Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đúng khi không 'động thủ' với Iran vào phút chót?

ANTD.VN - Mặc dù, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran liên tục có những lời lẽ và động thái mang tính thách thức, khiến căng thẳng xung đột leo thang, mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn đe dọa sẽ “xóa sổ” Iran. Tuy nhiên, sau khi đắn đo suy nghĩ, ông đã hủy lệnh tấn công trước 10 phút, liệu đây có phải là quyết định đúng?

Hủy lệnh trước 10 phút

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ cuộc không kích nhằm vào Iran để trả đũa vụ Tehran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ, một số chuyên gia đã so sánh quyết định này của Mỹ với sự thất bại ê chề của cựu Tổng thống Barrack Obama khi không thực thi "lằn ranh đỏ" ở Syria. Tuy nhiên, hai bối cảnh hoàn toàn khác nhau, giới phân tích cho rằng, quyết định của ông Trump đã đúng khi thể hiện sự kiềm chế và chính sách Iran của ông đang có sự cải thiện.

Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Iran vào ngày 24-6-2019 (Nguồn: TASS)

Theo các nguồn tin, hôm 20-6 vừa qua, Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bắn hạ một máy bay do thám không người lái chiến lược MQ-4C Triton của Hải quân Mỹ tại khu vực Kueh Mubarak, tỉnh Hormozgan, miền Nam Iran do xâm phạm vào không phận của nước này.

IRGC cho biết, chiếc máy bay không người lái MQ-4C Triton xuất phát từ lãnh thổ Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã bị bắn hạ ở không phận tỉnh Hormozgan, ở lối vào Vịnh Ba Tư; đồng thời nêu rõ, Iran không hề muốn chiến tranh với bất cứ nước nào, nhưng nước này sẽ làm tất cả để đáp trả mọi hành động xâm lược, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Trong khi Mỹ cho rằng, nó bị bắn hạ tại vị trí cách bờ biển Iran 34 km, thuộc không phận quốc tế chứ không phải như lời của phía Iran giải thích.

Hôm 21-6, Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter rằng: "Hôm thứ Hai, Iran bắn rơi máy bay không người lái (UAV) của chúng tôi đang hoạt động ở vùng biển quốc tế. Chúng tôi đã lên đạn và sẵn sàng thực hiện đòn không kích đáp trả tối qua vào ba địa điểm khác nhau của Iran".

Tiếp đó, ông cho biết sau khi kế hoạch tấn công sẵn sàng, ông đã hỏi bao nhiêu người sẽ chết và một viên tướng trả lời là 150 người. "10 phút trước cuộc tấn công, tôi đã ra lệnh dừng lại. Tỷ lệ như vậy là không đáng so với một vụ bắn rơi máy bay không người lái", ông giải thích cho quyết định hủy chiến dịch không kích của mình.

Sẽ rất khó khăn nếu Mỹ quyết định khai chiến, bởi Iran có thực lực quân sự mạnh nhất Trung Đông

Tổng thống Trump khẳng định, ông "không có gì phải vội vàng" và quân đội Mỹ đang được "tái xây dựng, mới mẻ và luôn sẵn sàng" để giữ vị thế "lực lượng mạnh nhất trên thế giới. Các lệnh trừng phạt đang phát huy tác dụng và đã được bổ sung tối qua. Iran không bao giờ có thể sở hữu vũ khí hạt nhân để chống lại nước Mỹ và cả thế giới", ông viết thêm.

Tờ New York Times của Mỹ hôm 20-6 dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Tổng thống Trump đã thông qua kế hoạch không kích hàng loạt mục tiêu của Iran như trận địa tên lửa và radar phòng không, nhằm đáp trả vụ máy bay không người lái RQ-4N bị Iran bắn hạ. Tuy nhiên, ông đã ra lệnh hủy hành động khi "chiến đấu cơ đã cất cánh và tàu chiến vào vị trí sẵn sàng khai hỏa".

Nếu được thực hiện, chiến dịch không kích này sẽ là hành động quân sự thứ 3 của Mỹ chống lại các mục tiêu ở Trung Đông, sau khi Tổng thống Mỹ phê chuẩn 2 đợt không kích Tomahawk vào Syria năm 2017 và 2018.

Quyết định đúng đắn?

