Vì sao bộ ba nhà lãnh đạo Mỹ Latinh thờ ơ với dịch Covid-19?

ANTD.VN - Khi các nhà lãnh đạo toàn cầu chạy đua để ngăn chặn mối đe dọa tàn khốc của đại dịch Covid-19 thì 3 vị Tổng thống của Brazil, Mexico và Nicaragua lại hạ thấp nguy cơ bùng phát dịch. Tại sao họ đi ngược xu thế toàn cầu và dân chúng các nước này cảm thấy thế nào trước nguy cơ bệnh dịch nguy hiểm?

Tổng thống Mexico và những thông điệp trái khoáy

Hôm 4-3, Tổng thống Mexico Obrador đã bác bỏ mối đe dọa do Covid-19 gây ra. 10 ngày sau, ông đăng một đoạn video cho thấy ông được những người ủng hộ vây quanh, ôm họ và hôn một đứa trẻ. 2 ngày sau đó, ông giơ 2 chiếc bùa hộ mệnh và nói với các phóng viên rằng, chúng sẽ bảo vệ ông tránh khỏi virus Corona mới. Chưa hết, khi các ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Mexico gần đây, Tổng thống nước này đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn, khuyến khích mọi người ở nhà. Ông cho biết chính phủ sẽ nỗ lực để giúp những người dân dễ bị tổn thương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và cấm các cuộc tụ họp từ 100 người trở lên.

Tuy nhiên chủ nhật tuần trước, ông Obrado đã đăng một video khuyến khích mọi người tiếp tục đi ăn, kêu gọi người Mexico hạn chế mọi thiệt hại cho nền kinh tế. Trong đoạn video, ông tuyên bố: “Chúng ta không thể làm tốt nếu kinh tế tê liệt. Hãy tiếp tục sống cuộc sống bình thường”. Và kết quả là nhiều người vẫn tận hưởng một ngày đầy nắng gió tại bãi biển ở Cancun (Mexico) vào cuối tuần qua bất chấp đại dịch Covid-19.

Hai bác sĩ đang ở tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch tại Mexico City cảnh báo rằng một thảm họa có thể đang chờ xảy ra. “Tôi không nghĩ Mexico đã chuẩn bị cho việc này. Chúng tôi không xét nghiệm đủ vì không có đủ bộ xét nghiệm. Chúng tôi cũng không có đủ giường, không đủ máy thở, thậm chí không đủ khẩu trang để ứng phó với bệnh dịch này” - một bác sỹ nói. Một bác sĩ khác tại bệnh viện tư nhân hàng đầu ở Mexico City chia sẻ, ông sợ các bệnh viện sẽ sớm phải hoạt động hết công suất. “Nếu số ca bệnh tăng theo cấp số nhân, các bệnh viện ở Mexico sẽ sụp đổ trong vài ngày” - ông khẳng định.

 “Sự kiêu ngạo của ông Obrado khi đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu là vô trách nhiệm...” - nhà báo Luis Cárdenas đã viết trên tờ El Universal. Tuần vừa rồi, tạp chí Mother Jones của Mỹ gọi ông Obrado là vị Tổng thống vô trách nhiệm nhất của Mỹ Latinh và đánh giá ông có phản ứng yếu kém so với các chính phủ khác như Colombia hay El Salvador. Các nhà phân tích cho rằng, vị Tổng thống mới nhậm chức năm 2018 với cam kết ủng hộ người nghèo đang lo ngại nếu thực hiện các biện pháp quyết liệt quá sớm có thể gây hỗn loạn kinh tế, làm hỏng vị thế chính trị của mình. 

Thủ đô Mexico City đã buộc tất cả các quán bar, câu lạc bộ đêm và rạp chiếu phim phải đóng cửa và cấm tụ tập từ 50 người trở lên từ ngày 23-2. Trước đó 1 tuần, nhà hàng Meroma nổi tiếng cao cấp ở Mexico City đã đóng cửa. “Chúng tôi đã quyết định đóng cửa, đi trước chính quyền một bước. Đó là một quyết định rất khó khăn nhưng chúng tôi muốn tất cả các bạn được an toàn”, biển hiệu treo ở cửa nhà hàng này thông báo. Trên khắp đất nước, các trường học đã chọn đóng cửa và nhiều doanh nghiệp lớn cho phép nhân viên làm việc tại nhà, mặc dù liên bang chưa có chỉ thị bắt buộc.

 “Sự kiêu ngạo của ông Obrado khi đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu là vô trách nhiệm...” - nhà báo Luis Cárdenas đã viết trên tờ El Universal. Tuần vừa rồi, tạp chí Mother Jones của Mỹ gọi ông Obrado là vị Tổng thống vô trách nhiệm nhất của Mỹ Latinh và đánh giá ông có phản ứng yếu kém so với các chính phủ khác như Colombia hay El Salvador. Các nhà phân tích cho rằng, vị Tổng thống mới nhậm chức năm 2018 với cam kết ủng hộ người nghèo đang lo ngại nếu thực hiện các biện pháp quyết liệt quá sớm có thể gây hỗn loạn kinh tế, làm hỏng vị thế chính trị của mình.

