Vì sao Mỹ luôn ngỏ cánh cửa đàm phán với Triều Tiên?

ANTD.VN - Khá bất ngờ khi Mỹ vẫn tuyên bố luôn sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng lại cho rằng đàm phán với Washington lúc này là “đang dần tiêu tan” và “xa vời”.

Vì sao Mỹ luôn ngỏ cánh cửa đàm phán với Triều Tiên? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho dù nước này liên tục thử tên lửa thời gian qua

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31-8 tuyên bố, Mỹ sẵn sàng đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa với Triều Tiên “ngay khi nhận được phản hồi từ những người đồng cấp phía Triều Tiên”. Điều đáng nói là tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cảnh báo rằng, những kỳ vọng đàm phán với Washington “đang dần tiêu tan”, đồng thời đe dọa rút lại các biện pháp phi hạt nhân hóa.

Dù cảnh báo của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên được cho để đáp trả phản đối phát biểu ngày 31-8 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích cách hành xử “đùa cợt” của Bình Nhưỡng, song cũng khiến khả năng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai nước trở nên khó khăn hơn. Bà Choe Son-hui cho rằng, ông Mike Pompeo đã đưa ra những bình luận “thiếu suy nghĩ” và Bình Nhưỡng có thể “xem xét lại toàn bộ các biện pháp đã thực hiện”, được cho là lời cảnh báo có thể rút lại các biện pháp phi hạt nhân hóa. 

Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ từ tháng 2 năm nay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên do còn nhiều bất đồng về các biện pháp trừng phạt và tiến trình phi hạt nhân hóa. Bất chấp việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận “nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên trong vòng vài tuần” tại cuộc gặp lịch sử lần đầu tiên diễn ra ở Khu phi quân sự nằm ở khu vực biên giới liên Triều vào ngày 30-6 vừa qua, tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chưa có cuộc đàm phán nào diễn ra.

Không những không đạt được thêm tiến triển nào trong việc thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên vào tháng 6-2018, tình hình bán đảo Triều Tiên còn gia tăng căng thẳng trở lại bằng các vụ phóng thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên. Trong đó chỉ trong 1 tháng qua, Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 7 vụ phóng thử các vật thể bay mà phương Tây cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn. 

Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên không phải chỉ nằm ở những động thái gia tăng lo ngại và căng thẳng trên đây của Triều Tiên mà thái độ “hòa dịu” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người thường có những phản ứng rất cứng rắn trước bất kỳ những điều mà ông cho là “đe dọa” Mỹ của bất kỳ ai và ở bất kỳ đâu trên thế giới, cho dù đó có là những cường quốc hàng đầu hay đồng minh thân cận lâu nay của Washington.

Trái lại với sự lo ngại cũng như muốn chứng tỏ sự cứng rắn với Triều Tiên của các đồng minh ở Đông Bắc Á, ông chủ Nhà Trắng lại tỏ ra “mềm dẻo”, “kiên nhẫn” đến khó tin với Bình Nhưỡng. Tổng thống Donald Trump thậm chí không ngại công khai tỏ ra bất đồng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 cuối tháng 8 vừa qua để “một mực” bày tỏ tin tưởng rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ “làm điều đúng đắn”.

Nhìn vào quan điểm “khác thường” của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên, giới phân tích cho rằng rõ ràng ông chủ Nhà Trắng đang đặt cược rất lớn vào việc hiện thực hóa cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Bởi nhìn rộng, thành tích đối ngoại của ông Donald Trump khá nghèo nàn kể từ khi cầm quyền tới nay, từ quan hệ với đồng minh, các nước lớn cho tới các vấn đề toàn cầu rất “nóng”. 

Do đó, nếu không “theo lao” tới cùng trong thỏa thuận phi hạt nhân hóa Triều Tiên, ông Donald Trump sẽ “khó ăn khó nói” với cử tri khi tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai đã cận kề. Cánh cửa đối thoại với Triều Tiên luôn được Washington để ngỏ lúc này là vì vậy.