Trung Quốc tiếp tục chi viện 1.200 y bác sĩ tới tâm dịch Vũ Hán

ANTD.VN - Trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc khuyến cáo hạn chế các hoạt động tụ tập đông người nhằm ngăn chặn dịch bệnh do virus Covid-19 lây lan, nhiều khả năng kỳ họp Quốc hội dự kiến diễn ra vào đầu tháng 3 tới sẽ bị hoãn. Cùng với đó, trong nỗ lực khoanh vùng khống chế dịch bệnh, Chính phủ nước này tiếp tục chi viện đợt 2 với 1.200 nhân viên y tế tới tâm dịch Vũ Hán. 

Nhân viên y tế tại ở Vũ Hán phải “hy sinh” mái tóc đầy nữ tính để có thể mặc những bộ trang phục bảo hộ y tế trong thời gian dài chăm sóc bệnh nhân

Quốc hội và Chính hiệp đều có thể bị hoãn

Tân Hoa xã ngày 17-2 cho biết, nhiều khả năng kỳ họp Lưỡng hội hàng năm của Trung Quốc, bao gồm Chính hiệp và Quốc hội dự kiến diễn ra vào đầu tháng 3 tới sẽ trì hoãn do tình hình dịch bệnh Covid-19, trong bối cảnh chính quyền nước này nhiều lần khuyến cáo hạn chế hoạt động tập trung đông người nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Theo Tân Hoa xã, Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc sẽ nhóm họp vào ngày 24-2 để thảo luận về đề xuất hoãn kỳ họp quốc hội thường niên, thường diễn ra vào đầu tháng 3. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc gồm khoảng 3.000 đại biểu, thường nhóm họp trong ít nhất 10 ngày tại Bắc Kinh, bắt đầu từ ngày 5-3 để thông qua luật và công bố các mục tiêu kinh tế quan trọng trong năm. 

Cùng với đó,  kỳ họp thường niên của Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc thường diễn ra từ ngày 3-3 và kéo dài trong khoảng 10 ngày, cũng có thể bị hoãn. “Nguy cơ sức khỏe từ việc triệu tập các phiên họp hàng năm vào đầu tháng tới là quá cao khi dịch bệnh do virus Covid-19 vẫn chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả. Nguy cơ lây nhiễm chéo sẽ rất cao, đối với các đại biểu cũng như nhân viên chịu trách nhiệm điều hành các cuộc họp”, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin liên quan cho biết.

Chuyển đổi một khu công nghiệp thành một nhà máy sản xuất khẩu trang

Số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 vẫn tập trung chủ yếu tại tâm dịch tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc với việc ghi nhận thêm 100 ca tử vong và 1.933 ca nhiễm mới, nâng tổng số người chết và trường hợp nhiễm bệnh tại tỉnh Hồ Bắc lên lần lượt là 1.696 và 58.182, theo số liệu được Ủy ban Y tế tỉnh này công bố ngày 17-2.

Ngày 17-2, đợt chi viện thứ 2 gồm 1.200 y, bác sỹ quân y đã đến thành phố tâm dịch Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, để hỗ trợ dập dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 gây ra. Lực lượng nhân viên y tế tăng cường này được giao nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm nCoV ở một cơ sở của Bệnh viện Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của tỉnh Hồ Bắc ở Vũ Hán và sẽ bắt đầu làm việc ngay sau khi cơ sở này được hoàn thiện.

Trước đó, ngày 13-2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho phép điều động tăng cường 2.600 y, bác sỹ quân y chi viện cho thành phố Vũ Hán. Các y, bác sỹ tăng cường được rút từ các đơn vị lục quân, hải quân, không quân, tên lửa, lực lượng chi viện chiến lược, lực lượng hỗ trợ hậu cần chung và cảnh sát vũ trang.

Đợt chi viện đầu tiên vào ngày 13-2 đã có 1.400 y, bác sỹ đến Vũ Hán để bổ sung cho Bệnh viện Đồng Tế Thái Khang. Tính đến nay, quân đội Trung Quốc đã điều động 3 đợt với hơn 4.000 y, bác sỹ chi viện cho Vũ Hán để đối phó với dịch bệnh Covid-19. 

Trong khi đó, chính quyền Thủ đô Bắc Kinh có kế hoạch chuyển đổi một khu công nghiệp thành một nhà máy sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu khẩu trang tăng đột biến do dịch Covid-19. Nhà máy sản xuất khẩu trang mới sẽ được gấp rút xây dựng trong 6 ngày, từ ngày 17-2 tới 22-2, với công suất ước tính 250.000 chiếc/ngày.

Thêm 99 ca nhiễm virus Covid-19 trên du thuyền Diamond Princess

Tại thời điểm hiện tại, nơi có nhiều ca nhiễm virus Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục nhất được ghi nhận chính là du thuyền Diamond Princess, hiện đang bị cách ly ở ngoài khơi cảng Yokohama, Nhật Bản với 356 ca nhiễm bệnh. Kể từ khi bị phong tỏa, cách ly ngoài khơi từ ngày 3-2 đến nay, số ca nhiễm virus Covid-19 trên chiếc du thuyền có sức chứa 3.700 người này liên tục tăng lên. Truyền hình Nhật Bản ngày 17-2 cho biết thêm 99 người trên du thuyền này đã được xác nhận dương tính với virus Covid-19, như vậy, tổng số người nhiễm virus trên du thuyền lên tới 454 người . 

Một số chính quyền quốc gia và vùng lãnh thổ đang lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Diamond Princess, trong đó có Mỹ.  Sáng 17-2, hai chiếc máy bay do Chính phủ Mỹ thuê chở theo hàng trăm công dân nước này ở du thuyền đã rời sân bay Haneda ở Thủ đô Tokyo về nước. Những du khách này đã được kiểm tra y tế để đảm bảo không nhiễm virus Covid-19 trước khi rời cảng Yokohama vào khoảng  trên 10 chiếc xe buýt của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF). Họ sẽ được chuyển đến căn cứ không quân Travis ở bang California hoặc căn cứ Joint Base San Antonio-Lackland ở bang Texas và được cách ly tại đó.

Campuchia bác tin Thủ tướng Hun Sen bị nhiễm virus Covid-19

Bộ Y tế Campuchia ngày 17-2 cho biết, những thông tin trên mạng xã hội nói rằng Thủ tướng Hun Sen bị nhiễm virus Covid-19 sau khi tiếp xúc với hành khách trên du thuyền Mỹ là thông tin không chính xác. 

Theo đó, trên mạng xã hội tại nước này lan truyền thông tin Thủ tướng Hun Sen bị nhiễm virus Covid-19 sau khi ông ra tận cảng bắt tay, tặng hoa chào đón du khách trên du thuyền MS Westerdam của Mỹ cập cảng Sihanoukville hôm 13-2. “Người dùng tài khoản Facebook có tên Neang Sokhun đăng tải thông tin nói rằng, ông Hun Sen bị nhiễm virus sau khi chào hỏi cụ bà Mỹ được xác nhận dương tính với virus Covid-19 theo xác nhận của Malaysia. Đây là tin giả, chúng tôi đã yêu cầu cảnh sát tư pháp có hành động pháp lý với người  này” - người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho biết trong cuộc họp báo hôm 17-2. 

Du thuyền MS Westerdam chở 1.200 hành khách và nhân viên đã bị một số nước và vùng lãnh thổ từ chối nhập cảnh vì lo ngại có người trên đó nhiễm virus Covid-19. Tuy nhiên, chính quyền Campuchia quyết định cho phép chiếc tàu cập cảng ngày 13-2 vì lý do nhân đạo.