Tổng thống Putin công khai ý định tái tranh cử năm 2024, Nga đứng trước hai viễn cảnh

ANTD.VN - Cầm quyền trong hơn 20 năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được sự yêu mến của đông đảo người dân nước này. Mới đây, ông đã đưa ra một bản sửa đổi Hiến pháp và công khai ý định tái tranh cử Tổng thống vào năm 2024 nếu bản sửa đổi này được thông qua. Điều này đã đặt nước Nga đứng trước hai viễn cảnh, đó là: sẽ có một nhà lãnh đạo mới hoặc tiếp tục thời kỳ cầm quyền của vị tổng thống đương nhiệm.

Tổng thống Putin công khai ý định tái tranh cử năm 2024, Nga đứng trước hai viễn cảnh ảnh 1Cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Sự lựa chọn của người Nga

Hồi tháng 1-2020, Tổng thống Putin đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp năm 1993 để thuận lợi cho việc tái tranh cử của mình. Hiện bản Hiến pháp sửa đổi đã được đưa ra trưng cầu dân ý từ ngày 25-6 đến 1-7. Theo đó, người dân Nga sẽ tham ra bỏ phiếu ủng hộ hoặc không ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp nói trên.

Nếu đa số phiếu thuận, quy định trong Hiến pháp sẽ gia hạn thời gian cầm quyền của Tổng thống Nga từ 4 lên 6 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 6 năm. Như vậy, nhiều khả năng ông Putin sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga đến năm 2036. Ở chiều ngược lại, thời gian cầm quyền của đương kim Tổng thống Nga chỉ kéo dài đến năm 2024 và ông không được phép tranh cử thêm nữa.

Bản dự thảo Hiến pháp đã được Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện) thông qua vào tháng 3-2020. Hiện nay, ông Putin cũng chưa có kế hoạch tìm kiếm ứng viên tiềm năng có khả năng thay thế cương vị của mình nếu bản Hiến pháp sửa đổi bị người dân phản đối. Nhiều quan chức trong bộ máy chính quyền đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với bản Hiến pháp mới và cho rằng, việc Tổng thống Putin tiếp tục nắm quyền sẽ giúp đảm bảo sự ổn định của đất nước này.

Bởi ông Putin là nhà lãnh đạo tài năng đã giúp vực dậy nước Nga từ nguy cơ sụp đổ sau cuộc khủng hoảng chính trị năm 1999 dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin trở thành một trong những cường quốc của thế giới trong năm 2020. Từ năm 1999 tới nay, Tổng thống Putin vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Nga. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái chiều cho rằng đã đến lúc ông nên nhường lại vị trí cho người khác.  

Những ứng viên sáng giá

Khi bàn về việc ai là người có khả năng kế nhiệm Tổng thống Putin, tờ Moscow Times đã đưa ra một vài cái tên trong bộ máy chính trị đương thời. Nổi bật nhất là cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev. Trên thực tế, ông Medvedev từng có kinh nghiệm giữ chức Tổng thống trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2012, đồng thời ông cũng là người nhận được tín nhiệm cao của ông Putin và từng giữ chức Thủ tướng Nga trong gần 8 năm từ tháng 5-2012 đến tháng 1-2020.

Ngoài ông Medvedev, nhiều cái tên khác cũng được nhắc đến như những ứng viên sáng giá cho ngôi vị Tổng thống, đó là Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Thị trưởng thành phố Moscow Sergei Sobyanin.

Nói về điểm mạnh của những chính trị gia này phải kể đến mối quan hệ mật thiết giữa Bộ trưởng Shoigu với quân đội Nga và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề liên quan tới quân sự của ông. Bên cạnh đó, Thị trưởng thành phố Moscow lại cho thấy khả năng lãnh đạo và điều hành tài ba của mình khi thiết lập trật tự, ổn định ở Thủ đô nước Nga.

Còn về phần Ngoại trưởng Lavrov, ông đã thể hiện cho cả thế giới khả năng đối ngoại tài ba, góp phần đưa nước Nga vượt qua nhiều sóng gió trên trường quốc tế. Có điểm chung của những chính khách này, đó là kinh nghiệm dày dặn của họ trên chính trường và nó khiến họ hoàn toàn phù hợp để trở thành người kế nhiệm Tổng thống Putin. 

Tổng thống Putin vẫn tỏa sáng

Đây không phải lần đầu tiên nước Nga tiến hành sửa đổi Hiến pháp quy định về thời gian làm việc của Tổng thống. Trước đó, Hiến pháp Nga quy định 1 Tổng thống không được làm việc trong hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Do vậy, khi mãn hạn nhiệm kỳ vào năm 2008, ông Putin đã chọn “cánh tay phải” của mình là ông Dmitry Medvedev lên nắm quyền lãnh đạo nước Nga. Trong thời gian làm ông chủ Điện Kremlin, ông Medvedev đã lần đầu sửa đổi Hiến pháp tăng thời hạn nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 lên 6 năm. Nhiều người cho rằng, hành động này của ông Medvedev nhằm mở đường cho ông Putin quay lại ghế Tổng thống Nga vào năm 2012 và giúp ông kéo dài thời gian cầm quyền ở Điện Kremlin của mình sau đó. 

Bởi vậy, nhiều người cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp mới có nhiều khả năng thành hiện thực và Tổng thống Putin sẽ tiếp tục cương vị lãnh đạo của mình. Bởi trên hết, ông vẫn là một trong những chính trị gia hàng đầu và có tầm nhìn nhất nước Nga với kinh nghiệm 20 năm cầm quyền.