Trỗi dậy phong trào "chống hủy diệt" môi trường khắp châu Âu

ANTD.VN - Phong trào “Extinction Rebellion” (Nổi dậy chống hủy diệt) diễn ra tại nước Anh đã thu hút sự quan tâm khắp thế giới cũng như tập hợp nỗ lực chung nhằm bảo vệ môi trường trên Trái đất.

Trỗi dậy phong trào "chống hủy diệt" môi trường khắp châu Âu ảnh 1Người tham gia biểu tình trong phong trào “Extinction Rebellion” chống lại biến đổi khí hậu để bảo vệ môi trường Trái đất tại Thủ đô London, Vương quốc Anh

Cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu của phong trào “Extinction Rebellion” (Nổi dậy chống hủy diệt) diễn ra tại Thủ đô London của nước Anh đã bước sang ngày thứ 4 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu thậm chí còn lên kế hoạch tấn công gây ách tắc tại Sân bay quốc tế Heathrow trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh bắt đầu từ ngày 19 đến ngày 21-4.

Phong trào “Extinction Rebellion” tiếp tục “nóng” cho dù Cảnh sát Anh đã áp dụng các biện pháp mạnh để không ảnh hưởng tới sân bay quốc tế đông đúc vào dịp cao điểm đi lại nhân kỳ nghỉ lễ Phục sinh như đã bắt giữ tổng cộng 460 người trong 4 ngày qua. Không những thế, hiện hàng nghìn người biểu tình còn “chiếm đóng” 4 địa danh vốn đông người qua lại tại Thủ đô London nhằm gửi đi thông điệp mạnh mẽ để cảnh báo về nguy cơ gia tăng khủng hoảng khí hậu và yêu cầu Chính phủ phải ra tay hành động. 

Trước đó, vào ngày đầu tuần 15-4, khi chặn các “yết hầu” giao thông của London, phong trào “Extinction Rebellion” đã yêu cầu Chính phủ 3 điểm: 

- Thứ nhất, phải nói sự thật về tầm vóc cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt; 

- Thứ hai, là Anh phải ban hành các chính sách có tính ràng buộc về mặt pháp lý để giảm lượng khí thải CO2 xuống mức 0% vào năm 2025; 

- Thứ ba, là thành lập Hội nghị Công dân để giám sát các thay đổi sẽ cần thiết để đạt được mục tiêu này.

Không chỉ ở nước Anh, phong trào biểu tình chống biến đổi khí hậu cũng đã trở thành một làn sóng mới tại nhiều quốc gia châu Âu khác nhằm bảo vệ môi trường sống Trái đất đang bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, tại Thủ đô Berlin của Đức, khoảng 100 nhà hoạt động môi trường đã tổ chức một cuộc biểu tình ngồi khiến giao thông tại một cây cầu trung tâm bị tê liệt trong 2 giờ đồng hồ. Khoảng vài chục người cũng chặn một trong những lối vào của Công ty Năng lượng Tây Ban Nha Repsol ở Madrid.

Phong trào biểu tình chống biến đổi khí hậu dâng cao ở châu Âu trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại hiện nay. Một loạt báo cáo công bố gần đây cho thấy những thách thức về khí hậu vẫn chưa được giải quyết khi lượng khí thải carbon dioxide (CO2) trên thế giới vấn đang tiếp tục tăng cao.

Trong báo cáo công bố cuối tháng 3 vừa qua, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, trong năm 2018, lượng khí thải CO2 đã tăng 1,7% so với năm 2017 lên 33 tỷ tấn, mức cao nhất trong 6 năm qua, trong đó khí thải từ hoạt động sản xuất điện năng chiếm gần 70%. Cụ thể, lượng khí thải CO2 của Mỹ tăng 3,1%, đảo ngược đà giảm trong năm 2017, trong khi mức tăng của Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 2,5% và 4,5%. 

Khí thải CO2 là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu gia tăng. Việc kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu đang là thách thức đối với nhiều nước trên thế giới nhằm tránh những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó có thể đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh đói nghèo hoặc phải trở thành tị nạn môi trường. Phong trào “Extinction Rebellion” vì thế phản ánh đòi hỏi bức thiết chung trên toàn thế giới hãy chung tay chống biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường sống Trái đất trước khi quá muộn.

"Biến đổi khí hậu hiện trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại hiện nay. Biến đổi khí hậu khiến nền kinh tế toàn cầu gánh chịu thiệt hại lên đến 21.000 tỷ USD vào năm 2050”.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres