Việt Nam hành xử tích cực và trách nhiệm ở Biển Đông

ANTD.VN - Thế giới đánh giá cao việc Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình ở Biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế, đóng góp vào việc thượng tôn pháp luật cũng như giúp làm giảm căng thẳng, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trên vùng biển có ý nghĩa sống còn với nhiều quốc gia không chỉ khu vực mà cả thế giới.

Việt Nam hành xử tích cực và trách nhiệm ở Biển Đông ảnh 1Các chuyên gia và học giả quốc tế tham dự Hội thảo Vì an ninh và phát triển khu vực ghi nhận và đánh giá cao hành xử và trách nhiệm của Việt Nam ở Biển Đông

Bên cạnh những lý lẽ, chứng cứ, phân tích nêu bật tham vọng độc chiếm Biển Đông phi lý và phi pháp của Trung Quốc, các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực” diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 6 và 7-11 do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam (VLA) và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) tổ chức đã ghi nhận, đánh giá cao hành xử trách nhiệm, tích cực theo đúng luật pháp quốc tế của Việt Nam. Giới chuyên gia và học giả quốc tế cho rằng, đó chính là những đóng góp thiết thực của Việt Nam giúp giảm căng thẳng, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền hợp pháp

Hội thảo “Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực” diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có những hành vi hung hăng, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế khi đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng hàng chục tàu vũ trang trá hình xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính ở phía Nam Biển Đông. Hành vi xâm phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông của nhóm tàu Trung Quốc kéo dài trong thời gian hơn ba tháng, từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 10-2019.

Việt Nam đã bác bỏ điều mà Trung Quốc cho rằng nhóm tàu Hải Dương 8 hoạt động tại “vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Trước hết, tất cả thấy rất rõ là khu vực bãi Tư Chính - một cụm rạn san hô dài 63km, rộng 11km với phần mặt bằng rạn quan sát được có diện tích 33,88 km², nơi nông nhất nằm đầu phía Bắc có độ sâu 16m - nằm ở phía Nam Biển Đông, cách cách đất liền (Vũng Tàu) Việt Nam 160 hải lý và cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), một quốc gia ngoài vùng nội thủy và lãnh hải thì từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven bờ được quyền có vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý. Như vậy, có thể thấy bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Ngay từ khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính cũng như những lần xâm phạm chủ quyền Việt Nam trước đó của Trung Quốc, Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền hợp pháp, được công nhận và bảo hộ theo Công ước UNCLOS 1982. Bảo vệ chủ quyền của mình bằng biện pháp hòa bình, Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu Hải Dương 8 trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế.

Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. 

Sự chính nghĩa cùng lập trường giải quyết hòa bình các tranh chấp, bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông của Việt Nam được các nước và dư luận thế giới đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ. Đồng thời, dư luận quốc tế cũng lên án, chỉ trích mạnh mẽ, đồng thời vạch rõ những toan tính nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Nhiều biện pháp đấu tranh với Trung Quốc

Tại Hội thảo “Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực”, các chuyên gia quốc tế cho rằng, dù tình hình Biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp nhưng Việt Nam đã có những hành xử đầy trách nhiệm và phù hợp trong mọi tình huống. Tiến sĩ Stanley Weeks, chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn Ứng dụng Khoa học Quốc tế (SAIC) của Mỹ, cho rằng, Việt Nam đã luôn nhất quán trong việc chỉ ra những hành vi vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không nên sử dụng sức mạnh quân sự để chèn ép các nước khác một cách phi pháp.

Điều này cho thấy, Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và điều này cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tiến sĩ Stanley Weeks đánh giá, đây là cách làm rất có hiệu quả của Việt Nam. Trong mỗi trường hợp cụ thể, Việt Nam lại có cách phản ứng thích hợp, trong đó có cân nhắc đến tình hình chung. Điều này khiến tình hình Biển Đông dù có những lúc căng thẳng nhưng luôn được hạ nhiệt kịp thời.

Các chuyên gia quốc tế tham gia hội thảo cũng nhận định rằng, Trung Quốc có thể tiếp tục ngang ngược thực hiện những hành vi sai trái ở Biển Đông do nước này ỷ vào tương quan lực lượng, sức mạnh quá chênh lệch giữa Trung Quốc và các quốc gia liên quan trong khu vực. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam, cần tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc bằng vũ lực.

Thay vì thế, ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), cùng ông Bill Hayton, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh, có chung quan điểm rằng, nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, Việt Nam có thể tính đến việc khởi kiện Trung Quốc hoặc ít nhất là đe dọa khởi kiện Trung Quốc.

Ông Bill Hayton khuyến nghị, nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành vi gây bất ổn ở Biển Đông như việc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì Việt Nam có thể tính đến các biện pháp pháp lý. Ông Bill Hayton khẳng định, trong trường hợp này, lẽ phải thuộc về Việt Nam và Việt Nam nắm chắc cơ hội chiến thắng.

Một “kênh” khác để đấu tranh với Trung Quốc được các chuyên gia quốc tế chỉ ra, đồng thời ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc thắt chặt tình đoàn kết trong ASEAN để đối phó với những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông trong bối cảnh một số nước trong hiệp hội đang chịu áp lực không nhỏ từ Trung Quốc và có quan điểm còn khác biệt về cách thức hành xử với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. 

Giới học giả quốc tế khuyến nghị, Việt Nam nên tiếp tục phối hợp với các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Họ cho rằng, năm 2020 là thời điểm thích hợp để đẩy nhanh tiến độ đàm phán bộ quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý này bởi khi đó Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN nên tiếng nói có trọng lượng trong Hiệp hội.