Tổng thống Mỹ Donald Trump "lên dây cót" cho chiến dịch tranh cử năm 2020

ANTD.VN - Còn hơn 1 năm nhiệm kỳ, song Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu “lên dây cót” cho chiến dịch tranh cử năm 2020 với hàng loạt những quan điểm cứng rắn về các vấn đề như: nhập cư, căng thẳng với Iran, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc… Ông cũng đang nỗ lực hết sức để chứng minh cho người dân Mỹ thấy rằng, Donald Trump là cái tên mà họ đã lựa chọn đúng đắn trong cuộc bầu cử năm 2016.

Một trong những thành tựu nổi bật của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ của mình là cải thiện mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên vốn đã đóng băng trong nhiều thập kỷ

Những điểm chính của chiến dịch tranh cử

Theo tờ Guardian, ngày 19-6 vừa qua, trước 20.000 người tại sân vận động thành phố Orlando, bang Florida (Mỹ), Tổng thống Donald Trump đã phát động chiến dịch tranh cử năm 2020. Hành động này của Tổng thống Mỹ được nhiều người đánh giá cao, rằng ông vẫn còn sự nhiệt thành đối với các chính sách và công việc của đất nước.

Trong vòng 24 giờ đồng hồ, Tổng thống Mỹ đã xây dựng một quỹ dành cho chiến dịch tranh cử với số tiền lên đến 24,8 triệu USD. Đây là một khoản tiền vô cùng lớn, đánh bật cả số tiền mà những ứng viên hàng đầu của Đảng Dân chủ dự kiến sử dụng để thực hiện chiến dịch tranh cử trong 3 tháng đầu năm nay. Tổng thống Trump và các cộng sự cũng đưa ra một vài điểm đáng chú ý trong chiến dịch tranh cử lần này bao gồm: nhập cư, truyền thông sai lệch, bất bình đẳng thương mại với Trung Quốc, ngân hàng lớn, căng thẳng với Iran, vụ công tố viên đặc biệt Robert Mueller và cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử, âm mưu phế truất và các ứng viên đảng Dân chủ.

“Chúng ta sẽ đối mặt với tham nhũng chính trị, cùng nhau gây dựng một chính phủ mới của người dân Mỹ và dành cho người dân Mỹ. Ngay trong ngày đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng với vai trò Tổng thống Mỹ, tôi chưa bao giờ quên những người đã đưa tôi tới đây, đó chính là các bạn. Bởi vậy, mỗi ngày làm việc tại đây, tôi không ngừng nghĩ tới việc nước Mỹ sẽ trở nên vĩ đại thế nào”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump 

Suốt thời gian đương nhiệm, Tổng thống Trump đã không ít lần lên tiếng chỉ trích Đảng Dân chủ, ông cáo buộc Đảng Dân chủ là những người cho “mở cửa biên giới”. Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng phê phán truyền thông Mỹ. Giống như trong chiến dịch năm 2016, Tổng thống Mỹ vẫn giữ nguyên ý định cải tổ lại bộ máy truyền thông nước này. Ông nhấn mạnh, báo chí hiện nay thường xuyên đăng tải nhiều tin tức giả mạo về những vấn đề chính trị. “Số lượng báo chí chúng ta có hiện nay đã nhắc tôi nhớ về các giải thưởng của Viện Hàn lâm dành cho họ trước khi họ tham gia vào chính trị và khiến xếp hạng của họ giảm xuống” - Tổng thống Trump phát biểu tối 19-6 khi tuyên bố khởi động chiến dịch tranh cử năm 2020.

Theo Independent, cũng trong bài phát biểu của mình tại sân vận động thành phố Orlando, Tổng thống Trump nhấn mạnh ông là người phù hợp nhất để đứng lên đòi lại công bằng cho những người Mỹ “bị lãng quên”. “Chúng ta sẽ đối mặt với tham nhũng chính trị, cùng nhau gây dựng một chính phủ mới của người dân Mỹ và dành cho người dân Mỹ. Ngay trong ngày đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng với vai trò Tổng thống Mỹ, tôi chưa bao giờ quên những người đã đưa tôi tới đây, đó chính là các bạn. Bởi vậy, mỗi ngày làm việc tại đây, tôi không ngừng nghĩ tới việc nước Mỹ sẽ trở nên vĩ đại thế nào” - Tổng thống Mỹ phát biểu.

