Trung Quốc: Giúp người sợ vạ đến thân?!

ANTĐ - Nếu đang đi trên đường, thấy một người gặp nạn, bạn giúp đỡ hay không? Câu hỏi thường xuất hiện ở các bài giảng về giáo dục đạo đức và lối sống trong sách truyện mẫu giáo tiểu học, hiện nay lại trở thành tiêu điểm thu hút nhiều ý kiến trái chiều tại Trung Quốc.

Tiểu Hóa, 9 tuổi, mếu máo kể lại trường hợp đỡ bà cụ nhưng lại bị bắt vạ

Làm ơn mắc oán

Tháng 11-2013, trên trang People.com Trung Quốc đăng tải vụ việc một phụ nữ 65 tuổi đòi tiền bồi thường từ gia đình một cậu bé vì cho rằng cậu bé này đã lao về phía bà và khiến bà ngã gẫy xương đùi. Gia đình cậu bé lại cho rằng, cậu bé và 2 người bạn vì đỡ bà cụ ngã mà đã bị bà này “tống tiền” vô cớ.  “Khi chúng cháu đang chơi thì nhìn thấy một cụ bà bị ngã cách đó không xa, bà cụ nhìn thấy chúng cháu đã gọi to, nhờ chúng cháu chạy ra đỡ dậy. Không ngờ khi vừa đỡ bà ngồi dậy, bà ấy đã nắm chặt tay cháu, rồi nói rằng chính chúng cháu lao vào bà” -  Tiểu Hóa, 9 tuổi, mếu máo kể lại. Một nhân chứng cho biết: “Vị trí bà lão ngã cách nhà tôi chưa đến 10m, chính mắt tôi nhìn thấy bà ấy tự ngã”. Tuy nhiên, bà lão vẫn nhất quyết nói bị đẩy ngã và cho biết “sẽ kiện đến cùng để đòi công lý”. Hiện sự việc đã qua nhiều tháng điều tra, nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Có lẽ nhờ “thấm nhuần bài học” từ nhiều trường hợp bị bắt vạ giữa đường nên ở Trung Quốc mới xảy ra một sự việc khá kỳ lạ. Tại tỉnh Triết Giang, một ông lão ngã ngay giữa đường đến 50-60 phút mà không ai dám đến gần đỡ hay hỏi han ông. Vào 7h ngày 10-11-2013, một cụ ông khoảng 80 tuổi ngã úp mặt xuống đường, có vẻ cụ đã cố gắng dùng tay để đứng dậy, nhưng chân không nhúc nhắc được, đành nằm sấp giữa đường. Đây là giờ cao điểm đi làm buổi sáng, trên đường rất nhiều người qua lại, có người nhìn thấy cụ ngã nhưng đi thẳng, cũng có không ít người dừng lại xem xét. Một người đàn ông trung niên cho biết, lúc đang đánh răng trong nhà nhìn ra đường thấy cụ ngã lần thứ nhất nhưng đã tự đứng lên được, không ngờ một lúc sau cụ lại ngã lần thứ hai. Đám đông nhốn nháo lúc lâu, mới có một phụ nữ tốt bụng họ Tôn dừng xuống đỡ ông lão. “Mọi người đều không dám đỡ, nhìn ông già nằm sóng soài như vậy, tôi rất lo lắng” - người phụ nữ nói. Sau khi biết trong đám đông chưa có ai gọi xe cấp cứu, bà Tôn đã gọi điện, rồi đứng lên ra hiệu cho các phương tiện đi vòng để tránh đâm vào ông cụ. Đám đông theo đó cũng xếp thành vòng tròn bảo vệ ông. Sau khi cụ được đưa lên xe cấp cứu, mọi người mới giải tán, nhưng đâu đó vẫn nghe rõ tiếng thở dài “Thật sự là không dám ra đỡ...”.

