dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992:

Thể hiện sự cởi mở và quyết tâm chính trị mới

ANTĐ - Có thể nói, so với các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây, lần sửa đổi này ghi nhận một sự cởi mở và quyết tâm chính trị mới của Đảng và Nhà nước ta trong việc mở rộng quyền dân chủ, có sự tham gia ý kiến của nhân dân. Tuy vậy, theo tôi, Đảng và Nhà nước cần mạnh dạn hơn nữa là không chỉ lấy ý kiến góp ý của người dân mà còn có thể lấy biểu quyết của người dân về những nội dung trong Hiến pháp.

Mặt khác, trong quá trình giải quyết các yêu cầu của khách hàng, đặc biệt đối với khách hàng là doanh nghiệp tư nhân, tôi nhận thấy còn nhiều điểm bất hợp lý trong các chính sách đối với loại hình doanh nghiệp này. Do đó, để các doanh nghiệp tư nhân có thêm nhiều cơ hội phát triển, Nhà nước cần có sự thay đổi thực sự không chỉ trong việc ban hành chính sách mà còn thể hiện trong công tác thực thi chính sách trên thực tế. Do đó, việc Quốc hội thông qua nội dung sửa đổi về vấn đề trên sẽ tạo ra niềm tin và kỳ vọng mới cho hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân - thành phần kinh tế năng động nhất đã đem lại hiệu quả cao trong nền kinh tế hiện nay. 

Ngoài những nội dung trên, dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Tuy vậy, theo quan điểm của tôi, cần làm rõ khái niệm này để phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế thị trường. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai đã trao cho người sử dụng đất khá nhiều quyền hạn đối với đất và ngày càng tiệm cận hơn với quyền sở hữu, song, thời gian qua, những xung đột, bất đồng liên quan đến quyền sử dụng đất giữa người dân và cơ quan chức năng vẫn xảy ra. Người dân luôn muốn duy trì sự ổn định, lâu dài trong việc sử dụng đối với mảnh đất mà họ gắn bó bằng các quy định pháp luật mang tính đảm bảo. Từ những bài học về giải quyết xung đột liên quan đến đất đai đã diễn ra, tôi nghĩ rằng, để giải quyết triệt để những tồn tại trên, chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc thừa nhận quyền thu hồi đất để thực hiện các dự án kinh tế xã hội.