Trung Quốc "bạo chi" cho hiện thực hóa tham vọng phi lý đòi chủ quyền trên biển

ANTD.VN - Cho dù lần đầu tiên trong lịch sử không đặt ra mục tiêu tăng trưởng do kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong năm 2020 này vẫn tăng 6,6% so năm trước, mức tăng đủ để nước này theo đuổi các mục tiêu đầy tham vọng tăng cường sức mạnh quân sự, trong đó có việc làm hậu thuẫn cho thực hiện những yêu sách đòi chủ quyền trên biển.

Trung Quốc đã không tiếc tiền chi cho việc nâng cao sức mạnh hải quân nhằm thực hiện tham vọng chủ quyền trên biển

“Vung tay” chi cho quân sự bất chấp đại dịch

Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc trong kỳ họp bắt đầu ngày 22-5 đã có một động thái được xem là lần đầu tiên trong lịch sử, kể từ khi thành lập nước năm 1949 là không đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cụ thể trong năm 2020. Lý do, theo Thủ tướng Trung Quốc tại kỳ họp, là chủ yếu do đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) hiện đang hoành hành trên toàn cầu và những bất ổn lớn về kinh tế và thương mại. Trung Quốc đang đối mặt với những yếu tố khó lường trong sự phát triển.

Việc một quốc gia trong suốt hơn 30 năm qua luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao bậc nhất thế giới với khoảng trên dưới 10% mỗi năm và vẫn tăng trưởng tới 6,1% trong năm 2019 dù xảy ra cuộc chiến thương mại căng thẳng mới Mỹ, nhưng không đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2020 này cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng ra sao. Tuy nhiên, bất chấp khó khăn kinh tế chưa từng thấy trong lịch sử, Trung Quốc vẫn dành một ngân sách khá lớn cho quân sự.

Theo thông báo đưa ra tại phiên họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 22-5, quân đội Trung Quốc được phân bổ ngân sách 1.268 tỷ nhân dân tệ (khoảng 178,16 tỷ USD) trong năm 2020, tăng 6,6% so với năm ngoái. Mức tăng ngân sách này có giảm với mức tăng 7,5% của một năm trước đó, song vẫn là một mức tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn chưa từng thấy bởi đại dịch Covid-19 và bất ổn do chiến tranh thương mại với Mỹ.

Việc Trung Quốc vẫn tăng mạnh chi tiêu quân sự trong bối cảnh hiện nay thêm một lần nữa cho thấy, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới đang dành ưu tiên rất cao cho quân sự. Cùng với trỗi dậy nhanh chóng của sức mạnh kinh tế, Trung Quốc từ hàng chục năm nay đã mạnh tay chi tiêu quân sự với mục tiêu nâng sức mạnh quân sự của nước này lên tương xứng với sức mạnh kinh tế nhằm thực hiện tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Trung Quốc trong hàng chục năm qua luôn là một trong những cường quốc có mức chi tiêu quân sự nhiều bậc nhất thế giới với việc duy trì ngân sách quốc phòng ở mức hai con số, cao nhất vào năm 2011 là chiếm tới 12,7% tổng GDP. Những năm gần đây, khi tốc độ tăng trưởng GPD sụt giảm so với trước nhưng chi phí quân sự của Trung Quốc vẫn luôn được giữ ở mức trên 7% mỗi năm.

Ngay trước khi kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc  diễn ra, bất chấp đại dịch và khó khăn kinh tế, giới quân sự, chuyên gia và học giả “diều hâu” tại Trung Quốc đã liên tục thúc giục phải tăng mạnh ngân sách quốc phòng để đầu tư cho quân đội, gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Giới chức quân đội Trung Quốc lần này cũng như trước đây lặp lại quan điểm cho rằng, phải tăng cường ngân sách quốc phòng để “rút ngắn khoảng cách với Mỹ”, cường quốc quân sự số một thế giới hiện nay.

“Đốt tiền” cho tham vọng đòi chủ quyền trên biển

Với quy mô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có GDP năm 2019 lên tới 14.360 tỷ USD, số tiền chi tiêu quân sự hàng năm của Trung Quốc là rất lớn, chỉ đứng sau Mỹ. Trên thực tế, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), ngân sách quốc phòng thật sự của Trung Quốc lớn hơn con số được công bố khá nhiều, lên tới 261 tỷ USD trong năm 2019, thay vì con số 178 tỷ USD mà Bắc Kinh công bố.

Với khoảng tiền lớn được rót vào ngân quỹ hàng năm, Trung Quốc trong những năm qua đã cơ bản hiện đại hóa quân đội, phát triển nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại hàng đầu thế giới, từ vũ khí thông thường tới vũ khí hạt nhân. Trung Quốc dành rất nhiều tiền để phát triển các loại vũ khí tương lai như vũ khí tàng hình, laser, siêu thanh, trí tuệ nhân tạo (AI)…

Đặc biệt, Trung Quốc cũng dồn lực để phát triển một lực lượng hải quân hiện đại, hùng hậu. Nước này hiện là một trong số ít cường quốc thế giới có tàu sân bay, sau khi biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đi vào trực chiến và đang sắp có chiếc tàu sân bay thứ hai mang tên Sơn Đông hoàn toàn do Trung Quốc chế tạo. 

Đồng thời, việc bồi đắp, cải tạo phi pháp những bãi đá, thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép thành các đảo nổi nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự quy mô lớn trên đó cũng ngốn một khoản tiền lớn trong chi phí quân sự của Trung Quốc những năm qua. Việc Trung Quốc quyết định triển khai biên đội tàu sân bay Sơn Đông tại căn cứ hải quân Tam Á nằm trên đảo Hải Nam cũng cho thấy Biển Đông sẽ là địa bàn tác chiến của tàu sân bay hoàn toàn “Made in China” này.

Trung Quốc rõ ràng đang “không tiếc tiền” chi cho việc thực hiện tham vọng phi lý đòi chủ quyền trên biển, trong đó có hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” đòi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông.