"Vùng cấm" với các cựu quan chức Đức khi muốn làm việc cho công ty nước ngoài

ANTD.VN - Hãng tài chính Kulchot Holding có trụ sở tại Luxembourg đã quan tâm đến việc mời chính trị gia người Đức Sigmar Gabriel về làm việc trong ban giám sát của họ, nhưng động thái này đã bị chính phủ Đức chặn lại.

Chủ đề nhạy cảm

"Vùng cấm" với các cựu quan chức Đức khi muốn làm việc cho công ty nước ngoài ảnh 1Ông Sigmar Gabriel - người từng đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt trong Nội các của Thủ tướng Angela Merkel đã bị chặn nhận làm việc cho một công ty nước ngoài

Tin tức này nổi lên cuối tuần qua liên quan đến phản ứng của chính phủ đối với đề nghị điều tra của Nghị sỹ Lorenz Gösta Beutin. Đại diện đảng đối lập trong Chính phủ đã phản đối quan hệ giữa ông Gabriel với Kulchot Holding và cho rằng ông đã thể hiện “một hình ảnh được rao bán”. Ông Gabriel đã kinh qua nhiều chức vụ hàng đầu trong Chính phủ như Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Ngoại giao hay Phó Thủ tướng từ năm 2013 đến 2018. Sau khi rời khỏi nội các, ông Gabriel nhận được lời mời gia nhập Kulchot Holding, một công ty đầu tư được cố tỷ phú người Ba Lan Jan Kulchot thành lập. 

Trung tuần tháng 8-2019, ông Gabriel nói với báo chí rằng, ông “tuân thủ nghiêm ngặt” các quy tắc và hồi tháng 9 năm ngoái đã thông báo cho nội các về việc đang cân nhắc tham gia ban giám sát của công ty đầu tư Ba Lan. Tuy nhiên, đến giờ ông đã hủy các cuộc đàm phán sau khi tiếp xúc với Kulchot Holding. “Đại diện của công ty có biểu hiện không nghiêm túc” - ông nói. 

Vào thời điểm đó, chính phủ Đức đã mở cuộc điều tra và tháng 11 năm ngoái, ông Gabriel đã được thông báo rằng, không được phép nhận công việc này trong vòng 12 tháng. Việc chuyển đổi từ chính trường sang kinh doanh là một chủ đề nhạy cảm ở Đức. Cựu Thủ tướng Gerhard Schröder từng chịu chỉ trích lớn khi nhận làm cho ngành năng lượng của Nga. Các cựu Bộ trưởng ở Đức sau khi rời nhiệm sở có thể bị cấm đảm nhận một số công việc nhất định trong tối đa 18 tháng nếu vị trí này làm tổn hại đến “lợi ích công cộng”. Tuy nhiên, quy định này cũng đã bị giới ngoại giao nước ngoài phản đối. Tuần trước, Tạp chí Spiegel cho hay, ông Richard Grenell - Đại sứ Mỹ tại Berlin, đã can thiệp vào việc chặn cựu Phó Thủ tướng Gabriel có được công việc danh giá. Mặc dù vậy, sự can thiệp đó đã không thành công và Spiegel cho biết thêm, Đại sứ Mỹ từ chối bình luận về câu chuyện này.

Sự nghiệp của một chính trị gia kỳ cựu

Chưa đầy 10 năm gia nhập SPD năm 1977, ông Sigmar Gabriel đã được bầu vào Hội đồng lập pháp bang Lower Sachsen. Ông làm Thủ hiến bang này từ năm 1999-2005. 

Người ta ví sự nghiệp chính trị của ông Sigmar Gabriel cũng giống như cựu Thủ tướng Gerhard Schröder, người từng bắt đầu sự nghiệp tại Hội đồng lập pháp bang Lower Sachsen. Có chung nền tảng và khuynh hướng chính trị, ông Gabriel được đánh giá là người kế thừa tiềm năng của Thủ tướng Gerhard Schröder.

Năm 2005, khi bà Angela Merkel lên nắm quyền, ông Gabriel đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Môi trường. Ông Gabriel đã coi chủ đề biến đổi khí hậu là trọng tâm nhiệm kỳ 4 năm của mình, dẫn đầu các cuộc đàm phán của EU về nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính xuống 20% so với năm 1990. Ông cũng tháp tùng nữ Thủ tướng Merkel trong chuyến thăm 2 ngày tới Greenland để thị sát tình trạng nóng lên toàn cầu. Sau cuộc bầu cử liên bang năm 2013, ông Gabriel trở lại vị trí lãnh đạo Chính phủ với ghế Phó Thủ tướng, trong tư cách là Chủ tịch đảng SPD - đối tác liên minh cầm quyền. Kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Kinh tế, chính trị gia này đã điều chỉnh chính sách năng lượng và giám sát quá trình chuyển đổi từ năng lượng hạt nhân sang năng lượng tái tạo.

Tháng 1-2017, ông Gabriel đã tiếp quản vị trí Ngoại trưởng và nhanh chóng thích nghi với vai trò mới. Ông thẳng thắn cáo buộc Tổng thống Trump làm suy yếu phương Tây. Ông cũng tố cáo các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, làm gián đoạn chương trình năng lượng của EU như đường ống dẫn khí phương Bắc 2. Trong cuộc bầu cử năm 2017, SPD chịu thất bại lớn, mặc dù vẫn gia nhập liên minh với đảng của Thủ tướng Merkel. Tuy vậy, ông Gabriel đã từ chức Chủ tịch đảng SPD, đồng nghĩa với việc rời khỏi chính trường năm 2018.