Venezuela: "Cõng rắn cắn gà nhà", thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido thất bại ê chề

ANTD.VN - Sau khi xuất hiện thêm "tổng thống lâm thời” J. Guaido, Venezuelaluôn rơi vào trạng thái bất ổn. Vào ngày 30-4-2019, cuộc đảo chính quân sự quy mô nhỏ do J. Guaido khởi xướng nổ ra tại căn cứ không quân tại Caracas (Venezuela) nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống N. Maduro, tuy nhiên, cuộc đảo chính đã thất bại hoàn toàn.

Thời điểm đảo chính "chưa chín muồi"

Trong một cuộc phỏng vấn với The Washington Post, thủ lĩnh phe đối lập J. Guaido đã thừa nhận những nỗ lực trong cuộc đảo chính tại một căn cứ quân sự ở Caracas nhằm lật đổ Tổng thống N. Maduro đã thất bại do thiếu sự hỗ trợ từ quân đội Venezuela và không loại trừ khả năng ông sẽ đồng ý với đề nghị của Mỹ về việc bắt đầu một cuộc can thiệp quân sự nước ngoài vào Venezuela, nếu Washington đề xướng.

Theo đó, cuộc đảo chính được lãnh đạo bởi thủ lĩnh phe đối lập J. Guaido, cùng vài chục binh sỹ được vũ trang và một số xe bọc thép. Sự kiện này đã khiến 71 người bị thương và đã bị quân đội của Tổng thống N. Maduro vô hiệu hóa hoàn toàn.

Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido kêu gọi người biểu tình tiếp tục ra đường vào ngày 30-4-2019 (Nguồn: TASS)

Trước đó, Hãng thông tấn Sputnik của Nga tiết lộ rằng, ông J. Guaido từng tuyên bố sẽ thực hiện "hành động chiến thuật" để lật đổ Maduro vào ngày 6-4, nhưng ông không công bố những hành động cụ thể mà phe đối lập sẽ thực hiện. Từ đó có thể thấy, cuộc đảo chính ngày 30-4 là bước đầu tiên của “hành động chiến thuật” lật đổ Tổng thống Maduro. Nhưng kết quả là, sự chuẩn bị của J. Guaido trong vài tháng qua đã kết thúc trong thất bại ê chề.

Lý do quan trọng cho sự thất bại của Guaido do không có được sự hỗ trợ đầy đủ:

Thứ nhất, là sự hỗ trợ vũ trang của Mỹ. Quy mô của cuộc đảo chính lần này không lớn, chỉ huy động được vài chục binh sỹ và một số xe bọc thép được tung ra. J. Guaido đã đăng video lên Twitter vào ngày 30-4, nói rằng mình đã nhận được sự hỗ trợ của một nhóm “binh sỹ dũng cảm”.  Từ quy mô của cuộc đảo chính và phát biểu của ông J. Guaido có thể thấy, Mỹ có thể không "nắm chắc" kế hoạch đảo chính này.

Thứ hai, J. Guaido vẫn chưa giành được sự ủng hộ thực sự của quân đội Venezuela. Khi J. Guaido tuyên bố là “tổng thống lâm thời” vào ngày 23-1-2019, Bộ Quốc phòng Venezuela đã tuyên bố rằng quân đội nước này không công nhận ông là tổng thống Venezuela. Sau cuộc đảo chính ngày 30-4-2019, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Padrino cũng khẳng định “phản đối một cuộc đảo chính”. Cũng trong ngày hôm đó, Tổng thống N. Maduro cho biết đã nói chuyện với tất cả các nhà lãnh đạo quân sự và họ đều bày tỏ sẽ “hoàn toàn trung thành” với ông.

Tổng thống tự phong J. Guaido kêu gọi cuộc xuống đường lớn nhất trong lịch sử để lật đổ đương kim Tổng thống N. Maduro. (Nguồn: Reuters)

Thiếu hỗ trợ vũ trang của Mỹ và sự ủng hộ của quân đội Venezuela, có thể nhận định thời cơ cho việc dựa vào một lực lượng vũ trang nhỏ để lật đổ Tổng thống Maduro của J. Guaido hoàn toàn “chưa chín muồi”.

Sau khi cuộc đảo chính bị dập tắt, ngày 1-5, Tổng thống Maduro đã có bài phát biểu tại thủ đô Caracas. Trong bài phát biểu, ông Maduro tuyên bố sẽ tổ chức một “ngày đối thoại” vào cuối tuần, kêu gọi những người ủng hộ đưa ra những khuyến nghị cho chính phủ để “sửa chữa” một số sai lầm mà chính phủ đã phạm phải, và ứng phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh tại thủ đô Caracas, Venezuela vào ngày 30-4-2019  (Nguồn: Reuters)

Là một nhà lãnh đạo của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền ở Venezuela trong 20 năm, Tổng thống Maduro cho biết, ông chủ trương sử dụng phương thức tiếp cận “đồng thuận và tôn trọng” để giải quyết bất đồng, nếu phe đối lập của J. Guaido muốn nắm quyền, thì điều phải nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ông nói: “Nếu chúng tôi và những người gây ra cuộc xung đột này đối đầu với nhau thì chuyện gì sẽ xảy ra? Sẽ có một cuộc nội chiến, thảm sát lớn ở Venezuela. Khi chúng ta chém giết lẫn nhau, những người ở Washington sẽ ăn mừng”.

