Triều Tiên cảnh báo "lạnh người" về tiến trình phi hạt nhân hóa

ANTD.VN - Trong khi tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có tiến triển thực chất, Bình Nhưỡng bất ngờ đưa ra lời cảnh báo được xem là “lạnh người” khi tuyên bố tiến trình này có thể bị “ngừng trệ vĩnh viễn”.

Triều Tiên cảnh báo việc Mỹ gia tăng trừng phạt và gây sức ép có thể làm ngừng trệ vĩnh viễn tiến trình phi hạt nhân hóa mở ra từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 16-12, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã chỉ trích việc Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt và sức ép đối với nước này, đồng thời cảnh báo quan hệ hai bên có thể trở lại trạng thái đối đầu và tiến trình giải giáp trên bán đảo Triều Tiên có thể bị “ngưng trệ vĩnh viễn”. Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc, Washington thời gian qua đã 8 lần áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty, cá nhân và tàu hàng không chỉ của Bình Nhưỡng, mà cả Nga, Trung Quốc và nhiều nước thứ ba khác. 

Bộ Ngoại giao Triều Tiên dù vẫn bày tỏ tin tưởng vào “thiện chí” của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cải thiện quan hệ với Triều Tiên, song lên án việc Bộ Ngoại giao Mỹ đang có xu hướng đưa quan hệ Triều Tiên - Mỹ trở lại tình trạng đối đầu như năm 2017. Bình Nhưỡng cảnh báo, nếu chính quyền Mỹ cho rằng việc tăng cường sức ép và các biện pháp trừng phạt sẽ buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân thì đó “sẽ là sai lầm lớn nhất và điều đó sẽ làm ngưng trệ vĩnh viễn tiến trình phi hạt nhân hóa”.

Những phản ứng mới nhất trên đây được Triều Tiên đưa ra sau khi Mỹ vào ngày 10-12 vừa qua đã công bố biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 3 quan chức Triều Tiên, trong đó có một cố vấn cấp cao của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với cáo buộc vi phạm nhân quyền, ngược đãi công dân Mỹ Otto Warmbier - người qua đời sau khi trở về Mỹ từ Triều Tiên hồi tháng 6-2017. Các lệnh trừng phạt bao gồm việc cấm mọi hoạt động giao dịch tài chính, ngân hàng và đóng băng tài khoản của các quan chức này có liên quan đến hệ thống ngân hàng Mỹ.

Căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên đã dựng thêm một chướng ngại trên tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên vốn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại sau thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 6-2018 tại Singapore. Thỏa thuận tại cuộc gặp lần đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ với nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên đã mở ra con đường phi hạt nhân hóa, tiến tới chấm dứt chiến tranh và bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau 65 năm kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Quan hệ Mỹ - Triều Tiên và tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã được cải thiện tích cực sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong khi Triều Tiên ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, Mỹ cũng dừng cuộc tập trận quy mô lớn với Hàn Quốc.

Phía Triều Tiên đã có những động thái “đi trước” trong tiến trình phi hạt nhân hóa như tháo dỡ các cơ sở quan trọng tại bãi thử tên lửa Sohae đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của nước này. Mới đây nhất, cuối tháng 11 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngỏ ý đóng cửa tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon, đồng thời chấp thuận để thanh sát viên quốc tế vào kiểm chứng. 

Tuy nhiên, phía Mỹ ngoài việc dừng tập trận thường niên với Hàn Quốc, vẫn chưa có những bước đi cụ thể nào tương xứng với Triều Tiên. Với lý do chưa thể kiểm chứng được việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, Washington không những tiếp tục duy trì mà còn áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới, càng không nói tới việc nới lỏng và tiến tới dỡ bỏ cấm vận, chấm dứt chiến tranh và bình thường hóa quan hệ.

Tuyên bố “lạnh người” ngày 16-12 của Bình Nhưỡng cho thấy, Triều Tiên sẽ không mãi chịu nhân nhượng và nếu Washington cứ cố “già néo” có thể khiến “đứt dây” tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.