Từ tiểu thư nhà giàu trở thành “cô dâu IS”

ANTĐ - Cảnh sát Anh đang ráo riết điều tra vụ việc 3 nữ sinh nước này được cho là đã vượt biên gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), trong đó có sự tiếp tay của Aqsa Mahmood – một “cô dâu” IS sinh ra và lớn lên ở Scotland. Trong khi các gia đình đang sốt ruột trông ngóng tin con, một câu hỏi được đặt ra: Tại sao các tiểu thư con nhà giàu châu Âu lại muốn từ bỏ gia đình để tham gia tổ chức khủng bố khét tiếng bạo tàn này?

Từ tiểu thư nhà giàu trở thành “cô dâu IS” ảnh 1Aqsa Mahmood cùng đứa trẻ được cho là con của cô với một chiến binh IS

Bước ngoặt bất ngờ

Một ngày tháng 11-2013, như lệ thường, Aqsa Mahmood (19 tuổi) ôm từ biệt bố cô rồi rời khỏi ngôi nhà trong khu phố giàu có Glasgow, ở Scotland. 4 ngày sau đó, Mahmood gọi điện thoại cho bố mẹ sau khi đã vượt biên tới Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ. Cô thông báo với gia đình rằng đang trên đường gia nhập IS và rằng cô ra đi để theo đuổi mục đích thánh chiến rồi kết hôn cùng một tay súng của IS. Cũng từ đó, Mahmood xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. Mahmood tuyên truyền tư tưởng khủng bố của IS và kêu gọi các cuộc tấn công chống lại phương Tây cùng những lời mời gọi các cô gái trẻ gia nhập IS để được tận hưởng cuộc sống “sung túc”. 

Thậm chí Mahmood còn chỉ dẫn chi tiết cách thức đến Syria, gia nhập cái gọi là “gia đình IS”. Trên trang blog Tumblur, Mahmood đăng nhiều bài viết  tâng bốc IS cùng tư tưởng thánh chiến. Trong “Nhật ký của cô dâu thánh chiến”, Mahmood tự khẳng định, quan niệm chỉ có những người nghèo và bị xã hội ruồng bỏ mới tìm đến IS là không chính xác, bởi hầu hết những “nàng dâu IS” cô gặp đều tốt nghiệp đại học, có tương lai rộng mở, gia đình hạnh phúc, giàu có. 

Lớn lên trong một gia đình khá giả, gia đình Mahmood rời Pakistan tới Glasgow từ những năm 1970, cả bốn chị em Mahmood đều học tại trường nổi tiếng Craigholme. Như bao cô gái trẻ khác, Mahmood cũng nghe nhạc, đọc truyện Harry Potter. Ông Muzaffar từng tự hào đây là cô con gái tuyệt vời nhất nhưng thực sự ông không biết chuyện gì đã xảy ra với con. “Con bé rất ham học, rất thân thiện. Tôi chưa bao giờ mắng nó”, bố Mahmood nói. Cũng theo bố mẹ Mahmood, cô chưa từng có bất cứ niềm tin cực đoan nào. Nhưng khi cuộc nội chiến nổ ra tại Syria, Mahmood tỏ ra lo lắng hơn về bạo lực, xung đột, bắt đầu cầu nguyện và đọc kinh Kô-ran. Khi lên đại học, Mahmood không còn nghe nhạc và đọc truyện nữa nhưng vẫn ăn tối, xem phim với các chị em trong nhà. Gia đình cô cũng không hiểu lý do tại sao Mahmood lại “ôm mộng làm dâu” để đi theo IS. Gia đình Mahmood đều nghĩ rằng hành động của con gái là nỗi hổ thẹn cho cả gia đình và người Scotland. 

Nhắm vào sự bốc đồng của tuổi trẻ 

Mới đây, cái tên Aqsa Mahmood được nhắc tới nhiều hơn khi nhân vật này bị tình nghi dụ dỗ 3 nữ thiếu niên Anh, gồm Shamima Begum, 15 tuổi, Kadiza Sultana, 16 tuổi và Amira Abase, 15 tuổi, tới Syria để gia nhập tổ chức khủng bố IS. Cả ba đều là những cô gái lớn lên từ các gia đình giàu có, được cho là đã bay đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 17-2 và trước đó có nhắn tin liên lạc với Aqsa Mahmood qua Twitter.

Cho đến nay, mặc dù chưa rõ điều gì khiến Aqsa Mahmood bị IS làm cho mê muội nhưng các nhà điều tra Anh cho biết, cô dâu trẻ của IS này từng nghe các bài giảng và gặp gỡ trên mạng những người đã thuyết phục cô tham gia IS. Người đứng đầu bộ phận chống khủng bố của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), ông Michael Steinbach cho biết, IS tuyển mộ nhiều phụ nữ nhất trong số các tổ chức khủng bố trên thế giới hiện nay. Chúng luôn vẽ ra bức tranh sai sự thật về cuộc sống tại Syria để lừa phỉnh và chiêu nạp phụ nữ trẻ. Cùng với đó, IS cũng đang nhắm mục tiêu vào những thanh thiếu niên với sự bốc đồng của tuổi trẻ. FBI cho biết, nhiều trẻ em mới 15 tuổi đã bị IS dụ dỗ. 

Chuyên gia Steinbach cũng lo lắng về việc những người có ý định gia nhập IS giờ muốn sang Syria quá dễ dàng hay việc theo dõi những người Mỹ mượn cớ du lịch nước ngoài để gia nhập IS chưa chặt chẽ. “Một khi bạn đến được châu Âu, bạn có thể dễ dàng tới Thổ Nhĩ Kỳ và vượt biên sang Syria”, ông Steinbach cho biết. 

Hiện vẫn chưa có thông tin về việc Mahmood sẽ hối cải để trở về với gia đình cũng như khi trở về, cô có bị cáo buộc hình sự hay không. Tuy nhiên, trong một bài viết hồi tháng 5-2014, Mahmood mới thấm nỗi nhớ mẹ và cảm thấy hối lỗi: “Tôi viết thư này vì rất nhớ mẹ. Tôi nhận ra những điều ý nghĩa khi ở cạnh mẹ. Tôi đã đánh mất bà và những điều thiêng liêng như vậy sẽ không thể trở lại được nữa”. Trong nỗi buồn và nhớ thương người thân, Mahmood tâm sự: “Trong khi các bạn vẫn có thể trông thấy nụ cười của mẹ, dựa đầu vào vai mẹ, gọi tên mẹ mỗi khi đau ốm, tôi thì không thể làm như vậy nữa".