Mầm mống của thói vô cảm

Cuộc khảo sát được 3 trường đại học Trung Quốc kết hợp thực hiện, đề tài về trách nhiệm xã hội, trong đó tập trung vào câu hỏi “Có người bị ngã, nên đỡ hay không?”. Có 64,89% người được hỏi cho rằng nên đỡ, 8% người cho rằng không nên đỡ, và 26,9% người cho rằng tùy theo tình huống để xem xét. Trong câu hỏi “Nguyên nhân không đỡ”, 87,4% người trả lời do sợ tự chuốc rắc rối vào thân, 7,2% người quan niệm không phải chuyện của mình và 5,3% người cho rằng do không có kiến thức sơ cứu nên không hành động. 

Dù câu chuyện về bé Duyệt Duyệt ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, đã xảy ra cách đây 3 năm nhưng những tình tiết nhẫn tâm và vô cảm đến bàng hoàng vẫn khiến dư luận trong và ngoài Trung Quốc phẫn nộ mỗi lần nhắc tới. Tháng 10-2011, khi Duyệt Duyệt lò dò đi bộ vào một con hẻm nhỏ cách nhà khoảng 100m, ở quận Nam Hải (thành phố Phật Sơn), một chiếc xe bảy chỗ đã đâm phải cô bé, nhưng chiếc xe không dừng lại mà cả 2 bánh đã lần lượt chèn lên đùi Duyệt Duyệt. Ít phút sau, một chiếc ô tô chở hàng loại nhỏ tiếp tục cán qua người bé. Cô bé đáng thương nằm trong vũng máu khoảng 7-8 phút sau tai nạn, trong khi 18 người đi lại trên đường không một ai tới gần giúp đỡ. 

Ngay trong ngày xảy ra vụ tai nạn, lái xe thứ hai đã bị bắt giữ, vài ngày sau lái xe thứ nhất mới tự ra đầu thú. Lái xe thứ 1 tên Hồ Quân, 24 tuổi, cho biết lúc đó chỉ nghĩ là xe đã cán phải một vật gì đó, không biết rằng là một đứa bé. Tuy nhiên, một số nguồn tin báo chí Trung Quốc cho biết, tại cơ quan cảnh sát, Hồ Quân có nói một câu: “Nếu cô bé chết, có thể tôi chỉ phải bỏ ra 20.000 NDT, nhưng nếu cô bé bị thương, tôi sẽ phải bồi thường đến hàng trăm nghìn tệ”. 

Cách cứu người có “một không hai”

Trợ giúp người bị nạn trên đường là nghĩa vụ đạo đức và pháp lý khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, rất nhiều lái xe đã gặp phải tình cảnh “làm ơn mắc oán”, khiến họ mất oan tiền bạc và thời gian. Bởi vậy, tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc mới xuất hiện cách giúp đỡ người có “một không hai”, đó là chụp ảnh trước khi cứu.

Khoảng 11h trưa 11-2-2014, một thanh niên va chạm với một cô gái trên đường, khi chuẩn bị xuống xe đỡ nạn nhân thì thấy cô gái kêu “đau đầu”, kẻ này bỏ lại cô gái với chiếc xe đổ rồi phóng xe chạy mất. Một người đàn ông khoảng 60 tuổi đi ô tô ngang qua nhìn thấy đã giúp nạn nhân. Tiểu Thẩm – một nhân chứng tại hiện trường cho biết, “người đàn ông khoảng 60 tuổi đó bước ra giữa đường, lấy di động, đứng đối diện với cô gái rồi chụp ảnh”. Khi Tiểu Thẩm đến gần 2 người thì thấy nạn nhân vẫn kêu đau đầu, trên chiếc mũ bảo hiểm có một vết nứt lớn. “Người đàn ông ấy đúng là dũng cảm” – Tiểu Thẩm thán phục cho biết và đã ghi lại quá trình ông này giúp đỡ cô gái. Người đàn ông tốt bụng này tên Tiếu Quốc Hoa. “Lúc đó tôi cũng rất lo lắng, giúp đỡ người nhưng cũng phải biết tự bảo vệ bản thân” – ông Quốc Hoa chia sẻ. Mặc dù vậy, ông vẫn tin rằng trường hợp bắt vạ vu khống chỉ là con số nhỏ. Tin tức về hành động xử lý tình huống một cách sáng suốt của ông Tiếu Quốc Hoa đã nhanh chóng lan truyền và nhận được nhiều tán đồng của dư luận.