Triển vọng nào cho quan hệ Mỹ - Triều Tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội?

ANTD.VN - Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai đã kết thúc mà không thông qua được bất cứ thỏa thuận nào như mong đợi các bên. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc triển vọng của việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã khép lại.

Triển vọng nào cho quan hệ Mỹ - Triều Tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội? ảnh 1Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên giữ thái độ thân thiện trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội 

Trong thông báo phát đi ngày 1-3, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí tiếp tục các cuộc thảo luận “xây dựng” về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ Mỹ - Triều. KCNA cũng nêu rõ: “Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump đã bày tỏ tự tin rằng các mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên có thể cải thiện vững chắc nếu hai bên phối hợp với nhau bằng trí tuệ và sự kiên nhẫn, mặc dù vẫn còn nhiều trở ngại không thể tránh khỏi trước mắt”.

Trước đó vài giờ, bầu không khí của dư luận thế giới dường như ngưng lại khi các trang tin quốc tế đồng loạt phát đi thông tin về việc bữa ăn trưa làm việc của hai đoàn Mỹ-Triều Tiên tại khách sạn Metropole bị hủy bỏ và cuộc họp kết thúc sớm hơn dự kiến. Nhiều ý kiến phỏng đoán rằng chắc hẳn phải có điều gì đó xảy ra trong phòng họp, bởi có những bức ảnh cho thấy hai nhà lãnh đạo hình như đã bỏ ra ngoài.

Đúng là 70 năm trong tình trạng chiến tranh và đối đầu là quãng thời gian quá dài so với khoảng thời gian chưa đầy 1 năm từ khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên diễn ra tại Singapore vào tháng 6-2018. Sự nghi kỵ và thù địch tích tụ hàng thập kỷ là rào cản rất lớn mà hai bên không dễ gì vượt qua trong thời gian ngắn, để có thể bắt tay nhau hòa giải và hợp tác.

Có thể thấy vẫn như trước đây, sự thiếu tin tưởng lẫn nhau đã làm cho khác biệt tưởng như không quá lớn trong yêu sách mà hai bên đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh lần này lại trở thành rào cản, khiến Mỹ và Triều Tiên không thể đi đến một thỏa thuận chung tại Hà Nội. 

Nhưng kết quả hội nghị thượng đỉnh lần này không đóng lại tương lai của mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên, không đẩy vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vào bế tắc. Điều quan trọng là cả Mỹ và Triều Tiên đều không vì thế mà làm căng thêm tình hình. Trong khi Tổng thống Mỹ Trump cho biết không tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, thì Chủ tịch Kim Jong-un cũng khẳng định sẽ không thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân nữa.

Thêm vào đó, việc hai nhà lãnh đạo đồng ý tiếp tục duy trì kênh đối thoại là điều quan trọng để thế giới tin tưởng vào tương lai. Trên thực tế, cuộc gặp ở Hà Nội đã giúp hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên mở rộng phạm vi và chiều sâu về sự hiểu biết vị thế của nhau thông qua các cuộc thỏa luận sâu và dài. Nhận định về việc này, tuyên bố của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng: “Dù không thể tiến tới thỏa thuận nhưng hai bên đã đạt được bước đi có tiến bộ hơn bất kì thời điểm nào trước đó”.

Trong cuộc họp báo trước khi về Mỹ, ông Trump khẳng định: “Các cuộc thảo luận với Chủ tịch Kim Jong-un diễn ra trong không khí thân thiện và không ai ra về trong giận dữ”. Còn trong cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh truyền hình Fox ngay sau khi về đến Mỹ, ông Trump tiếp tục nhấn mạnh đến mối quan hệ tốt đẹp giữa ông và Chủ tịch Triều Tiên và tỏ ra lạc quan về tương lai. “Tôi nghĩ chúng tôi đã có hai ngày rất tuyệt vời. Tôi không cho là ai đó trong hai chúng tôi còn chưa sẵn sàng”, ông Trump nói.

“Hôm nay không có thỏa thuận, không có nghĩa là những tháng tới không có”, đó là nhận định của ông Lim Soo-ho, một nhà phân tích tại Viện Chiến lược an ninh Quốc gia Hàn Quốc. Khi cầu đối thoại vẫn đang tiếp tục, thì cơ hội để đạt được thỏa thuận vẫn còn ở phía trước.