“Hóa ra đây là vấn đề cạnh tranh chứ không phải là sức khỏe cộng đồng” - Giáo sư Aldo Muñoz Armenta tại Đại học tự trị Mexico nói. Còn nhớ, người tiền nhiệm của Tổng thống Obrado là ông Felipe Calderón hồi năm 2009 đã phong tỏa thành phố Mexico trong 5 ngày để chống lại sự bùng phát của virus cúm và chính ông Obrado chỉ trích rằng hành động này là thái quá. Bởi vậy, có thể Tổng thống đương nhiệm không muốn lặp lại tình thế đó, mặc dù nó được các quan chức y tế quốc tế ngợi khen.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro (ảnh trên) và Tổng thống Mexico Andres Manuél Lopez Obrador vẫn “nêu gương xấu” về phòng chống đại dịch Covid-19 

Dân chúng Brazil phát hoảng vì Tổng thống ung dung

Khi Thư ký báo chí của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro được xác nhận dương tính với Covid-19 hôm 12-3, một số người hy vọng Tổng thống sẽ nhận thấy tình hình nghiêm trọng chứ không phải là “lo lắng thái quá” như ông từng nói. Tuy nhiên, ông Jair Bolsonaro trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 22-3 vẫn gọi đó là “một chút cúm”. Rằng mọi người đã bị một số quan chức cùng phương tiện truyền thông “lừa dối, đe dọa” khi nói về dịch Covid-19. 

Ông Bolsonaro đã phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng vì thái độ ung dung đối với Covid-19, mặc dù nó đã lây nhiễm cho hơn 500.000 người trên toàn thế giới và cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Trong bài phát biểu tối 24-3, ông kêu gọi các bang đang áp dụng lệnh phong tỏa sớm trở lại cuộc sống bình thường. Ông còn khẳng định rằng, tình hình khủng khiếp ở Ý sẽ không diễn ra ở Brazil vì quốc gia Mỹ Latinh có dân số trẻ hơn và khí hậu ấm hơn. “Tất cả mọi người, kể cả bản thân tôi không có gì phải sợ cả. Trong trường hợp cụ thể của tôi, với lịch sử là một vận động viên, nếu bị nhiễm virus thì tôi sẽ không có lý do gì để lo lắng. Đó chỉ là một chút bệnh cúm mà thôi” - ông Bolsonaro nói.

Bộ Y tế Brazil cho biết số người chết vì Covid-19 ở nước này đã tăng lên 77 ca  trong tổng số 2.915 trường hợp đã được xác nhận. Đây là con số nhiễm virus cao nhất ở châu Mỹ Latinh. Trong bối cảnh chính quyền liên bang vẫn hành động hạn chế thì các chính quyền địa phương đã bắt đầu thực hiện những bước phòng ngừa với hy vọng tránh được sự sụp đổ tiềm tàng. Sân vận động bóng đá và trung tâm hội nghị đang được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến. Các bang trên khắp Brazil đã đóng cửa các trung tâm mua sắm, trường học và cấm các cuộc tụ họp công cộng. Nhiều người Brazil thực sự không tin tưởng vào những lời trấn an của ông Bolsonaro. Ở các thành phố trên cả nước, cứ vào khoảng 20h30, cư dân lại tập trung bên cửa sổ và ban công của họ lấy nồi và chảo ra đập để thể hiện sự bất bình với chính quyền của Tổng thống đương nhiệm.

Kim Kataguiri, một nghị sĩ từng ủng hộ ông Bolsonaro trước cuộc bầu cử năm 2018 nay nhận xét rằng, vị Tổng thống của những phát ngôn thất thường và vô trách nhiệm đang khiến người Brazil gặp nguy hiểm. “Nói một cách rõ ràng, ông ấy chủ yếu quan tâm đến việc tái tranh cử và không thực sự chú tâm đến cuộc chiến chống dịch. Chúng tôi cảm thấy lo lắng vì đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất thế kỷ này. Có lẽ Brazil sẽ trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ và đã đến lúc chúng tôi cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, nhạy cảm với tình hình hiện nay”.

Tổng thống Nicaragua “mất tích” nhiều tuần liền

Là một trong những quốc gia nghèo nhất ở Tây bán cầu, Nicaragua đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn hầu hết các quốc gia nếu phải chống lại một đợt bùng phát dịch trong nội địa. Tới nay, họ mới chỉ có 2 ca nhiễm Covid-19 nhưng nỗi sợ hãi đang gia tăng khi nhiều công dân bày tỏ sự bất bình với phản ứng của chính phủ do Tổng thống Daniel Ortega dẫn đầu, người đã nhiều tuần nay không xuất hiện trước công chúng.

Bryan, 27 tuổi, sống với người mẹ 52 tuổi của mình nói rằng, họ đã hạn chế đi lại kể từ khi nước láng giềng Costa Rica thông báo có ca nhiễm đầu tiên. Nhưng chính phủ mặc nhiên như không có gì thay đổi cả. Phó Tổng thống Nicaragua cũng là Đệ nhất phu nhân Rosario Murillo đã khuyên người dân tìm tới tôn giáo trong thời điểm khó khăn này. “Chúng ta có thể tiến bước một cách bình tĩnh, có trách nhiệm. Trên hết là tin vào Chúa sẽ bảo vệ và cứu chúng ta” - hãng tin nhà nước Digital 19 trích lời bà Mirillo.

Chính phủ liên bang Nicaragoa tới nay đã giám sát khách du lịch từ các quốc gia có nhiều người nhiễm, đồng thời phát động một chiến dịch vệ sinh công cộng, cử viên chức tới các gia đình để chỉ dẫn về rửa tay đúng cách. Chị Judith, 36 tuổi kể rằng mình đã giả vờ không có nhà để không tiếp người của Nhà nước. “Họ không đeo khẩu trang, họ có thể là những kẻ phát tán virus”. Một bác sĩ ở thành phố Jinotepe, yêu cầu giấu tên vì sợ mất việc, cho biết hệ thống y tế công cộng của Nicaragua không được trang bị để đối phó với dịch bệnh. “Nicaragua có một hệ thống y tế dễ bị tổn thương và dịch Covid-19 có thể tạo ra thảm họa khi y tế của chúng tôi sẽ sụp đổ. Thật vô trách nhiệm khi Nhà nước không có biện pháp thực sự chống lại đại dịch này” - vị bác sĩ nói.