Thái độ của Mỹ với chế độ ông Maduro

Thái độ của Mỹ đối với chế độ Maduro là nhất quán. Ngày 20-5-2018, cuộc tổng tuyển cử ở Venezuela đã kết thúc với việc Tổng thống đương nhiện Maduro tái đắc cử. Ngay từ khi bắt đầu cuộc bầu cử, chính phủ Mỹ đã tuyên bố cuộc bầu cử là gian lận và sẽ không công nhận kết quả.

Ngày 10-4-2019, Phó Tổng thống Mỹ M. Pence cũng nói trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc rằng, Tổng thống N. Maduro là một “nhà độc tài”, đã mang đến thảm kịch cho Venezuela và phải từ chức “ngay lập tức”.

Sau khi J. Guaido phát động đảo chính, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ M. Rubio và Cố vấn An ninh Quốc gia J. Bolton đã viết trên Twitter với danh nghĩa cá nhân bày tỏ “kiên quyết ủng hộ Guaido”. Ông J. Bolton còn kêu gọi lật đổ Tổng thống Maduro, lên án Cuba ủng hộ trực tiếp cho chính quyền Maduro. Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo cũng tuyên bố ủng hộ lãnh đạo đối lập Guaido, nhưng không đề cập đến sẽ có những biện pháp gì để hỗ trợ cuộc đảo chính.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ D. Trump viết, ông rất quan tâm đến tình hình ở Venezuela, Mỹ đứng về phía người dân Venezuela và quyền tự do của họ. Sau đó, ông Trump còn viết thêm 2 bài trên Twitter về Venezuela. Ông cảnh báo quân đội và dân quân Cuba ngừng can thiệp vào tình hình Venezuela, nếu không Mỹ sẽ áp đặt lệnh cấm vận toàn diện và mức cao nhất đối với nước này.

Cũng trong thời gian này, Tổng thống D. Trump đã cùng Tổng thống Pháp E. Macron và một số nhà lãnh đạo của các quốc gia khác tập trung nghiên cứu thảo luận về tình hình Venezuela và bày tỏ lo ngại về tình hình này.

Tạp chí Phố Wall ngày 2-5 đưa tin, theo các quan chức Mỹ và các nhân vật đối lập ở Venezuela, phe đối lập Venezuela đã “bí mật” đàm phán với một số thành viên chủ chốt của chính quyền ông Maduro trong những tháng gần đây, mục đích là buộc Tổng thống Maduro phải từ chức, sau đó thành lập một chính phủ liên minh tạm thời.

Theo một số nguồn tin, một số quan chức cấp cao của chính quyền Maduro đã tham gia cuộc đàn phán nói trên, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng, Chánh án Tòa án tối cao và người đứng đầu lực lượng bảo vệ Tổng thống kiêm phụ trách Tình báo quân sự.

Theo một đặc phái viên Mỹ và một người thân cận với lãnh đạo phe đối lập Venezuela J. Guaido, mục đích của cuộc tham vấn là để Maduro từ chức và khôi phục chế độ dân chủ của Venezuela. Đây là sự tiếp xúc đầu tiên giữa chính phủ và phe đối lập kể từ khi J. Guaido tuyên bố mình là “tổng thống lâm thời” vào cuối tháng 1-2019, nhưng nỗ lực này đã không thành công.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên truyền hình vào tối ngày 1-5, Tổng thống N. Maduro phủ nhận việc các thành viên trong chính phủ của ông từng đàm phán với người của phe đối lập, nói rằng đó là “tin giả” (fake news) của phương Tây. Khi đề cập đến các quan chức Mỹ, ông Maduro nói: “Họ đang tự vạch ra âm mưu của chính họ”, đồng thời cáo buộc chính phủ Mỹ có ý đồ chia rẽ nội bộ của Đảng Xã hội Venezuela (PSUV).

Phản ứng của các nước khác

Trong khi đó, các nước khác trên thế giới có phản ứng trái chiều với Mỹ, kêu gọi hai bên tìm kiếm giải pháp hòa bình, tránh leo thang căng thẳng.

Chủ tịch Cuba M. Diaz-Canel viết trên mạng xã hội Twitter, đáp trả đe dọa cấm vận trước đó của Mỹ, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ngừng leo thang tình hình tại Venezuela: "Chúng tôi cương quyết bác bỏ lời đe dọa phong tỏa hoàn toàn nhắm vào Cuba; không có chiến dịch quân sự hay quân đội nào ở Venezuela".

Nga cũng cảnh báo sự can thiệp của Mỹ tại Venezuela sẽ khiến tình hình thêm tồi tệ: "Vô số nhân tố chính trị ở Mỹ không nhìn thấy được sự nguy hại trong hướng mà họ đang thúc đẩy mọi chuyện. Nếu Mỹ tiếp tục ý định xen vào chuyện nội bộ của Venezuela, nó có thể khiến tình hình đổ sập" - Hãng tin TASS dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga M. Zakharova.

Tổng thống Bolivia E. Morales kêu gọi các chính phủ Mỹ Latinh "cùng lên án cuộc đảo chính tại Venezuela và ngăn chặn bạo lực làm dân thường thiệt mạng". Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng khuyến nghị giải pháp hòa bình cho vấn đề Venezuela, trong khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc A. Guterres hối thúc các bên kiềm chế bạo lực.