Tổng thống Mỹ khởi động chiến dịch tranh cử 2020 tại Orlando hôm 19-6

Thành tựu sau 3 năm giữ nhiệm kỳ

Trong thời gian đương nhiệm, không thể phủ nhận Tổng thống Donald Trump đã làm được nhiều điều cho nước Mỹ. Đầu tiên là nền kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp đã giảm kỷ lục chỉ trong 2 năm đầu nhiệm kỳ. Đây là một minh chứng rõ ràng cho lời hứa “trở thành Tổng thống tạo cơ hội công ăn việc làm vĩ đại nhất” đối với người dân Mỹ. Cho đến năm 2018, khoảng 5 triệu việc làm đã được tạo ra. Theo tờ USA Today, 156,6 triệu công nhân Mỹ có việc là con số lớn kỷ lục kể từ năm 1969 tới nay. Đặc biệt là mức lương và thu nhập của người dân cũng đang tăng với tốc độ 3,1%/năm, cao nhất kể từ cuộc đại suy thoái thập niên 1930.

Vấn đề ngoại giao cũng được Tổng thống Mỹ chú trọng. Trong số những thành tựu này, phải kể đến chính sách ngoại giao, đặc biệt là nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ - Triều Tiên. Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị “đóng băng” trong thời gian dài, mãi tới những năm gần đây dưới thời của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, tình hình 2 bên mới được cải thiện đáng kể. Hai nhà lãnh đạo đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi quyết định ngồi vào bàn đàm phán hồi tháng 6-2018 để thảo thuận về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh này là “cuộc đàm phán của thế kỷ”.

Phiên họp thượng đỉnh kết thúc với lễ ký tuyên bố chung 4 điểm, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định cam kết của mình đối với “tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn” của bán đảo Triều Tiên. Đổi lại, Washington sẽ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng, ngừng tập trận chung với Seoul trong giai đoạn đối thoại thiện chí giữa Mỹ và Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo đã cam kết vượt qua những căng thẳng và thù địch trong nhiều thập kỷ qua giữa 2 nước để mở ra một tương lai mới, xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. 

Tiếp tục thực hiện lời hứa

Tiếp nối những thành công bước đầu của hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, 2 nhà lãnh đạo tiếp tục tổ chức một cuộc đàm phán mới tại Hà Nội cuối tháng 2-2019 để tiến tới ký kết một thỏa thuận chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có thời gian gặp  gỡ và trao đổi với nhau về vấn đề này, song hai bên vẫn cần thời gian để đi đến một thỏa thuận chung.

Chia sẻ trong buổi họp báo sau hội nghị, Tổng thống Mỹ cho hay, quan hệ giữa ông và Chủ tịch Kim vẫn vô cùng tốt đẹp dù hai bên đã có một thời gian dài mâu thuẫn sau hàng thập kỷ. Nhưng đó không phải là những vấn đề có thể được giải quyết trong ngày một ngày hai mà cần nhiều hơn thế. Ông nhấn mạnh cuộc gặp này hoàn toàn không phải thất bại mà nó giúp ông và người đồng cấp Triều Tiên thấu hiểu nhau hơn. 

Cuối cùng là vấn đề nhập cư, những chính sách cứng rắn của Tổng thống Mỹ về vấn đề này đã gây tranh cãi trong nội bộ Mỹ, như việc cho xây dựng bức tường biên giới với Mexico, thậm chí bắt giữ và chia tách những gia đình nhập cư trái phép. Lệnh cấm nhập cảnh nhắm vào một số quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số đã ngăn các thành viên gia đình ở các khu vực bất ổn nhất thế giới đến thăm những người thân của họ ở Mỹ.

Chính quyền cũng tiếp tục gia tăng số vụ bắt giữ, trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ. Hiện tại, một kỷ lục 44.000 người đang bị giam giữ trong lúc các tòa án di trú tồn đọng các trường hợp phải xử lý ở mức quá tải. Dù gây tranh cãi, song nhiều người cũng đánh giá chính sách này của Tổng thống Trump  đã giúp ổn định đất nước này.