“Thế hệ mới” của nghệ thuật giá vẽ

(ANTĐ) - Thuở ban đầu, người trong giới nhắc đến Lê Trần Anh Tuấn - giảng viên khoa Sư phạm, ĐH Mỹ thuật Việt Nam là họa sỹ trẻ vẽ nhiều về thiên nhiên, điển hình như hình tượng chim thiên đường, cuộc di cư hoặc trở về của các chú chim.

Sự thay đổi liên tục theo từng thời kỳ của người họa sỹ không thể dừng chân ở một đề tài, sau đó anh tìm tòi và quan tâm nhiều đến đời sống xã hội của giới trẻ. Và điều đó đã giúp anh thành công tại Cuộc thi Tài năng 2010 (Talent Prize 2010) do Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam (CDEF) tổ chức nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ trong lĩnh vực hội họa. Như một cú hích mạnh vào tiềm thức người họa sỹ trẻ ấy, Tuấn đã có những bước đi dài trong nghề nghiệp. Để những ngày đầu tháng 7 này, tại Trung tâm Nghệ thuật Việt (Viet Art Centre), Tuấn mạnh dạn giới thiệu đến công chúng 22 tác phẩm hội họa mới của mình với chủ đề “Thế hệ mới”.  
Lê Trần Anh Tuấn tâm đắc với quan điểm nghệ thuật của họa sỹ Liu Ye (Trung Quốc): “Nghệ thuật không phải là vũ khí, nghệ thuật chỉ là nghệ thuật, và điều quan tâm nhất trong một tác phẩm nghệ thuật đó là ngôn ngữ. Ngôn ngữ có hay thì tác phẩm mới hay”. Ngôn ngữ ý tưởng trong triển lãm “Thế hệ mới” của Tuấn là thế hệ trẻ - một nhóm người đẹp cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng trong thời cuộc toàn cầu hóa, bên cạnh những mặt tích cực thì ẩn hiện đâu đó vẫn có không ít thang bậc giá trị dường như đang đảo lộn: Tốt - Xấu - Trắng - Đen. Nhịp độ sống đã tạo ra nhiều quan niệm mới, gấp gáp và nhiễu loạn hơn. Tất cả những điều này đều đang ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ trẻ, để họ thấy một thế giới năng động, phù hoa, là khuôn mẫu cho thị giác. Nhưng họ còn quá trẻ, cộng với sự đầy đủ của cuộc sống vật chất khiến lớp trẻ ngày nay đôi khi thiếu đi một cái gì đó “hình như” là những giá trị về nhân cách sống.

Lê Trần Anh Tuấn dẫn giải: “Cá nhân tôi cũng là một họa sỹ trẻ, thế hệ 8X,  khiến tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều với giới trẻ. Điều đầu tiên tôi nhận thấy ở họ là những cô gái rất dễ thương, luôn bộc lộ những tính cách mạnh mẽ, tự tin, hay kiêu sa đài các, tự phụ và hiếu thắng. Tất cả những yếu tố này khiến tôi luôn suy nghĩ: Đó là nhược điểm thoáng qua của tuổi trẻ hay là một điểm tất yếu của xã hội trong thời kỳ toàn cầu hóa. Và chính từ đây tôi đã thực hiện cuộc triển lãm “tranh và sắp đặt” mang tên “Thế hệ mới”.

Phần lớn trong các tác phẩm tôi sử dụng mô-típ những con lật đật và búp bê Barbie; vì tôi cảm nhận thấy nó có gì đó tương đồng với thế hệ trẻ. Dễ thương, ánh mắt to, tròn, mạnh mẽ và tự tin. Dù cho có đẩy ngang đẩy ngửa rồi nó cũng đứng thẳng lên được. Nhưng đó cũng chỉ là dáng đứng của con lật đật do con người tạo ra, “chênh vênh - vô cảm”. Trong tác phẩm tôi tập trung chính vào những trạng thái biểu cảm khác nhau của chân dung thông qua ánh mắt và đôi môi, đi cùng với chúng là những mô-típ hoa, bướm và những chú cá chọi. Tất cả như muốn phản ánh một phần nào vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng, thông minh và sắc sảo - Một chút kiêu sa của hoa, một chút đài các của bướm và những chiếc vây giương ra hiếu chiến với sắc màu rực rỡ của những chú cá chọi biểu hiện sự hiếu thắng của tuổi trẻ”.

 

Tác phẩm Dreaming 1 trong triễn lãm “Thế hệ mới” 

Trong cuộc sống được mang tên “đương đại”, trọng tâm nghiên cứu, tìm tòi về mặt nghệ thuật của Lê Trần Anh Tuấn trong “Thế hệ mới” là năng lượng và cả sự biếng lười, những khát khao lẫn sự bàng quan, thói ích kỷ và sự tha hóa, những hoài bão và cả những sự bắt chước của giới trẻ được truyền vào hàng loạt các tác phẩm ấn tượng với từng lớp nghĩa, hình ảnh ẩn dụ khác nhau. Để từ đó lột tả ý nghĩa xâu xa của người họa sỹ muốn các bạn trẻ nên nhìn nhận và chắt lọc những giá trị sống tốt đẹp để trở thành những con người hoàn thiện.

Nhà phê bình mỹ thuật người Nga Natasa nhận định: “Sự nhạy bén, năng lực nắm bắt và khắc họa chân dung những xu hướng có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của xã hội; và sự tìm tòi, nghiên cứu sâu của nghệ sỹ về cuộc sống thế hệ trẻ, cùng mối liên quan về mặt cảm xúc của Lê Trần Anh Tuấn đối với cuộc sống này đã đưa anh đến suy luận giống với suy luận của nhà tư tưởng nổi tiếng Paul Goodman - Sự phát triển, như bao nhiệm vụ hiện thời khác, đòi hỏi ở môi trường sống những đối tượng thích đáng để có thể đáp ứng được nhu cầu và khả năng của những trẻ em và thanh thiếu niên đang lớn, đến khi họ có thể đưa ra những lựa chọn tốt hơn và tạo dựng một môi trường sống của chính mình”.

Nhìn vào xã hội qua lăng kính của giới trẻ, Lê Trần Anh Tuấn khoanh dấu những vấn đề liên quan nhất đến tương lai, cùng với niềm đam mê và tính nghệ thuật, đã chuyển tải mối quan tâm sâu sắc của mình về thời vận qua triển lãm cá nhân mang tên “Thế hệ mới”.