Không giống như chế độ Syria, vốn sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường bất chấp đe dọa sử dụng vũ lực của ông Obama, chế độ Iran không hề vượt qua "lằn ranh đỏ" nào của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tờ Washington Post đưa tin rằng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gửi cảnh báo riêng cho các nhà lãnh đạo Iran hồi tháng 5-2019 rằng "bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran hay các lực lượng ủy nhiệm của họ dẫn đến cái chết của ngay cả một binh sỹ Mỹ cũng sẽ kích động cuộc phản công quân sự của Mỹ".

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã công khai nói với báo giới quốc tế rằng, cuộc không kích như vậy "sẽ diễn ra ở ngay tại Iran" và thậm chí chế nhạo hành động không tấn công Syria của ông Obama như bằng chứng cho thấy ông Donald Trump sẽ không chần chừ hành động. Ông Pompeo nói thêm: "Các bạn đã thấy hành động mạnh mẽ mà Obama đã làm khi ông Assad sử dụng vũ khí hóa học, đúng không?".

Tổng thống Mỹ rút lệnh khai hỏa, nhưng vẫn đang chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Iran

Đúng vậy, các nhà lãnh đạo Iran đã thấy điều đó. Không đơn thuần tình cờ khi họ hành động cẩn trọng để không vượt qua "lằn ranh đỏ" của Tổng thống Trump.

Ông Trump thừa hiểu rằng, không cần chứng tỏ sự sẵn sàng sử dụng vũ lực, cách mà ông đã từng sử dụng 2 lần ở Syria, ông cũng biết, các nhà lãnh đạo Iran đang mâu thuẫn nội bộ bởi họ đang loay hoay trước các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ mà ông áp đặt đối với Tehran.

Mục tiêu ưu tiên của Iran là gỡ bỏ các sức ép đó. Bởi vậy, thay vì phản công quân sự, Tổng thống Mỹ đã trả đũa bằng biện pháp kinh tế. Ngày 24-6, ông tuyên bố gia tăng trừng phạt Iran, nhằm vào một số lãnh đạo IRGC, cũng như Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif và văn phòng lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.

Theo lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, các lệnh trừng phạt này sẽ "phong tỏa thêm hàng tỷ USD tài sản của Iran". Điều này sẽ làm tổn hại tới Tehran hơn là một cuộc không kích quân sự có giới hạn.

Điều này cũng làm xói mòn mục tiêu của Iran nhằm chia rẽ Mỹ và các đồng minh Tehran đang tìm cách phát đi thông điệp rằng, Tổng thống Trump đã làm leo thang tình hình với việc áp đặt trừng phạt và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân; và rằng, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các đồng minh không thể khiến Mỹ lùi bước. Tuy nhiên, các hành động của Iran, cùng phản ứng kiềm chế của ông Trump đang gây tác dụng ngược với Iran, khiến củng cố lý do gia tăng trừng phạt và khiến các đồng minh của Mỹ đoàn kết hơn.

Tổng thống Trump đã không "cắn câu", thậm chí chứng minh được rằng, chính Iran đã toan tính làm leo thang tình hình. Mặc dù, ông Donald Trump gia tăng sức ép kinh tế đối với Iran nhưng lựa chọn quân sự vẫn đang được cân nhắc. Thực tế, ông Donald Trump chỉ rút lại lệnh không kích trước đó 10 phút, có thể được coi là "lời cảnh báo Iran".

Phát biểu hôm 24-6, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, chúng ta đã thể hiện quá nhiều kiềm chế, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta cũng sẽ thể hiện nó trong tương lai". Thông điệp của ông Trump rất rõ ràng, Iran đã thoát được một lần, nhưng họ có thể sẽ phải chịu tấn công quân sự vào lần sau nếu tiếp tục có những động thái gây căng thẳng với Mỹ.

Trước bối cảnh Iran bị Mỹ đe dọa tấn công, phía Nga đã lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ "đồng minh". Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev hôm 25-6 đã khẳng định với giới báo chí sau cuộc họp với Cố vấn an ninh Nhà Trắng John Bolton và Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat tại Jerusalem rằng: "Iran đã và sẽ mãi là đồng minh, đối tác của chúng tôi... Đây là lý do tại sao chúng tôi tin rằng, không thể mô tả Tehran là mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực và đặt nước này ngang hàng với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay bất kỳ tổ chức khủng bố nào khác".

Đồng thời, chỉ trích Mỹ vì gia tăng áp lực với Iran thông qua các lệnh trừng phạt trong khi vẫn cam kết duy trì đối thoại; và cảnh báo chính sách của Mỹ có thể gây ra sự bất ổn của Trung Đông và làm suy yếu an ninh quốc tế.