Triều Tiên, Iran và Syria đồng loạt bỏ phiếu chống Hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí toàn cầu

ANTĐ - Ngày 02-4, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Hiệp ước buôn bán vũ khí toàn cầu đầu tiên nhằm quy định và kiểm soát buôn bán các loại vũ khí thông thường trên thế giới.

Nghị quyết, bao gồm cả nội dung văn bản của hiệp ước, đã được thông qua với 154 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 23 phiếu trắng, trong khi chỉ cần số phiếu quá bán là 97 phiếu thuận là nghị quyết đã được thông qua.

Ba nước bỏ phiếu chống là Iran, Syria và Bắc Triều Tiên. Trước đó, các nước này đã phản đối và chỉ trích dự thảo nghị quyết là “thiếu công bằng” và có lợi cho các nước xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới. Trong số những nước bỏ phiếu trắng có Nga và Trung Quốc. Mỹ, nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 40% giao dịch vũ khí thông thường toàn cầu, đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết.

Theo nghị quyết, hiệp ước này sẽ được ký kết vào ngày 03-7 năm nay và sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi được nước thứ 50 phê chuẩn.

Trong bài phát biểu trước khi bỏ phiếu, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Vuk Jeremic đã ca ngợi hiệp ước này là "đột phá" và "thiết thực".

Phiên bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Hiệp ước, ngày 02-4

Văn kiện này quy định việc kiểm soát các hoạt động buôn bán, trao đổi đối với tất cả các loại vũ khí thông thường, bao gồm không chỉ vũ khí hạng nhẹ, mà còn đối với vũ khí hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép, các hệ thống pháo cỡ nòng lớn, máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tàu chiến, tên lửa và bệ phóng tên lửa.

Hiệp ước này tạo nên yêu cầu bắt buộc các nước phải xem xét tất cả các hợp đồng buôn bán vũ khí, để đảm bảo rằng liệu số vũ khí đó có thể được sử dụng vào mục đích diệt chủng và phạm tội ác chiến tranh hay không, hoặc liệu chúng có rơi vào tay các phần tử khủng bố và tội phạm có tổ chức hay không.

Theo Văn phòng giải trừ quân bị Liên Hợp Quốc, hiệp định sẽ không quy định những vấn đề sau: can thiệp vào thương mại vũ khí trong nước, cấm xuất khẩu bất kỳ loại vũ khí nào, gây tổn hại đến quyền tự vệ hợp pháp hoặc làm suy yếu những quy định vũ khí quốc gia.

Trước khi bỏ phiếu, nhiều nhà quan sát đã bày tỏ hoài nghi đối với hiệp ước này. Họ cho rằng ngay cả khi được thông qua, chưa chắc đã có hiệu quả, vì những nước buôn bán vũ khí lớn, bao gồm Mỹ và Nga, không quan tâm đến việc giảm buôn bán vũ khí.