Vùng Caribbean vững vàng hơn trước đại dịch nhờ quá quen với... bão

ANTD.VN - 2 năm sau các cơn bão lịch sử Irma và Maria, nhiều hòn đảo ở vùng biển Caribbean vẫn đang trong quá trình phục hồi. Và rất có thể, chính vì thường xuyên phải ứng phó với bão lớn mà khu vực này đã có được “nội lực” đặc biệt cho cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt: đại dịch Covid-19.

“Hầu như mỗi năm chúng tôi đều trải qua các cơn bão. Và Covid-19 là một cơn bão đến mỗi ngày, từ ngày này qua ngày khác”, ông Neil Parsan, cựu Đại sứ của Trinidad và Tobago tại Mỹ và Mexico cho hay. Mặc dù vậy, vùng Caribbean không bị tác động bởi đại dịch như các khu vực khác.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Cộng hòa Dominican cho đến nay là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 15.000 ca nhiễm Covid-19. Trong khi đó, Cuba và Puerto Rico mỗi quốc gia có hơn 1.000 trường hợp. Nhưng nhiều hòn đảo và quốc gia khác, con số hầu như không đáng kể. Các chuyên gia cho rằng, các yếu tố như ngừng hoạt động du lịch sớm, mật độ dân số thấp và lịch sử ứng phó với bão và dịch bệnh đã góp phần khiến Caribbean không trở thành điểm nóng về Covid-19 như các khu vực khác trên thế giới.

Nơi tách biệt và quen với “cách ly”

Cựu Đại sứ Neil Parsan nói rằng, khả năng đóng và khảo sát biên giới của các đảo ở Caribbean “rất hiệu quả” đã giúp kiểm soát sự lây lan, như quần đảo Virgin thuộc Mỹ với dân số hơn 100.000 người, nằm giữa St. Croix, St. John, St. Thomas và Water Island, chỉ có 69 ca nhiễm và 9 trường hợp tử vong do Covid-19. Tiến sĩ Esther Ellis, một nhà dịch tễ học thuộc cơ quan y tế của quần đảo cho biết, trong khi vùng lãnh thổ này chưa bao giờ đóng cửa hoàn toàn các cảng hoặc sân bay nhưng mọi thứ cần làm là ngừng nhận mọi yêu cầu đặt phòng khách sạn. “Chúng tôi đang ở trên một hòn đảo, vì vậy, không ai có thể lái xe đến đây. Ngay khi các khách sạn ngừng đặt phòng, hầu hết chúng tôi chỉ có 30 người từ ngoài đến mỗi ngày, một mức cực kỳ thấp”, chuyên gia Esther Ellis nói.

Quy mô dân số cũng liên quan đáng kể đến sự lây lan dịch bệnh. Tiến sĩ Marcos Espinal, lãnh đạo thuộc Tổ chức Y tế Pan American cho biết, những thành phố lớn ở Caribbean, chẳng hạn như Santo Domingo ở Cộng hòa Dominican hay Port-au-Prince ở Haiti, phần lớn khu vực này ít đô thị hóa và do đó, việc kiểm soát sự lây lan của bệnh dễ dàng hơn. Ngược lại, những nơi đông dân, nhất là “vành đai đói nghèo” dễ gặp thảm họa nếu bị dịch Covid-19 tấn công ồ ạt. 

Điều đặc biệt, người dân vùng Caribbean cũng có thói quen sống trú ẩn vào một số thời điểm trong năm, thường là vì lý do thời tiết. Mùa bão ở đây diễn ra từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Cư dân Quần đảo Virgin vẫn thường xuyên dự trữ thức ăn, nhiên liệu cho máy phát điện đề phòng tình huống xấu. “Sống cách ly một thời gian là khái niệm rất đỗi quen thuộc, vì vậy mọi người chỉ cần làm theo hướng dẫn”, Tiến sĩ Esther Ellis nói.

Lịch sử ứng phó với dịch bệnh

Khu vực này cũng có lịch sử ứng phó với dịch bệnh, gần đây là các bệnh do muỗi truyền gọi là Zika, chikungunya hay sốt xuất huyết. Việc kiểm soát các loại dịch bệnh trong quá khứ đã cho phép các quốc gia và lãnh thổ ở Caribbean liên tục củng cố các chức năng y tế công cộng thiết yếu. Như tại quần đảo Virgin, Tiến sĩ Ellis lưu ý rằng, do sự bùng phát chikungunya và Zika, lãnh thổ này đã được chính quyền Mỹ bổ sung thêm nhân viên. Cách đây 7 năm, bà là chuyên gia dịch tễ duy nhất ở đây còn hiện nay họ đã có đội ngũ 14 người.  “Nếu số ca bệnh tăng nhanh, chúng tôi đã có sẵn một đội ngũ được đào tạo tốt và có kinh nghiệm ứng phó với các đợt bùng phát khác. Vì vậy, chúng tôi đã có sẵn sự chuẩn bị để phản ứng tốt hơn”.

Khi các quốc gia và vùng đảo ở Caribbean bắt đầu quá trình nới lỏng các hạn chế về giãn cách xã hội, các chuyên gia đều cho rằng cần phải mở lại từ từ để ngăn chặn đợt bùng phát thứ hai. Quan trọng là không nên quá chủ quan, bỏ qua cảnh giác mà cần phân tích đúng đắn để có giải pháp phù hợp.